.

Sinh viên mùa tăng giá nhà trọ

.

Bước vào năm học này, không ít sinh viên của các trường đại học ở Đà Nẵng hoang mang vì nhà trọ đồng loạt tăng giá, trong khi số chỗ ở trong các ký túc xá chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của sinh viên ngoại trú.

Nỗi niềm người đi thuê trọ

Mô tả ảnh.
Phòng trọ rộng rãi của Lan Anh là niềm mơ ước của các bạn sinh viên.

Kết thúc đợt nghỉ hè, vừa từ Thái Bình vào, bạn Nguyễn Thị Nhài, sinh viên (SV) năm 2 ĐH Sư phạm Đà Nẵng đang lúi húi mở cửa căn phòng trọ nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Nam Cao, thì cô chủ nhà chạy sang niềm nở hỏi han về gia đình Nhài và kỳ nghỉ. Nhài đang hào hứng kể về những điều thú vị ở quê thì cô chủ nhà đã “thỏ thẻ” thông báo tăng tiền nhà mỗi phòng 100.000 đồng, điện từ 2.000 lên 2.500 đồng/chữ, nước từ 20.000 đồng/người lên 25.000 đồng/người. Nhài nghe mà rầu hết cả lòng: “Phòng thì chưa tới 10 m2 nhưng cứ như định kỳ mỗi năm 2 lần tăng giá, mỗi lần cả trăm ngàn chứ có ít đâu, rồi điện, rồi nước, rồi gas... Ngoài nhà bố mẹ làm nông nghiệp, khi em đi bố mẹ đã phải bán cả ao cá. Giờ tăng tiền đột ngột thế này chắc em phải lấy tạm tiền ăn để trả, sau đó sẽ đi kiếm việc làm thêm, chứ bây giờ đi tìm phòng mệt lắm chị ạ”, Nhài nói mà như than.

Cứ sau một kỳ nghỉ hè hoặc Tết, các SV ngoại tỉnh vào thành phố học thì nỗi lo đầu tiên không phải là bài vở đầu năm học mà là về chỗ ở. Để có một chỗ ở ổn định khi vào năm học mới thì trước khi về nghỉ hè, SV phải có tiền đặt cọc hoặc vẫn phải trả tiền thuê nhà để chủ nhà giữ phòng cho mình, còn không lại phải bắt đầu hành trình tìm nhà mới.

Không cam chịu như Nhài, hai bạn Thảo và Hoa, SV năm 3 Đại học Kiến trúc đã 3 ngày nay chạy ngược chạy xuôi tìm phòng mà chưa được. Nhà không khá giả gì nên yêu cầu trước tiên của các bạn là rẻ, sau đó mới đến các tiêu chuẩn khác. Trước đây, hai bạn thuê phòng trọ trong con hẻm nằm trên đường Núi Thành, vừa gần trường, đi lại cũng tiện. Ở đó cũng được gần năm, mọi thứ đều ổn định nhưng khổ một cái cứ khoảng 3 tháng, ông chủ nhà lại thông báo tăng tiền nhà một lần, mà mỗi lần tăng khoảng 50.000 – 100.000 nghìn đồg. “Trước, cái phòng hơn 10 m2 của bọn em có 400.000 đồng chưa kể điện nước, giờ nó đã lên tới 750.000 đồng. Tiền thì tăng mà chất lượng phòng vẫn thế, hai đứa bọn em bức xúc quá nên đang tìm nhà mấy ngày rồi mà chưa được cái nào”.

Hiện nay trên địa bàn thành phố, các tân SV cũng đã bắt đầu nhập học, vì vậy phòng trọ càng khan hiếm. Trong khi số phòng không tăng mà người có nhu cầu thuê lại tăng. Những khu nhà trọ dùng vệ sinh chung giá rẻ hơn những phòng trọ khép kín; tuy nhiên, những dãy nhà trọ như thế lại thường ẩm mốc, nhếch nhác, SV cũng ngán ngẩm không muốn ở. Còn những khu nhà khép kín sạch sẽ thì bao giờ cũng đắt hơn từ 250.000 – 300.000 đồng. Chị Phan Thị Nguyệt, chủ một dãy nhà trọ ở gần Trường ĐH Bách khoa cho biết: “Tình hình giá cả thị trường tăng từng ngày, mình cũng phải tăng giá phòng trọ theo chứ biết sao được. Với lại quanh đây nhà nào cũng tăng giá. Dù tăng thế nhưng lúc nào cũng có người đến hỏi thuê và luôn trong tình trạng hết phòng”.

