.

Thổi hồn vào tranh ghép gỗ

.

Khách tham quan Festival làng nghề Việt 2010 vừa được tổ chức tại Đà Nẵng rất ấn tượng trước gian hàng triển lãm tranh có tên Dũng Lan. Với khoảng 200 bức tranh bút lửa và mỹ nghệ ghép gỗ tinh xảo, được trang trí khá bắt mắt, người xem không khỏi trầm trồ thán phục trước tài năng của chủ nhân gian triển lãm, anh Ngô Hữu Dũng.

Anh Dũng sáng tác bằng bút lửa.

Quê Dũng ở thôn Phước Tường, xã Hòa Phát (nay là phường Hòa Phát) huyện Hòa Vang, Đà Nẵng. Năm 13 tuổi anh theo gia đình đi xây dựng kinh tế mới ở Krông Ana (Đắk Lắk). Tuổi thơ của anh gắn liền với những ngày chăn trâu, cắt cỏ. Khi vào Tây Nguyên lập nghiệp, anh mới cảm nhận hết vẻ đẹp của quê hương. Bởi thế, hình ảnh miền quê thanh bình và sắc màu văn hóa truyền thống trong các lễ hội của Tây Nguyên đã trở thành chủ đề chính trong các tác phẩm của anh. Điều đáng quan tâm là nghệ nhân “chân đất” này chưa hề qua trường lớp mỹ thuật, điêu khắc, chạm trổ nào cả.

Nguyên liệu để làm tranh đều là gỗ quý như cà te, cẩm lai, hương, mít... Nhiều người trong quá trình chỉnh trang, xây dựng đã bỏ lại những gốc cây khô. Thấy tiếc, hai vợ chồng Hữu Dũng xin về và phát hiện chúng có vẻ đẹp rất lạ. Từ những khúc gỗ vô tri, những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc đã ra đời. Làm tranh ghép gỗ phải trải qua nhiều công đoạn, nhưng khó nhất vẫn là khâu tạo hình. Trước hết phải vẽ hình trên gỗ rồi cưa, cắt, đục để lấy hình vẽ ra, sau đó mài, gọt, giũa để tạo các hoa văn, hoạ tiết, rồi mới sơn màu, phun dầu bóng, dán lên miếng gỗ nền. Do sử dụng màu tự nhiên của gỗ nên các bức tranh luôn tươi tắn. Hiện tranh của cơ sở anh Dũng được tiêu thụ khá mạnh ở khu vực Tây Nguyên và TP.Hồ Chí Minh. Nhiều Việt kiều về thăm quê cũng tìm đến mua tranh về làm quà cho người thân.

Anh Dũng cho hay: “Tùy theo hình thức tấm gỗ mà chúng tôi đưa nội dung vào bức tranh như Mã đáo thành công, Phước lộc thọ, Ngoạ hổ tàng long, Bộ tứ linh”. Ngoài ra, nhiều bức thể hiện nét văn hoá đặc sắc của đồng bào Tây Nguyên. Đó là hình ảnh sơn nữ Ê Đê trong bức Suối ngàn có mái tóc đen dài và bộ ngực trần thanh thoát; cặp voi trong bức Chiều buôn nhỏ với người quản tượng mình trần, đóng khố, dáng dấp phong trần gió bụi trên lưng voi đang ung dung về làng...

Đặc biệt, Nguyễn Hữu Dũng rất mê sáng tác đề tài Bác Hồ. Dũng tâm sự, từ nhỏ anh đã mê xem tranh, xem sách về Bác Hồ, những hình ảnh về Bác đã thấm sâu vào máu thịt nên khi đeo đuổi nghề mỹ thuật, anh có thể vẽ Bác rất giống mà không cần xem ảnh mẫu. Anh đang dồn tâm lực để hoàn thành bức Thăng Long. Anh bảo, tác phẩm này có hình con rồng uốn lượn trên bầu trời, phía trên là vần vũ mây bay, phía dưới là dòng sông Hồng uốn lượn bên thành quách lâu đài của kinh thành Thăng Long xưa cũ. Anh mong ước đến cháy lòng có dịp được ra Thủ đô trong dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, cùng với loạt tranh vẽ Bác Hồ bằng bút lửa để mọi người thấy được tấm lòng của người dân Tây Nguyên hướng về Bác Hồ, hướng về Hà Nội.

Năm năm qua, cơ sở mỹ nghệ của Nguyễn Hữu Dũng đã đào tạo miễn phí cho 30 em, hiện các em đã có tay nghề vững. Anh có tâm nguyện đào tạo nghề miễn phí cho các em thiếu niên ở Đà Nẵng và tỉnh Đắk Lắk về nghề thủ công mỹ nghệ để dòng tranh ghép gỗ không bị mai một.

Tùng Sơn

 

;
.
.
.
.
.