.
Hướng tới 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội

Tiếng ru ngõ nhỏ

.

Khuya lắm rồi, trong hẻm phố vọng một tiếng ru khe khẽ. Tuổi già khó ngủ, tôi ngồi châm điếu thuốc, lắng nghe tiếng ru của một người mẹ trẻ.

Công cha như núi Thái Sơn. Ơ… hờ
Nghĩa mẹ như nước ơ… hơ trong nguồn… ơ chảy ra


Tranh minh họa.
Theo nhịp nôi đưa, tiếng ru có khi nghe thật rõ, ấm áp, khi chìm đi trong tiếng mưa khuya rả rích. Điệu ru con Bắc Bộ dường như người phụ nữ nào cũng biết mà không cần ai dạy. Tôi lặng lẽ đứng bên lề đường nghe tiếng ru vọng ra từ căn nhà nhỏ. Mưa đã ngớt nhưng mái hiên vẫn tích tụ nhiều giọt nước. Cổ áo thấm lạnh. Chính trong khung trời hẹp mưa rây rắc ấy, tiếng ru như thấm hơn, ấm vào giấc ngủ con thơ. Nghe có tiếng trẻ oe oe cựa mình rồi yên ắng, chỉ còn hơi thở khẽ khàng của người mẹ và tiếng ru dìu dịu. Cũng đã lâu lắm rồi tôi mới được nghe lại tiếng ru như thế, ấm áp đến lạ lùng.

Sau chiến tranh chống Pháp chín năm ở Hà Nội, hai đứa em tôi lần lượt ra đời. Khi bố mẹ đi làm, căn phòng im phắc. Nhưng chiều tối nhà tôi thường có tiếng ru của mẹ. Nghe mãi thành quen, thành nhớ. Tiếng ru mỗi khi cất lên, dù khẽ khàng đến mấy, tôi cũng cảm hết cái ấm áp lan tỏa căn phòng nhỏ hẹp của gia đình. Người lớn, trẻ con như hòa quyện vào nhau theo tiếng ru hời nho nhỏ. Rồi từ lúc nào không nhớ nữa, tôi cũng biết ru thành thục, nhập tâm những câu ca dao cổ. Tôi cũng lạ cho mẹ tôi. Không rõ mẹ học từ hồi nào mà những câu ca dao thuộc nhiều đến thế, có thể chép thành một cuốn sách dày.

Cả những đoạn Kiều thật dài trong tiết Thanh Minh, khi Kiều gặp chàng Kim hay những ngày nổi trôi trên sông Tiền Đường… Tôi có cảm giác những câu thơ lục bát của Nguyễn Du từ trong sâu thẳm hồn bà nối vào nhau mà nhập vào điệu ru. Trong vốn văn hóa sơ khai tuổi thơ tôi, có lẽ được bắt đầu từ những câu lục bát dễ nhớ như thế. Hàng trăm câu ca dao cổ trong lời ru của mẹ tôi cứ tự nhiên sắp đặt vào trí nhớ thành kiến thức, thành vốn sống để đến khi đi học, ca dao, truyện Kiều, hay Chinh Phụ Ngâm thấm vào tôi dễ dàng như thể nó đã từ lâu ở trong tôi rồi.

Khi lớn lên, tuổi trẻ đi bốn phương trời, nỗi nhớ gia đình cũng thường được gợi lên từ những câu ca dao quen thuộc bất ngờ nghe được qua tiếng ru đâu đó. Trong đêm khuya ở làng quê sơ tán, khu phố Khâm Thiên, nơi gia đình tôi đã từng sống qua những năm tháng tuổi thơ lại hiện về, rõ từng ngõ ngách…

Mấy chục năm qua, tôi có dịp đi nhiều nơi trên đất nước, vùng nào cũng được nghe nhắc nhở trong ca dao cổ và miền đất nào cũng có điệu ru. Đến đất Quảng Nam tôi đã nghe:

Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng
Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi…
Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm
Rượu Hồng Đào chưa nhắm đã say…
Vào đất Nam, tôi đã lại nghe:
Làm trai cho chí nên trai
Phú Xuân cũng trải, Đồng Nai cũng từng …


Và Hà Nội, chỉ mấy chục câu lục bát thôi mà ca dao đã thâu tóm cả ba sáu phố phường, để người Hà Nội ra đi mang theo, để gọi người Hà Nội trở về. Hà Nội như một phố – làng, gần gũi, dễ quen. Mặt trước nhà là đường nhựa, đèn sáng, ô-tô inh ỏi bấm còi. Nhưng phía sau phố phường lại mang rõ nét quê. Dường như đường phố nào cũng vậy, cứ đi sâu vào ngõ nhỏ quanh quanh là thấy quê hiện dần lên. Ngày mới đặt chân đến Hà Nội còn ngỡ ngàng, lạ lẫm, nhưng vài ngày sau, quen tai quen mắt, Hà Nội lại hiện ra một phố – làng quen thuộc. Có những đứa trẻ chân đất, quần lấm. Có tiếng trống ếch tùng tùng. Có đuổi bắt chuồn chuồn quanh ao bèo và cả tiếng ru con trong một vách tường nào đó:

Rủ nhau chơi khắp Long Thành
Phố giăng mắc cửi, đường quanh Bờ Hồ
Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ…


Cứ theo lời ru ấy mà lần ra Hà Nội sầm uất cơ man nào là “Hàng”: Hàng đào, hàng khay, hàng thùng, hàng thiếc, hàng tre, hàng bè …

Hà Nội băm sáu phố phường
Hàng Gạo, hàng Đưòng hàng Muối trắng tinh…


Đêm mơ hồ nghe vọng đến một tiếng ru như đánh thức trong ký ức một Hà Nội mà tôi còn nhớ cách đây mấy mươi niên. Ngày nay băng nhạc, tivi, những vũ điệu ồn ã tràn ngập, tôi thầm nghĩ, tiếng ru có lẽ không còn nữa. Nhìn những người mẹ trẻ ngày nay nuôi con, lắc lắc đầu nôi rồi chỉ biết mỗi à ơi… à ơi.. nghĩ mà thương cho lũ nhỏ ngẩn ngơ, thèm một tiếng ru ngọt ngào, ấm áp. Có người mẹ lại còn vặn máy xập xình thay cho lời ru. Có ông bố trẻ, khi vợ vắng nhà mang ghi-ta ra gõ “phừng phừng” bên nôi, ru cho con ngủ. Buồn cười đấy, nhưng rồi buồn không còn cười được nữa. Vậy mà một tiếng ru khuya vọng tới.

Hà Nội vẫn còn đâu đó tiếng ru ư?

Đoàn Tử Diễn

;
.
.
.
.
.