.
Chuyện xưa xứ Quảng

Chuyện ông Hương Lý

Ông Hương Lý họ Châu, người làng Đông Tác, nay thuộc xã Bình Nam, huyện Thăng Bình, vào mảnh đất nay là xã Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, lập nghiệp. Sinh thời, ông là người đa tài, đã giỏi đàn hát, lại thạo chữ nho, biết bốc thuốc chữa bệnh… Tuy nhiên, ông nổi tiếng nhất là tính chơi ngông không giống ai. Ông để lại một số giai thoại khá lý thú.

Chuyện thứ nhất: mua gỗ không mất một xu. Một bữa, ông Hương Lý kêu một số bạn cùng đi lên núi mua gỗ làm nhà. Ông mặc bộ đồ bà ba, giắt cây viết… ra dáng nhà nho. Đến nơi, ông chưa vội mua gỗ mà đi dạo một vòng quanh xóm xem thử. Bấy giờ, làm nhà toàn gỗ tốt như mít, lim… Ông phát hiện nhà kia đang làm nhà, trong vườn mít còn rất nhiều cây cổ thụ. Chủ nhà đang ốm, nằm chèo queo một góc. Hỏi bà vợ, chị ta thật thà: “Không biết ổng bịnh chi mà chữa ba bốn năm ni không hết”. Ông Hương Lý xem thần sắc người bệnh, tiện tay bắt mạch, rồi nói như đinh đóng cột: “Bịnh ni tui chữa khỏi”. Chị vợ như bắt được vàng: “Nếu thầy chữa hết, xin thầy chữa giùm, bao nhiêu tiền tui cũng chịu”.

Xưa, dân còn mê muội, cứ ai ngã bệnh cũng nghĩ bị ma, quỷ ám, phải mời thầy pháp chữa. Vùng đồng bằng đã thế, vùng núi còn mê muội hơn. Thế nên, khám xong, ông Hương Lý ra vườn bứt mấy loại cây, rễ, rồi vào nhà, đốt mấy nén nhang, nhảy múa, ếm bùa này nọ, ra vẻ là pháp sư cao tay ấn. Xong, ông đưa mấy loại rễ, lá cây cho chị chủ nhà: “Chị cứ sắc thế ni… thế ni… bảo đảm bịnh sẽ thuyên giảm. Ba ngày sau, tui trở lại, nếu chữa khỏi hẳn bịnh cho ông nhà, tui không lấy tiền, chỉ lấy gỗ mít thôi”.

Khi ông Hương Lý đi rồi, chị chủ nhà mời anh em thân tộc đến trình bày đầu đuôi câu chuyện, ai cũng tán thành. Đúng hẹn, ông quay trở lại. Không biết ông mát tay hay thế nào mà lúc ấy, bệnh của gia chủ mười phần đã đỡ một, hai phần. Chị chủ nhà mừng rỡ, báo tin chị đồng ý điều kiện do ông đưa ra. Thế là hai bên làm giấy cam đoan, có điểm chỉ, có cả người làm chứng.

Xong, ông sai thợ đốn cây, ra gỗ cẩn thận. Phần ông vẫn bứt lá, rễ cây rồi tiếp tục… làm phép. Mấy người thợ thấy vậy, hỏi: “Thầy ơi, thầy có chữa hết không mà nói kinh rứa thầy?!”. Ông tỉnh bơ: “Tụi bay biết chi. Tau có làm được mới nói”. Tối hôm ấy, chủ nhà làm lễ gác đòn đông. Ông nói với chị chủ nhà: “Gác đòn đông xong, thể nào cũng có con cú đến đậu ngay trên cây đòn đông, kêu ba tiếng. Nó kêu, ông nhà sẽ khỏi bệnh hẳn, ngồi dậy được”. Ai nghe ông nói cũng ngạc nhiên, hồi hộp, để xem thử.

Mà, ông đoán như thần, y như rằng thợ gác đòn đông xong, không biết từ đâu có con cú đậu ngay trên cây đòn đông, kêu… hai tiếng. “Chưa được mô, phải ba tiếng kia” - ông bảo. Ông nói vừa xong, con cú lại tiếp tục kêu ba tiếng. Nhưng lần này, nó kêu tiếng lạ lắm, không phải “cú cú cú” mà gần như “phú phú phú”. Ông chủ nghe cú kêu, liền ngồi bật dậy, hết cả bệnh. Ông Hương Lý bảo chị chủ nhà nấu nồi xôi to, mấy con gà, để cúng dọc đường ông về, không thì… con quỷ nó theo, mệt lắm. Chị chủ tin răm rắp. Vậy là trên đường thả bè trôi sông về lại nhà, ông không phải tốn tiền mua thức ăn. Thợ cứ hỏi riết, “răng ông đoán tài rứa”. Ông cười: “Bí mật nghề nghiệp, bay làm răng biết!”.

Chuyện thứ hai: đi mua phân, tiếng địa phương gọi là đi phân dinh. Không ai cắt nghĩa sao gọi là phân dinh, chữ “dinh” ở đâu mà ra, chỉ biết đi phân dinh tức đi chợ mua phân về bón tỉa đậu phụng. Trước khi đi, ông đi “tiền trạm” nên biết chắc có một làng tổ chức cúng đình to lắm, nghe nói có nhạc nữa. Về, ông bảo mọi người trong đội nhạc mượn ba chiếc ghe to đi phân dinh cùng ông, đem theo nhạc cụ. Ông canh sao đi đến địa phận làng đó ngay giữa đêm, chống ghe giữa sông, nổi nhạc… chơi. Đội nhạc chơi đã hay, giữa khuya nghe càng hay bội lần. Chức sắc trong làng thấy vậy, mê lắm, bàn nhau chèo ghe ra giữa sông, mời ông Hương Lý và đội nhạc vào chơi cho làng. Ông nhỏ nhẹ cười: “Tụi tui đi đâu cũng đem theo nhạc cụ, rảnh thì chơi cho vui rứa thôi. Chừ chơi nhạc cho các ông răng được, phân mô chở về tỉa đậu… Thôi, các ông đã lỡ mời đội nhạc mô thì để đội đó chơi, tụi tui còn đi mua phân đã”.

Nghe vậy, lý trưởng, lý hương làng đó hội ý lại lần nữa, rồi đề nghị: “Thôi, nếu các ông đã đi mua phân thì các ông đừng lo. Làng sẽ lo hết, muốn bao nhiêu có bấy nhiêu. Các ông chỉ cần chơi nhạc cho làng trong mấy ngày lễ”. Để họ nài nỉ một lát, ông Hương Lý mới đồng ý. Hai bên tiến hành làm giấy cam đoan, có điểm chỉ. Thế là mọi người neo ghe, lên bờ, đánh nhạc suốt ba ngày ba đêm. Trong suốt thời gian đó, dĩ nhiên, đội nhạc được làng tiếp đãi ân cần, bữa nào cũng rượu thịt tươm tất. Xong việc, đúng như thỏa thuận, làng cung cấp đủ số phân. Vậy là, cả đoàn vừa mua phân không tốn tiền, vừa ăn uống no say, thế mới tài!

PHẠM HỮU ĐĂNG ĐẠT

 

;
.
.
.
.
.