Một không gian sống vừa mang dáng dấp của thành phố trẻ trung, hiện đại, vừa tạo cho con người cảm giác gần gũi với thiên nhiên. Một môi trường sống hiền hòa, trong lành. Một địa điểm lý tưởng để nghỉ ngơi, thư giãn, tái tạo sức lao động của con người… Mang trong mình tất cả những đặc tính đó, công viên từ lâu đã đóng vai trò vô cùng quan trọng, hướng đến sự phát triển bền vững của con người.
Đi tìm một công viên đúng nghĩa
Không gian xanh hiếm hoi của Đà Nẵng. (Ảnh chụp tại Công viên 29-3) |
Thương đứa cháu lần đầu tiên ra Đà Nẵng chơi, lại thích đi công viên nên ông đã dẫn nó đến Công viên 29-3 vì đây là công viên quy mô nhất thành phố. Tuy nhiên, ở đây có quá ít khu vực khám phá để thỏa sức tò mò của Hùng. Sau một giờ dạo chơi, Hùng lại nằng nặc… đòi về với lý do: “Không có gì thú vị để chơi”.
Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Diễm, Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty Công viên, với diện tích 199.334 m2, Công viên 29-3 có đầy đủ các khu vực hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, khu yên tĩnh, khu vui chơi cho thiếu nhi, hồ nước, chuồng thú… Nhưng nhìn chung, tại khu vực vui chơi, trang thiết bị phục vụ tuy được bổ sung hằng năm nhưng chỉ đầu tư với quy mô nhỏ nên chỉ hấp dẫn mọi người trong thời gian ngắn. Một số thiết bị như đu quay, tàu lửa trên không, nhà cười… đã sử dụng nhiều năm, không còn sức hút, không lôi cuốn được mọi người, nhất là với đối tượng trẻ em vốn rất hiếu động, tò mò, thích tìm hiểu, ưa sự mới lạ.
Ngoài ra, khu vực chuồng thú, động vật rất hạn chế, chỉ có vài con trăn, cá sấu, khỉ, nai với số lượng đếm trên đầu ngón tay, chưa đáp ứng được nhu cầu của khách tham quan, không đem lại tác dụng lớn cho việc nghiên cứu, học tập của học sinh, sinh viên khi cần. Không thể phát triển thêm được vì công viên thiếu quỹ đất, không thể tạo được môi trường thiên nhiên hoang dã cho muông thú hoạt động. Chuồng trại lại quá gần khu dân cư. Cảnh quan trong công viên còn mang vẻ đẹp giản đơn khi có quá ít các tác phẩm nghệ thuật như điêu khắc, kiến trúc, nghệ thuật tiểu cảnh cây xanh hay những yếu tố để tạo địa hình phong phú trên mặt nước. Là lá phổi trong lòng thành phố, nhưng Công viên 29-3 vẫn còn rất nhiều những khuyết điểm chưa hoặc không thể giải quyết.
Liên quan đến câu chuyện quy hoạch, một cán bộ thuộc Phòng Quản lý đô thị quận Ngũ Hành Sơn cho biết: “Hiện nay trong bản đồ quy hoạch khu dân cư, khu tái định cư mới của quận có một số hạng mục dành cho công trình công cộng như cây xanh, phúc lợi, khu vui chơi cho trẻ… Tuy nhiên, bản đồ quy hoạch có thể thay đổi, tùy thuộc vào thực tế xây dựng ở địa phương”. Có lẽ, cũng chính vì sự thay đổi theo vài lý do nào đó, khiến cho không ít quỹ đất từng được quy hoạch làm công viên, công trình công cộng lại được thay thế bằng những công trình khác, gây không ít bức xúc cho người dân.
Xây dựng công viên chuyên đề, tại sao không?
Phối cảnh trục lễ hội của Công viên văn hóa tâm linh Ngũ Hành Sơn. |
Hiện nay, một số loại hình công viên chuyên đề đã được quy hoạch ở Đà Nẵng như Công viên Thanh niên thuộc quỹ đất của hai quận Cẩm Lệ và Hải Châu; Công viên vui chơi giải trí văn hóa (Công viên 29-3); Công viên bảo tồn di tích lịch sử K20 (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn); Công viên văn hóa du lịch Ngũ Hành Sơn; Công viên điêu khắc vườn tượng Ngũ Hành Sơn (phường Hòa Hải); Công viên Bách thảo-Bách thú (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ); Công viên nút giao thông Hải Phòng-Ông Ích Khiêm; Công viên Thể dục - Thể thao (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu); Khu liên hợp TDTT quốc gia 3 (quận Liên Chiểu)… Công viên chuyên đề sẽ hướng đến xây dựng loại hình công viên giống như tên gọi của nó.
Theo Tiêu chuẩn Xây dựng Việt Nam TCXDVN 362:2005, ban hành kèm theo Quyết định số 01/2006/QĐ-BXD ngày 5-1-2006 của Bộ Xây dựng ban hành Tiêu chuẩn Quy hoạch cây xanh sử dụng công cộng trong các đô thị, diện tích công viên/người của đô thị loại 1 là 6 -7m2/người. Trong khi đó, theo kết quả thống kê cho thấy bình quân diện tích công viên ở Đà Nẵng là 0,45m2/người. Trong đó, quận Hải Châu: 0,53m2/người, Quận Thanh Khê: 1,19m2/người, quận Sơn Trà: 0,43m2/người, các quận còn lại: Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Liên Chiểu và huyện Hòa Vang đều chưa có công viên, hoặc chỉ mới trong quá trình hình thành. |
Bởi, theo tâm sự của ông T.T.S, người dân sống ở khu phố An Nhơn 1, phường An Hải Bắc thì, trước đây, trong bản đồ quy hoạch khu dân cư này có công trình công cộng nên gia đình ông đã quyết định về đây sinh sống. Tuy nhiên, theo thời gian, khu công trình công cộng có trong bản đồ quy hoạch cũng dần trở thành “quá khứ”. Ông không hiểu vì nguyên nhân gì, dù trong tất cả các khu dân cư quy hoạch mới hiện nay đều được quy hoạch công viên cây xanh cho từng đơn vị ở.
Sẽ thật đẹp, nếu ở mỗi khu dân cư đều có một không gian dành cho cây xanh, thật sự yên tĩnh để người già, trẻ em có thể nghỉ ngơi, thư giãn. Vì vậy, việc quy hoạch và xây dựng mới một số loại hình công viên chuyên đề, công viên công cộng đang là yêu cầu cấp thiết, nhằm phù hợp với chiến lược phát triển “ngành công nghiệp không khói” mà thành phố đang tâm huyết xây dựng. Và, hơn lúc nào hết, Đà Nẵng cần có những kế hoạch dài hơi nhằm bảo đảm quỹ đất dành cho các công trình phúc lợi xã hội, quỹ đất làm công viên và trồng cây xanh.
Tiểu Yến