.

Một nền giáo dục “không may”

.

Đọc bài báo (Vietnamnet, 26-6-2010) nói về chuyện ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Phú Thọ nói về chuyện “không may” của mình khi bỏ ra 17.000 USD để có bằng Tiến sĩ (TS) do “Mỹ” cấp – từ một cái trường dỏm bị giải thể từ năm 2003, có văn phòng chính đặt tại Malaysia mà thật xót xa cho nhiều điều, nhiều chuyện của nền giáo dục.

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ giữa ĐH Queensland và TT phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ĐN.

Cả ngành giáo dục đang rộn rã niềm vui vì kết quả thi tốt nghiệp THPT vừa rồi đạt trên 90% (có không ít tỉnh có số học sinh đậu tốt nghiệp từ 97-99%)! Kết quả đó giống như một sự đùa dai vì ai cũng biết trong tất cả mọi hình thái, công đoạn của sự di truyền thì di truyền văn hóa – giáo dục luôn là điều khó khăn, phức tạp nhất. Ba năm trước, năm 2007, sửng sốt với kết quả tốt nghiệp cả nước còn 66,7%, những người tâm huyết với giáo dục cho rằng cần phải dũng cảm chấp nhận sự thật, lùi một bước để tiến nhiều bước.
 
Ngành giáo dục khi đó cũng nô nức báo cáo “con số thật” thay cho bảng thành tích rất đẹp nhiều năm trước đó... Vậy làm sao một nền giáo dục đang có nhiều vấn đề cần thay đổi lại có thể có một kết quả như rơi từ trên trời xuống như thế? Không ai tin có chuyện một địa phương năm ngoái kém cỏi, bết bát trong chuyện thi cử mà năm nay lại thăng hoa một tấc đến trời.

Trong khi đó, Bộ GD-ĐT vẫn bất chấp dư luận khi biết rõ rằng trong 65 năm qua, cả nước chỉ đào tạo được có 15.000 TS; thế nhưng đã thành lập đề án trong 10 năm tới sẽ đào tạo 20.000 TS, với tổng kinh phí là 14.000 tỷ đồng – tương đương với 778 triệu USD. Theo GS Nguyễn Văn Tuấn (Australia), chỉ riêng việc đào tạo 10.000 TS ở nước ngoài thì chi phí thấp nhất đã là 900 triệu USD! Vậy, lấy tiền đâu để bù vào khoản thiếu hụt 122 triệu USD đào tạo ở nước ngoài và vài trăm triệu nữa kinh phí đào tạo trong nước? Tiền sẽ không đủ, thiếu cả trăm triệu USD, đó là chưa nói đến cái chuyện TS trong mưa, trên mây nhiều như thế mà đất nước cứ đói nghèo, lẹt đẹt đi sau người ta...

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long cách đây mấy năm có thừa nhận trước công luận rằng chất lượng đào tạo TS thấp; nhiều đề tài nghiên cứu trùng lặp không gắn với thực tế, thậm chí, nhiều đề tài viết dài dằng dặc nhưng không thấy có thông tin mới. Bộ GD-ĐT đã thừa nhận như thế nhưng lại không làm một cuộc thanh tra, sát hạch toàn diện về bằng cấp thật – giả. Các TS đương nhiệm hiện nay là những cái máy cái đào tạo ra nhiều thế hệ TS nữa cho nước nhà. Nếu nhiều máy cái bị hỏng thì sản phẩm tạo ra là thuộc loại nào? Nếu tổ chức được những cuộc khảo sát chất lượng của TS do những người có tâm huyết thực hiện thì có thể 2/3 số TS hiện nay không thể hiện đúng trình độ tương đương với bằng cấp.

Những người có trách nhiệm có thấy buồn không khi ông Giám đốc Sở VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Ân cho rằng cái sai của ông chỉ là do “không may” – có nghĩa là rất nhiều người may mắn “chưa bị lộ” vẫn có bằng ấy, chức phận kia nghênh ngang, chễm chệ làm xấu, làm hỏng nền học vấn của nước nhà. Và rất nhiều cán bộ đương chức, đương quyền hiện nay đang sử dụng hoặc là bằng giả hoặc là bằng thật nhưng kiến thức giả...

Muốn có được một nền giáo dục tốt đẹp, có lẽ phải thay đổi triết lý giáo dục, thay đổi cách quản lý, phải kiên quyết sửa những cái sai dù nhỏ nhất..., có như thế đất nước mới có thể đi lên dựa vào một nền giáo dục bền vững.

HÀ VĂN THỊNH

;
.
.
.
.
.