Những căn hộ chật chội, tường nhà đầy nấm mốc, loang lổ những vệt ố của thời gian. Lại gần hơn sẽ được chứng kiến những vết nền nhà sụt, lún võng xuống như ổ gà ngoài đường. Ấy là những hình ảnh dễ nhận thấy nhất ở các khu chung cư (KCC) Hòa Minh (quận Liên Chiểu), Thanh Lộc Đán (quận Thanh Khê).
Ở những KCC cũ
Mặt sau giữa 2 chung cư Hòa Minh. |
Chị Hồ Thị Buôn, nhà K, KCC Hòa Minh khổ với cái nhà vệ sinh bị mốc xanh, mốc đỏ, nước rỉ ra dính cả vào quần áo treo trong đó. Nhà chị phải thường xuyên dùng dao cạo, cọ rửa tường để hạn chế mốc.
Đã vậy, những KCC này không có nhà để xe, nhà sinh hoạt chung. Nếu nhà ai đó không may có tang ma, phải che bạt rồi tổ chức ngay dưới chân cầu thang. Nỗi buồn lại càng buồn hơn.
Không chỉ nền nhà, trần nhà của KCC Thanh Lộc Đán cũng rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Những vết rạn, nứt luôn là mối lo lắng, đe dọa người dân nơi đây. “Không phải lo trần sập mà lo nhà bị dột. Mùa mưa tới, có nhiều hôm mưa to, nền nhà lênh láng, phải thức cả đêm để thấm nước” - anh Nguyễn Tiến Vang, nhà B phòng 106, KCC Thanh Lộc Đán chia sẻ trong khuôn mặt hằn những vết lo âu vì mùa mưa sắp tới.
Cũng chung số phận nền nhà sụt, lún, trần thấm nước, những hộ dân ở KCC gần cầu Phú Lộc dù trời nóng thế nào cũng không dám mở cửa sổ vì nó quá mục nát, sợ bị sập. Anh Lê Văn Đức, tổ trưởng khu O&Q KCC Thanh Lộc Đán bức xúc: Nhà mới đưa vào sử dụng gần chục năm mà đã xuống cấp trầm trọng.
Được biết, hằng năm Ban Quản lý nhà có cho quét vôi, sơn sửa lại nhưng chỉ được quét mặt sau. Người dân muốn đẹp thì phải tự bỏ tiền ra để quét nốt mặt còn lại.
Là một trong những KCC mới được đưa vào sử dụng từ năm 2004 nhưng KCC Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) cũng rơi vào tình trạng nhếch nhác không kém. Có chăng nó hơn những KCC trước ở chỗ tầng trệt được làm khu để xe, và có thêm được nhà sinh hoạt chung.
Thói quen khó bỏ
Chị Hồ Thị Buôn, KCC Hòa Minh đang nói về nhà vệ sinh xuống cấp của mình. |
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, tổ trưởng tổ an ninh, KCC Thanh Lộc Đán cho biết, hằng tuần cũng có tổ chức dọn vệ sinh quanh khu nhà ở, nhưng nhiều người do thói quen sống từ nhiều năm nay cứ cái gì không dùng là vứt ra khỏi nhà. Có những hộ còn đứng từ tầng 3 thả rác thẳng xuống khu đất trống phía sau nhà, biến nó thành hang ổ của chuột, muỗi và mầm mống của bệnh tật.
Bên cạnh đó, quanh khu vực này buổi chiều thường có nhiều quán nhậu, buôn bán đồ hải sản tươi sống. Khu vệ sinh dành cho khách tạm bợ, vỏ nghêu, sò, ốc… cũng tràn lan. Nhiều lần, ngồi ở nhà thấy mùi lạ, bà Kim Thanh đi kiểm tra thì thấy cả đống đầu cá lẫn xác chuột chết đang bốc mùi. Ngay cạnh khu ở, có hai thùng rác luôn trong tình trạng mở nhưng người dân không bỏ rác vào thùng mà chỉ để dưới chân thùng rác. Chính từ những thói quen xấu này dẫn đến không khí luôn trong tình trạng ô nhiễm. Bác Trần Văn Nhơn, 57 tuổi, người dân khu vực gần KCC Thanh Lộc Đán nói như cam chịu: “Cứ chiều chiều, khi gió đông nổi lên là mùi của rác rưởi đằng sau nhà, của nhà vệ sinh (được thiết kế phía sau KCC) bay vào, không thể nào tránh được.
Khoảng sân rộng rãi phía sau giữa hai dãy nhà của KCC Hòa Minh có thể trở thành sân chơi lý tưởng cho trẻ mỗi khi chiều về. Nhưng theo thói quen, nó cũng đã bị người lớn biến thành nơi chứa túi nilong, nước thải.
KCC cũ nhếch nhác đã đành, KCC mới Nại Hiên Đông cũng chẳng tránh được tình trạng đó. Vì đây đều là những chung cư dành cho những người có thu nhập thấp. Phần lớn các hộ nằm trong diện giải tỏa, tái định cư khi chuyển vào các chung cư mới, không thích ứng kịp, vẫn giữ nếp sinh hoạt cũ, dẫn đến tình trạng môi trường sống bị ô nhiễm, chung cư mau chóng bị xuống cấp.
Giải pháp nào cho chung cư?
Khu chung cư Thọ Quang được đưa vào sử dụng từ năm 2008 nhưng bốn bên cỏ cũng tốt bời bời, nằm giữa khoảng đất trống. Đường sá vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Dân mới đến ở gần 2 năm. Lớp sơn tường đã bắt đầu phai màu. Khoảng sân chung của dãy nhà 5 tầng không hề có cây xanh. Từng mảng sân cũng đã bị bong tróc, lồi lõm.
Ông Trần Văn Nam, chuyên viên Sở Xây dựng nhận xét: “Chung cư xuống cấp nhanh như vậy, không hoàn toàn đổ lỗi cho bên thi công mà một phần do cách sử dụng của người dân. Trước tình hình đó, Sở cũng đã có đề xuất cho cải tạo lại hệ thống chung cư trên tinh thần giữ nguyên bộ khung vốn có qua 2 phương án: sát nhập hộ để tăng diện tích hoặc giao cho Công ty Đầu tư Tài chính bất động sản Vincon xây dựng lại”.
Ngay chính ông Nam cũng thừa nhận những KCC cũ khi làm vẫn còn những thiếu sót trong việc xây dựng nhà tang lễ, nhà sinh hoạt cộng đồng. Những điều này đã và đang được khắc phục ở những KCC sau. Nhưng, bên cạnh đó vẫn còn bao nhiêu điều khác cần khắc phục.
Thu Hà