Ký túc xá - niềm mơ ước của SV

Không riêng gì các bạn SV cũ mà các tân SV cũng đang méo mặt tìm nhà trọ. Bạn Đinh Thanh Tuyền, SV ĐH Bách khoa Đà Nẵng kể, lúc còn ở quê cứ đinh ninh mình ở xa sẽ có xuất trong KTX nhưng khi nghe mấy anh chị khóa trước đi học về nói KTX chỉ dành cho những người nằm trong diện ưu tiên, hai bố con bạn từ Quảng Bình phải vào trước thời gian nhâp học, ngược xuôi mấy ngày liền vẫn chưa tìm được căn phòng trọ ưng ý. “Ở nhà thì cứ nghĩ đơn giản, muốn tìm một chỗ ở không ngờ lại gian nan thế” – bác Quang, bố Tuyền thở dài nói.

Bạn Đặng Thanh Bình, quê Yên Bái, sinh viên năm thứ 5 Trường ĐH Duy Tân chia sẻ: “Tụi em cũng là dân tỉnh lẻ đi học, cũng mong được ở trong KTX cho đỡ tốn kém nhưng trường không có thì đành chịu chứ biết sao được. Phòng em chỉ rộng gần 15 m2 nhưng bọn em ở 3 người cho tiết kiệm”. Việc tìm được một nhà trọ ưng ý, giá rẻ, chủ nhà lại thoải mái cũng không hề đơn giản và không phải ai cũng may mắn như Lan Anh quê Quảng Ngãi, SV Trường Đông Á, thuê được phòng trọ gần đường Trường Chinh. “Phòng khá rộng rãi, giá cả phải chăng, gặp được chủ nhà tốt bụng nên em ở từ khi vào học năm nhất đến giờ”.

Được ở KTX là niềm ao ước của các bạn SV ngoại tỉnh nhưng không phải ai cũng có được may mắn đó. Nếu như ở KTX mỗi tháng SV chỉ phải trả từ 100.000 – 150.000 đồng tiền ở thì các bạn thuê ở ngoài phải chịu gấp 5, 6 lần số đó, chưa kể những phát sinh khác, vì vậy những trường có KTX như ĐH Bách khoa, ĐH Sư phạm, ĐH Ngoại ngữ, ĐH Kinh tế, CĐ Công nghệ luôn trong tình trạng hết chỗ. Bởi những suất KTX hiếm hoi ấy được dành cho các bạn trong diện chính sách, hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa… Còn với nhiều trường ĐH, CĐ khác không có ký túc xá thì 100% sinh viên phải thuê trọ ngoài. Hiện nay, Trường ĐH Bách khoa có 2.000 chỗ ở trong KTX, trong đó có 800 chỗ cho tân SV; ĐH Kinh tế có 200 chỗ cho SV năm thứ 2 đến năm 4 và 100 chỗ cho SV năm thứ nhất; trong khi ĐH Sư phạm có 900 chỗ ở nhưng khu KTX dành cho SV Việt Nam đang trong quá trình sửa chữa nên các bạn phải đi thuê ngoài...

Có được một chỗ ở ổn định, phù hợp với túi tiền của mình không phải là chuyện dễ dàng. Chính vì thế ngoài giờ học, nhiều bạn SV còn phải “gồng mình” đi làm thêm để san sẻ bớt gánh nặng với gia đình. Có câu nói “an cư mới lạc nghiệp”, không biết đến bao giờ SV không phải ngược xuôi lo nhà ở để yên tâm học hành?

THU HÀ



























;
.
.
.
.
.