.

Kỹ sư trẻ về làng

.

Tại các vùng nông thôn, nguồn nhân lực đang là vấn đề đáng lo ngại vì thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Trong khi đó, có những kỹ sư nông nghiệp, sau khi được đào tạo bài bản lại quyết tâm trụ lại thành phố dù phải làm trái ngành. Gần đây, thành phố Đà Nẵng đã làm tốt công tác “chiêu hiền đãi sĩ” và đã đưa được các kỹ sư trẻ về với đồng ruộng và các hợp tác xã (HTX).

Lê Thị Minh đang cùng cán bộ kỹ thuật đi thăm đồng
Lê Thị Minh đang cùng cán bộ kỹ thuật đi thăm đồng
Theo ông Trần Viết Phương – Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thành phố, hiện nay các HTX cũng có nhu cầu cần người vì vậy trong đợt đầu tiên, Sở có tuyển được 5 SV tốt nghiệp đúng chuyên ngành của Trường Đại học Nông lâm Huế và bố trí ngay công việc cho họ. Với những SV trẻ mới ra trường, kinh nghiệm chưa có nên Sở đã tạo điều kiện đưa các bạn về gặp gỡ với các chủ nhiệm HTX. Trước hết, là để tìm hiểu, làm quen với công việc mình sẽ làm, tránh cho các bạn tâm lý chán nản, bỏ ngang giữa chừng.

Thực tế cho thấy, tại 13 HTX trên địa bàn huyện Hòa Vang đều cần người có năng lực, trình độ chuyên môn về nông nghiệp trên mọi lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, khuyến nông. Nhưng phần đông, số SV mới ra trường không muốn về công tác tại địa bàn các HTX. Chính vì vậy mà tình trạng người vẫn thiếu mà SV không xin được việc cũng nhiều. Còn những người tha thiết muốn có việc làm thì lại không đúng chuyên ngành, nên Sở NN&PTNT thành phố không thể bố trí công việc cho họ được.

Đến với nơi việc rất cần người

5 SV trúng tuyển đợt này, đã được phân về 4 HTX trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang.
Hoàng Thị Trí, tốt nghiệp khoa khuyến nông Đại học Nông lâm Huế năm 2009, quê tận Thanh Chương, Nghệ An đã nộp hồ sơ tại Sở NN&PTNT thành phố từ tháng 9-2009. Trong quá trình chờ đợi kết quả, Trí đã đi làm công nhân tại khu công nghiệp Hòa Khánh. Nay, Trí là 1 trong 5 SV được bố trí việc làm trong đợt tuyển dụng vừa rồi.

Được phân về HTX Hòa Khương, cô gái trẻ bắt đầu gắn bó với ruộng đồng, để cùng bà con nông dân tháo gỡ những vướng mắc. Trong đề án quỹ tín dụng mà Trí đang tham gia xây dựng, cô rất hy vọng khi đề án này được duyệt và đi vào hoạt động, sẽ hỗ trợ kịp thời cho nông dân nhiều hơn trong công tác vay vốn sản xuất. Trên địa bàn xã, nhiều hộ nông dân có mô hình trồng nấm, bí đao, nuôi cá, ếch… nhưng nhiều người chưa nắm bắt được kỹ thuật, nên Trí đang ấp ủ dự định sẽ làm một đề án để giới thiệu với người dân về tiện ích của Internet, hướng dẫn cách sử dụng để họ có thể khai thác, trao đổi, tìm hiểu các thông tin về giống, kỹ thuật chăm sóc cây trồng. Tuy nhiên cũng theo Trí “những điều đó mới chỉ hình thành và đang trong quá trình đề xuất, có làm được hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố”.

