.

Những chiếc cầu trên đất Hòa Vang

.

Một ông lão bước ra từ bóng râm của những lùm cây nắng mai chưa kịp rọi đến, chào chúng tôi bằng nụ cười óng ánh chòm râu bạc. Ông cụ tên là Huỳnh Giác, gần 80 năm gắn cuộc đời mình với đời những con sông nơi ngã ba hiu quạnh giáp hai xã Hòa Nhơn và Hòa Phú. Nó tên là ngã ba Diêu Trì, nhưng ít ai biết rằng đó là tên gọi xưa....

Giờ thì nó đã được ghép với làng Phong Tây (còn gọi là Cây Sung) cũ để thành thôn Diêu Phong thuộc xã Hòa Nhơn. Bên kia sông cũng vậy, Hội Vực và Phước Giang đã thành Hội Phước, Hòa Nhơn và Phước Châu đã thành Hòa Phước, cụ Ba Giác – ông sinh thứ ba - nói vui theo cách diễn giải hai địa danh này, đó là nơi gặp gỡ cái phướcchan hòa cái phước.

Xa rồi, đò ơi! 

Rồi đây, người dân ngã ba Diêu Trì sẽ không còn phải nhọc nhằn như thế này nữa.

Rồi đây, người dân ngã ba Diêu Trì sẽ không còn phải nhọc nhằn như thế này nữa.

Thời trước, cụ Ba Giác kể, người Pháp tập kết các loại vật liệu xây dựng lên ngã ba Diêu Trì, thuê nhân công cả mấy làng quanh đó khiêng, vác, gánh lên Bà Nà xây dựng các khu biệt thự. Dần dà, nơi ngã ba sông nước này hình thành một cái chợ tấp nập người mua kẻ bán, dưới sông có một vạn ghe gần chục hộ làm nghề cá, cử ra một người phụ trách đưa đò qua sông.

Thế gian vật đổi sao dời. Bến sông sầm uất một thời bỗng trở nên hiu quạnh. Dân làm ra được củ khoai, buồng chuối, trái mít... muốn bán phải gánh bộ xuống chợ Túy Loan. Trai gái ba bên sông muốn quen nhau phải chờ đến mùa nước cạn, xắn quần lội sông, nhiều khi thấy nhau mà chẳng gặp.

Đó cũng là nỗi buồn lưu cữu trong lòng người dân Trường Định, xã Hòa Liên, từ khi lập làng đến chừ. Làm công dân một ngày nơi “ốc đảo” quạnh quẽ này, mới cảm nhận hết nỗi cực nhọc, lo toan của 232 hộ với 986 nhân khẩu bên đó. Cụ Năm Dưỡng đã ngoài bát tuần, than rằng, mỗi lần mưa gió bão bùng là cứ tưởng trôi tụt lút vào nơi mô xa lắc, khủng khiếp bốn bề.

Người dân nơi ngã ba sông Diêu Trì và nơi họng lũ Trường Định đã hàng chục đời đi vào gia phả mà ước mơ về một cây cầu vẫn xa ngoài tầm với. Vì thế, nghe khởi công làm cầu cứ tưởng nghe kể chuyện cổ tích. Cụ Năm Dưỡng ngày nào cũng rủ cụ Bảy Thọ, cụ Bốn Phong đi coi công nhân làm cầu Trường Định: Đời tui rứa là sung sướng nhất trần đời rồi, các cụ từ khai thiên lập địa tới chừ mô có được. Cụ Ba Giác thì nhìn cầu Diêu Phong đang được hoàn thiện dần, vui như Tết: Mấy ảnh làm con đường từ cầu Giăng lên đây, chừ tiếp cái cầu chắc như bắp, cốt cầu cao hơn mức lũ năm 1999, chừ có thể chạy lụt lên cầu.

