.

Chăm chút những ngôi sao nhỏ

.

Hơn mười năm nay, ở Đà Nẵng có một “môi trường sáng tạo” để giúp các em học sinh trong độ tuổi từ tiểu học đến THPT thể hiện năng lực và tình cảm thẩm mỹ đối với gia đình, mái trường và cuộc sống chung quanh.

Từ những ngôi sao nhỏ

Họa sĩ Trần Trung Kỳ trong một buổi hướng dẫn kỹ thuật vẽ ở Trại sáng tác hè lần thứ 13 năm 2010.

CLB Ngôi sao nhỏ của Trường THCS Nguyễn Khuyến thành phố Đà Nẵng vào năm 1978 bắt đầu là nơi ươm mầm và hội tụ những hạt giống văn chương của nhà trường. Những sáng tác trong trẻo, đáng yêu của các em đã gợi cho thầy cô và những người làm công tác văn nghệ của thành phố ý tưởng tạo ra một môi trường thuận lợi cho các em thể hiện và phát triển năng khiếu văn học - nghệ thuật (VHNT). Thầy Bạch Văn Thắng, người đi cùng “những ngôi sao nhỏ” hơn mười năm qua tâm sự: “Những sáng tác của các em đã mở ra một thế giới tâm hồn trẻ thơ đẹp đến trong ngần…”.

Những băn khoăn, day dứt khôn nguôi của người thầy giáo suốt một đời đốt cháy mình mỗi trang văn ấy đã gặp sự đồng cảm đầy trách nhiệm của những người làm công tác văn nghệ thành phố. Nhà thơ Thanh Quế, Phó Chủ tịch Hội VHNT thành phố Đà Nẵng lúc bấy giờ đã quyết định tổ chức thí điểm “Trại sáng tác hè” dành cho thiếu nhi, học sinh. Ban đầu, tham gia Trại chủ yếu là các cây viết tỏa sáng từ CLB Ngôi sao nhỏ của trường Nguyễn Khuyến. Ban tổ chức trại không đặt ra những tham vọng lớn lao mà chỉ mong tạo ra một sinh hoạt có tính VHNT cho tuổi thơ thành phố trong mỗi dịp hè về; đồng thời qua đó tạo một môi trường để các em phát triển năng khiếu ban đầu.

“Mùa gặt” đầu tiên thật mỹ mãn. Những sáng tác đầu tay của các em đã đem đến thật nhiều bất ngờ và cho phép nhà tổ chức hy vọng về một mùa trái ngọt. Ý định tổ chức trại sáng tác hè hằng năm với hai bộ môn Văn và Hội họa đã hình thành và đi vào thực thi với văn bản phối hợp liên ngành giữa Sở GD-ĐT và Hội VHNT thành phố với quy mô mở rộng cho tất cả học sinh, thiếu nhi toàn thành phố. Hằng năm, nhà trường có nhiệm vụ phát hiện và giới thiệu những học sinh có năng khiếu tham gia trại sáng tác hè. Chương trình hoạt động của trại sẽ do Hội VHNT thành phố xây dựng trên cơ sở ba hoạt động chính: Học một số kỹ năng cơ bản về sáng tác, đi tham quan thực tế, sau đó là dành thời gian cho sáng tác tại nhà…

Em Trần Nguyễn Yến Nhi, một trong những ngôi sao nhỏ ngày nào đã hai lần tham gia trại sáng tác hè thú nhận: “Trước đây, em viết văn như một bản năng tự nhiên. Nghĩ thế nào thì viết thế ấy. Đến khi tham gia trại mới được biết thế nào là kỹ năng sáng tác, phương pháp xây dựng hình tượng nhân vật, nghệ thuật hư cấu trong tác phẩm… thật là thích thú và bổ ích!”.

Đến… gặt những vì sao cho mẹ

Đã mười ba mùa hè trôi qua kể từ khi trại sáng tác đầu tiên ra đời. Không ít những ngôi sao nhỏ ngày nào đã tỏa sáng và lấp lánh trên bầu trời VHNT thành phố. Nhà văn Nguyễn Thị Thu Hương, người đã dày công theo dõi, tổ chức các hoạt động của trại cho biết: “Kết quả mà các em đạt được ở Trại sẽ tương đương với kết quả thi học sinh giỏi toàn thành phố. Chính điều đó đã là chất kích thích sự quan tâm của các bậc phụ huynh cũng như sự hào hứng tham gia của các em”.