Trước sự nhiệt tình của Trí, ông Đặng Tứ, Chủ tịch Hội Nông dân, Phó Chủ nhiệm HTX Hòa Khương tỏ vẻ hài lòng: “Tuy là HTX nhưng cũng rất cần người có trình độ kỹ thuật. Những SV mới ra trường sẽ giúp nhiều trong các lớp tập huấn nông thôn, tiếp cận gần dân để đưa khoa học về với đồng ruộng. Cái nhiệt tình của tuổi trẻ như Trí cũng rất được lòng dân. Thực lòng thì ai cũng muốn biết các kỹ thuật trong nuôi trồng để áp dụng vào sản xuất và đạt năng suất cao”.

Cũng như Trí, cô gái nhỏ nhắn đến từ thành phố Huế, Lê Thị Minh, tốt nghiệp chuyên ngành trồng trọt tỏ ra rất hào hứng với công việc mới của mình tại HTX Hòa Tiến 1. Công việc chính của Minh hiện nay là tìm hiểu các hoạt động của HTX, thường xuyên đi thăm đồng, cùng với người dân ra đồng chăm sóc cây trồng. Vì là nơi sản xuất lúa giống cho Công ty Giống Trung ương 1 và Công ty Cổ phần Nông lâm Quảng Nam, nên đây là công việc rất quan trọng. Để có một giống lúa tốt và chất lượng phải có sự chăm sóc thật kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng sản phẩm sau khi thu hoạch. Song song với việc này, Minh cũng đang tìm hiểu và mong muốn mang về Hòa Tiến 1 một nền sản xuất mới phù hợp với điều kiện tự nhiên, con người nơi đây trong những lúc nông nhàn.

Không giống như những người bạn của mình, trong thời gian chờ đợi nhận việc, Hồ Công Lượng (Đại Lộc, Quảng Nam) đã đi làm ở HTX nấm An Hải Đông. Có niềm đam mê thực sự với nông nghiệp, nên khi được phân về HTX Hòa Phong 2, anh đã không ngại bao vất vả khi gắn công việc với nhà nông. Trong những ngày khô hạn đầu tháng 6, Lượng đã cùng bà con tham gia xẻ mương chống hạn. Bây giờ, anh phụ trách mảng trồng trọt của HTX Hòa Phong 2. Đây là một trong những xã có diện tích trồng rau sạch khá lớn ở Đà Nẵng. Vì vậy, trong nay mai Lượng hy vọng sẽ khôi phục lại được làng rau sạch và đưa được quy trình làm nấm từ những kinh nghiệm mình có được để giúp người dân làm kinh tế.

Cùng nhận công tác đợt vừa rồi còn có Nguyễn Thị Vũ Cẩm (Duy Xuyên, Quảng Nam), Nguyễn Thị Hồng Vân (Hội An, Quảng Nam) đang được ban lãnh đạo HTX Hòa Quý 1 cử đi học công nghệ sản xuất nấm tại Trường Cao đẳng Lương thực. Trong tương lai không xa, hai cô kỹ sư trẻ sẽ đem về cho người dân Hòa Quý 1 một công nghệ làm nấm hiệu quả, bảo đảm các quy trình sản xuất đạt chất lượng cao.

Thuận lợi nhất đối với những kỹ sư trẻ này là cái cách mà họ trăn trở với đồng ruộng đang nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của bà con. Ông Nguyễn Văn Chức – phụ trách kỹ thuật của HTX Hòa Tiến 1 cho biết: “Hiện nay trên địa bàn Hòa Tiến 1, cán bộ quản lý cũng đã nhiều tuổi, rất mong muốn có lực lượng trẻ để kế cận. Chính vì vậy mà những kỹ sư trẻ chịu về làng công tác thì lãnh đạo xã cũng rất mong muốn họ sẽ gắn bó lâu dài với HTX và địa phương”.

Tuy mới chỉ là sự khởi đầu, nhưng với sức trẻ và lòng nhiệt tình của lớp trẻ, chúng ta có quyền hy vọng, họ sẽ góp phần vào sự đổi thay của đời sống nông thôn trong nay mai.

Thu Hà


;
.
.
.
.
.