Người dân Trường Định sẽ vừa có cầu, vừa có nước sạch do Công ty Cấp nước Đà Nẵng cung cấp - ông Nguyễn Hạnh, Trưởng phòng Quản lý nước sạch nông thôn, Chi cục Thủy lợi và PCLB thành phố Đà Nẵng, cho biết. Đường ống nhựa phi 160 dài hơn 3km, nối từ ngã ba đường ĐT601 – Nguyễn Bá Phát lên đầu cầu Trường Định phía Tây, băng qua cầu bằng ống thép phi 110 và đưa về thôn Trường Định. Công trình trị giá 1,8 tỷ đồng thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Bấm đốt tay, cụ Ba Giác bảo nghề đưa đò ở ngã ba Diêu Trì chấm dứt hồi năm 1999, sau cái lũ lịch sử. Chừ, hè nước sông cạn tới đầu gối, qua tháng tám âm lịch thì nước lũ xuống rầm trời chẳng ai dám vượt sông. Còn ở Trường Định thì trưa hôm đó, thấy tôi loay hoay chụp hình dưới bến đò, công nhân thi công trên cầu nói vọng xuống: Xa rồi, đò ơi! Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Liên Trần Thị Kim nghe thế, bật cười: Chắc ít bữa nữa là xa rồi! Bà Kim cho biết, Phòng Công thương huyện Hòa Vang vừa xuống khảo sát để hỗ trợ chuyển nghề cho anh Nguyễn Thế, người cuối cùng làm nghề chèo đò ở Trường Định.

Nối tình đất, nối lòng người

“Văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình”, các cụ bao đời nay chỉ nghe chứ chưa thấy tận mắt chuyện làm cầu. Ông Phan Quang Hòa, Phó Giám đốc Công ty TNHH Long Minh, Chỉ huy trưởng Công trường xây dựng cầu Diêu Phong kể, hôm đơn vị thi công lao dầm cầu, các cụ đứng nhìn cái dầm chữ T cao 1,2m, rộng 1,8m, dài 24m vắt vẻo bên mé sông, chép miệng: Chà! Sông nước như ri, răng mà lao cái dầm to như cây cột chống trời qua cho được hè? Khi anh em công nhân dùng thiết bị chuyên dụng nhẹ nhàng đưa dầm cầu nặng 46 tấn qua đúng vị trí, các cụ buột miệng: Thiệt là văn minh có khác!

Ông Lê Văn Thiện, Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng 72, Chỉ huy trưởng Công trường xây dựng cầu Trường Định nói vui: Làm cầu là “ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ”. Như cây cầu Trường Định đây, khoan khảo sát thì tất cả đều ngon lành, đến khi thi công đóng cọc nhồi xuống lại gặp tầng đá nên phải thay đổi phương án thi công làm chậm tiến độ. Chậm, một phần còn do thay đổi thiết kế: mới đầu định làm cầu rộng chỉ 5,6m (trừ lan can còn 4,6m), sau đổi thành cầu rộng 6,6m chạy được 2 làn xe. Đó là chưa kể cầu có độ dài tới gần 275m, lại nằm ngay trên miệng lũ nên thi công có khó khăn hơn. Các cụ hiểu ra vấn đề nên bảo, chi thì cũng chậm rồi, từ từ làm cho chắc.

Sắp xa rồi, đò ơi! (Ảnh chụp bến đò Trường Định).

Sắp xa rồi, đò ơi! (Ảnh chụp bến đò Trường Định).

Các cụ thỉnh thoảng mua bánh trái, thuốc lá, nước giải khát lên tận công trường tặng cho công nhân, với cái mong ngóng sớm được thả bộ trên chiếc cầu mới mà người bao đời trước nằm xuống vẫn còn thấy nghèn nghẹn trong ngực. Các cụ quý mến anh em công nhân như người thân trong nhà. Làng Hội Phước nơi ngã ba Diêu Trì tổ chức hội làng, không quên gửi cái giấy mời đến Ban chỉ huy công trường xây dựng cầu Diêu Phong để nghĩa tình gần lại.