Những sáng tác đoạt giải của các em đã được Hội VHNT và Sở GD-ĐT thành phố xuất bản thành các tuyển tập gồm hàng trăm tác phẩm mang tên: Tháng mười ba, Gặt những vì sao cho mẹ. Hội Mỹ thuật Đà Nẵng cũng đã in tập tranh dành cho thiếu nhi, trong đó có nhiều bức tranh của các họa sĩ tý hon đoạt giải cao qua các kỳ trại. Đó cũng là kết quả của những mùa gặt bằng công sức, trí tuệ của các em và những người có tâm huyết và trách nhiệm đối với thế hệ trẻ và văn nghệ của thành phố.

Mỗi hè qua, Trại sáng tác hè cho thiếu nhi ngày càng ổn định và đạt chất lượng cao hơn. Không ai dám nói rằng tất cả các em sẽ đi theo con đường văn chương như “vì sao nhỏ” Đàm Thùy Dương, em đã chọn Trường viết văn Nguyễn Du sau khi tốt nghiệp THPT; hay con đường hội họa như các em Cao Tấn Vĩ, Nguyễn Ý Thảo Hiền, Phan Thanh Hải... ở Đại học Mỹ thuật Huế. Nhưng ít ra tâm hồn các em qua mỗi trại hè cũng được đắp bồi những giá trị nhân văn cao đẹp. Và đâu đó trong cuộc đời, nếu hữu duyên thì bên cạnh nghề nghiệp đã chọn, các em sẽ là lực lượng sáng tác nghiệp dư đầy tiềm năng.

Thầy giáo, nhà thơ Nguyễn Minh Hùng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố, người đã đi cùng năm tháng với các em cho rằng: “Chúng tôi cố gắng khơi gợi cảm hứng để các em có thể tự bộc lộ mình một cách chân thật và tự do trong những sáng tác đầu tay. Để các em là các em chứ không là một bản sao của một nhà thơ, nhà văn nào khác. Từ những bài tập sáng tác ban đầu của các em hôm nay cho phép chúng ta hy vọng trong tương lai, văn nghệ thành phố có thêm thêm nhiều cây bút mới trẻ trung và tài hoa…”.

Và chặng đường phía trước

Mới đây, Ban tổ chức trại có ý định tổ chức một hội trại cho những em từng đoạt giải cao trong mười ba năm qua để có thể nhìn lại chặng đường đã qua và định hướng cho chặng đường phía trước.

Khi bài viết này lên khuôn thì các vì sao nhỏ đang miệt mài sáng tác tại nhà sau chuyến đi thực tế của Trại sáng tác lần thứ mười ba. Công bằng mà nói, khi nhìn lại, Ban tổ chức đã không ít băn khoăn. Hình như nội dung hoạt động của Trại vẫn còn nghèo nàn, chưa kích thích được năng lực sáng tạo của các em, lứa tuổi đang khao khát hiểu biết và bộc lộ bản thân. Nên chăng tạo cho các em có điều kiện tiếp xúc, đọc các tác phẩm lớn; tổ chức cho các em trao đổi ý kiến về sáng tác văn chương. Mặt khác, việc tổ chức các chuyến đi thực tế cho các em còn hạn chế về thời gian, nếu không nói là “cưỡi ngựa xem hoa”…

Tất cả những điều đó có thể đổ lỗi cho nguồn kinh phí hạn hẹp. Nếu như các tổ chức kinh tế, xã hội đã tài trợ lớn cho các hoạt động thi thanh lịch, thời trang... trên địa bàn thành phố thì tại sao lại không giang tay đỡ nâng để những ngôi sao nhỏ có thể vụt lớn qua những hoạt động của Trại sáng tác hè dành cho thiếu nhi hằng năm?

Như Hạnh

 

 

;
.
.
.
.
.