.
Tản văn

Thèm ơi, hồi nhỏ…

.

Bạn bảo sao giờ lớn rồi, ăn gì cũng không ngon như hồi còn nhỏ nữa. Hồi nhỏ, tay này cầm miếng dừa đưa lên miệng cắn, rồi tay kia bẻ miếng bánh tráng nướng. Nhai ngon lành. Vị béo béo ngọt ngọt bùi bùi của dừa, vị thơm thơm hiền hiền của bánh tráng quyện vào nhau, vừa ăn vừa đong đưa trên chiếc võng buộc giữa gốc cây vú sữa và cây mãng cầu, gió thổi mát rượi, đã dễ sợ.

Hồn nhiên tuổi thơ. Ảnh: M.T
Hồi nhỏ, chiều chiều lục cơm nguội chan nước cá kho dưa muối, đánh liền lúc bốn tô, no kềnh bụng còn ưa ăn nữa. Hồi nhỏ, mỗi lần mẹ đi chợ về là chạy ra lục giỏ, coi mẹ có mua chè hay kẹo ú, kẹo mè gì không. Hôm nào không có thì mặt phụng phịu liền. Hồi nhỏ, cái bánh bèo sao mà thơm, mà ngon, mà cuốn hút dù nhân chỉ là nấm tai mèo với thịt mỡ. Hồi nhỏ, chao ôi, cái bánh xèo vàng rộm ngó ngon mắt quá xá. Bánh mới đổ xong, nóng hôi hổi, vừa ăn vừa thổi vừa nghe mưa rả rích ngoài hiên và tiếng ễnh ương uồm oàm. Hồi nhỏ, Tết đến là xúm nhau làm quá chừng bánh in, bánh nổ, bánh giỏ, mứt dừa, mứt gừng mà thứ nào mấy chị em cũng giành nhau để cất, ra giêng ăn. Đi học về, việc đầu tiên là vứt cặp chạy vào mở thùng phuy tìm… kho báu bí mật.

Bạn như bị cái hồi nhỏ thần tiên, cái hồi nhỏ không bao giờ có lại ấy dẫn dụ, nói như thôi miên. Rồi như sực tỉnh, bạn nhìn mấy món ăn bày trên bàn: “Cũng món này, sao giờ ăn chỉ để mà ăn thôi hè? Lạ quá đi, thiếu mất cái vị gì á!”. Nói vậy thôi, chứ bạn biết không thiếu vị gì hết, có thiếu chăng là thiếu cái không khí của hồi nhỏ. Thiếu cái con mắt của hồi nhỏ. Thiếu cái tâm hồn của hồi nhỏ. Cho nên, trái dưa hấu giờ bỗng lạt hơn, lại chẳng thơm chút nào, dù thực tế hoàn toàn ngược lại khi con người đã tiến những bước dài trong công nghệ sinh học. Cho nên, gạo giờ dù là gạo thơm, gạo dẻo hạng nhất vẫn không thể cho bạn một bát cơm nào “đã” như bát cơm nguội chan nước cá hồi nhỏ. Cho nên, giờ thấy miếng dừa đặt cạnh chiếc bánh tráng nướng, bạn cũng chỉ như thấy mà thôi. Nếu có hào hứng cắn một miếng, bạn lại hùi hụi tiếc: “Đừng ăn có phải hơn không”.

Tôi cũng như bạn, nhiều lúc nhịn đói một bữa để hy vọng tới giờ cơm ăn cho ngon miệng. Nhưng cái bụng thì đói cào đói cấu, mà cái miệng vẫn chẳng thông cảm cho tí nào, cứ trầy trật nhai như một nghĩa vụ. Thấy mà phát bực! Bạn, tôi và bao người lớn khác nữa đã thèm biết bao nhiêu, có lại cái miệng ăn ngon lành của những đứa trẻ. Ăn mà thích thú, ăn mà như khám phá điều gì mới mẻ lắm. Thế mới biết, thời gian khắc nghiệt làm sao.

Ngay cả khi tham gia vào một tour du lịch đi đến một vùng đất mới với mong ước tràn trề về những món ăn hấp dẫn, lôi cuốn, nhiều người lớn cũng đã không khỏi ngậm ngùi khi phát hiện ra rằng dường như mình đã không còn đủ xúc cảm để ngạc nhiên trước những hương vị lạ. Món ấy chưa ăn bao giờ mà cũng còn chẳng thấy hứng thú. Kỳ lạ thật!

Tôi nhìn những đứa trẻ đang nhâm nhi từng miếng một chiếc bánh trung thu mới nhận mà bâng quơ tiếc, ước gì các em cứ mãi thơ ngây, cứ mãi bé con thế này để chiếc bánh trung thu mãi thơm, mãi ngon, mãi ẩn chứa bao điều thú vị. Ước gì các em cứ được sống mãi với tâm hồn trẻ thơ trong trẻo, long lanh. Ước gì các em không phải có ngày ngồi… ước như tôi.

Bạn lại bảo, hay tại bây giờ thừa mứa quá, ngày nào cũng được ăn thứ này thứ kia, muốn gì có nấy nên chẳng còn thèm gì nữa. Có lẽ thế thật, đầy đủ quá đôi khi cũng là một bi kịch.

Trong tôi bỗng thoáng qua một nỗi sợ mơ hồ. Dường như điều đó đúng không chỉ với chuyện ăn…

NGÔ THỊ THỤC TRANG

;
.
.
.
.
.