.

Một khát vọng nhân tình

.

Một người con của Đà Nẵng hy sinh ở chiến trường Campuchia vào năm 1980, anh là tác giả của nhật ký “Tây tiến viễn chinh” (NXB Hội Nhà văn, 2005). Anh là Trần Duy Chiến.

Thầy và trò của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn Đà Nẵng vừa có dịp trò chuyện với nhà văn Chu Lai và nhà thơ Đặng Vương Hưng - người sáng lập tủ sách “Mãi mãi tuổi 20” và biên soạn cuốn “Tây tiến viễn chinh” cùng hàng loạt sách nhật ký chiến trường khác, trong đó có “Mãi mãi tuổi 20” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Buổi giao lưu còn có sự tham dự của 20 cựu chiến binh là đồng đội của liệt sĩ Trần Duy Chiến từng chiến đấu ở chiến trường Campuchia.

Một thế hệ hào hùng

Liệt sĩ Trần Duy Chiến. Ảnh tư liệu (Tú Phương chụp lại)

Nhà văn Chu Lai cho biết, nhiều bạn trẻ đã hỏi ông cuộc chiến đấu của các thế hệ nhà văn trong chiến tranh khốc liệt như thế nào. Nhưng để trả lời được đầy đủ tính chất khốc liệt của thời chiến khi các thế hệ ra trận bảo vệ đất nước thì nói cả một đời cũng không hết. “Đơn vị đặc công của chúng tôi đóng cách Sài Gòn chỉ 15km nhưng phải mất 10 năm mới đến nơi, như vậy mỗi năm chỉ đi được 1,5km. Đây là cuộc hành binh trên những nấm mồ đẫm máu và nước mắt để ca khúc khải hoàn giữa thành đô. 10 người đi có đến 9 người không trở về. Rồi đến cuộc chiến tranh thứ hai: Chiến tranh giữ nước và làm nghĩa vụ quốc tế với nhân dân Campuchia, cũng 10 người đi có đến 9 người không trở về, trong đó có liệt sĩ Trần Duy Chiến”, nhà văn Chu Lai xúc động.

Nhà thơ Đặng Vương Hưng kể: Ông được ông Trần Duy Dũng - em trai của liệt sĩ Trần Duy Chiến - trao lại bản thảo tập nhật ký “Tây tiến viễn chinh” trong lúc đang biên soạn bộ sách “Những lá thư thời chiến Việt Nam” cùng nhiều sách nhật ký chiến trường khác. Đây là một cuốn sổ nhàu nát của học trò và chữ viết của tác giả Trần Duy Chiến rất đẹp. Càng đọc, ông càng bị hấp dẫn bởi một giọng điệu lạ, không khiên cưỡng trong một thể loại văn học hay nghệ thuật gì, cũng không gò bó trong khuôn khổ hay sự chi phối nào và có rất nhiều trang thơ hay. “Tất cả cứ hồn nhiên giãi bày cảm xúc, suy nghĩ cá nhân của mình với cây cỏ, với thiên nhiên và với con người của một thời…”, nhà thơ Đặng Vương Hưng chia sẻ. Ông cũng cho rằng, “Tây tiến viễn chinh” đã vượt ra khỏi khuôn khổ cuốn sách của không gian địa lý Đà Nẵng mà liên quan đến nghĩa vụ quốc tế Campuchia và rất nhiều vấn đề khác.

Theo nhà văn Chu Lai, liệt sĩ Trần Duy Chiến là biểu tượng của một thế hệ hào hùng. Tâm hồn thi nhân của chàng trai xứ Quảng ở chiến trường Campuchia bỗng hóa thành những vần thơ và trở thành thi nhân cầm súng. “Tôi cảm nhận rằng, mỗi người lính chúng ta khi vào trận, mang trong mình trái tim thi sĩ, tạo nên sức bền chiến đấu và ngã xuống như một thi nhân”, ông nói.

Chân thật

Nhà văn Chu Lai (giữa) cùng các đồng đội của liệt sĩ Trần Duy Chiến. Ảnh: TÚ PHƯƠNG

“Một cuốn sách chân thật đến không thể chân thật hơn nữa vì đây là những dòng nhật ký. Người viết nhật ký vốn không cầu cho ai đọc. Nhật ký của người lính càng chỉ nói những điều từ trái tim mình. Đây là gần 300 trang sách bảo đảm sự chân thật đến nồng nàn, chân thật như rơm rạ, tro, trấu, như khí đất, khí trời Quảng Nam-Đà Nẵng.

Người lính ra trận với tất cả vui, buồn, hỉ-nộ-ái-ố, có cả thất vọng và tuyệt vọng, có cả hào sảng và hy vọng”, nhà văn Chu Lai nhấn mạnh trong những tiếng vỗ tay vang lên tại Hội trường Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Qua từng trang sách, người đọc có thể thấy da thịt, tâm hồn người lính Trần Duy Chiến nói riêng và người lính Campuchia nói chung - những người lính của nhân dân. Nhà văn Chu Lai khẳng định: “Đây là cuốn sách có giá trị nhân văn và giá trị đạo lý rất chân thật về một thế hệ, trong đó có Trần Duy Chiến”.

Trả nghĩa đồng đội

Đạo diễn Phan Hùng (Đài Truyền hình Việt Nam - VTV) cho biết, ông cùng các đồng nghiệp đang thực hiện một bộ phim tài liệu khoảng 5 tập về “Tây tiến viễn chinh” bởi ông cũng có những năm tháng chiến đấu tại chiến trường Campuchia cùng liệt sĩ Trần Duy Chiến. Ông muốn trả nghĩa đồng đội, đồng thời để giới thiệu về một thế hệ thanh niên ra đi cầm súng bảo vệ độc lập, tự do cho đất nước bạn.

Trong một bài viết về liệt sĩ Trần Duy Chiến qua tập sách “Tây tiến viễn chinh”, nhà văn Chu Lai không kìm được sự xúc động. Ông viết: “Có đất nước nào như đất nước này khi những người trai ra trận lại mang nặng trong mình một quầng sáng lung linh về khát vọng nhân tình, về cõi lãng mạn mênh mang, về nỗi niềm ưu tư dịu dàng và day dứt đến chao chênh như thế! Ra đi là không trở về, ra đi là mất mát, mất mát đến không cùng nhưng trái tim họ vẫn rộng mở, vẫn ca hát thênh thang như thể cái sự ra đi này tự thân đã nhuốm màu tráng sĩ, sự ra đi của đấng “trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương” một khi non sông lâm nạn. Sự ra đi như có ngọn gió phiêu linh lịch sử ngàn năm chống ngoại xâm thổi về, thành lực đẩy dào dạt phía sau lưng”.

Ông Chu Lai bày tỏ ý tưởng: “Cuốn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm có số phận kỳ lạ, bay sang Mỹ rồi trở về Việt Nam để bây giờ có Bệnh viện Đặng Thùy Trâm, có danh xưng Anh hùng Đặng Thùy Trâm. Với thi nhân mặc áo lính Trần Duy Chiến, trước biển mênh mông, tại sao chúng ta không có một con đường mang tên Trần Duy Chiến? Đây không phải là con đường tôn vinh một cá nhân, mà tôn vinh một thế hệ đã đổ máu xương”.

TÚ PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.