Diêu Phong và Trường Định là 2 trong 5 cây cầu được thành phố đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện Hòa Vang thời gian qua. Nếu cầu Tà Lang – Giàn Bí được ưu tiên thi công trước vì chính sách dân tộc đối với người Cơtu thì xếp sau đó là cầu Sông Yên, cây cầu nối liền trung du và đồng bằng, tạo thế phát triển bền vững cho Hòa Vang. Cầu Sông Yên nối hai xã Hòa Tiến và Hòa Phong, trong đó có hai thôn nằm ven sông cùng có tên Thạch Bồ. Phó trưởng thôn Thạch Bồ (Hòa Tiến) Đặng Yêm cho biết, cả thôn có khoảng 140 hộ thì một nửa số đó có ruộng đất ở thôn Thạch Bồ bên kia sông, nhiều lần bên này qua thu hoạch về bị lũ làm lật ghe, mất sạch lúa.

 

Từ cuối năm ngoái, khi cầu Sông Yên được đưa vào sử dụng - Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến Nguyễn Đình Anh cho biết, từ dân cho chí cán bộ cả 3 xã Hòa Châu, Hòa Phước, Hòa Tiến đều có thể trong nháy mắt chạy xe lên Trung tâm hành chính huyện bằng con đường nối thẳng băng từ quốc lộ 14B đi qua cầu Sông Yên xuống giáp với đường ĐT605. Giờ đây nếu xảy ra lũ, người dân các thôn Thạch Bồ, Bắc An, La Bông có thể chạy lũ thẳng xuống cơ quan xã chứ không bị chia cắt như trước.  

* Cầu Tà Lang – Giàn Bí (xã Hòa Bắc): dài 89,2m, rộng 7,5m, vốn đầu tư 11 tỷ đồng, xong tháng 5-2010. Cầu Hội Yên (Hòa Bắc): dài 36m, rộng 3m, vốn đầu tư 1,324 tỷ đồng, xong tháng 4-2008. Cầu Sông Yên (Hòa Tiến – Hòa Phong): dài 96m, rộng 7,5m, vốn đầu tư  12 tỷ đồng, xong tháng 12-2009. Cầu Diêu Phong (Hòa Nhơn – Hòa Phú): dài 85,2m, rộng 7,5, vốn đầu tư 12,77 tỷ đồng, đang xây dựng. Cầu Trường Định (Hòa Liên): dài 274,45m, rộng 6,6m, vốn đầu tư 19,6 tỷ đồng, đang xây dựng.

Mỗi khi có một cây cầu mới hoàn thành, đời sống người dân địa phương mở ra một trang sử mới. Trưởng ban Quản lý đầu tư xây dựng huyện Hòa Vang Trần Cảnh Quy kể, khi cầu Hội Yên ở thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc gần hoàn thành, phụ nữ ở phía bên kia khe Hội Yên nhỏ to với nhau là Tết tới làm chi cũng đi sơn móng chân cho thiệt đẹp. Bao đời nay các chị xắn quần lội nước, mong ước đơn giản nhất cũng không sao thành hiện thực.

Trưởng thôn Trường Định Võ Văn Thành chia sẻ với chúng tôi rằng, khi xong cầu, gần một nghìn nhân khẩu ở thôn và đang công tác, học tập ở xa sẽ tổ chức ăn mừng. Cụ Ba Giác có người em con chú ruột là Huỳnh Minh Nhơn, nguyên Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang. Chừ lên làm Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL thành phố, ông Nhơn hẹn đồng hương hôm nào cầu Diêu Phong thông xe kỹ thuật sẽ về làm liên hoan nhẹ ngay trên cầu để ngắm trời mây sông nước, đánh dấu ngày quê hương mình thoát ra khỏi nỗi quạnh hiu nghìn năm “ốc đảo”...

Ghi chép của VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.