.

Đố ai không học mà hay!

.

Hơn một thế kỷ trước, học trò Trường Cẩm Toại trước khi tan học ra về đều ngay ngắn đứng dậy đọc bài thơ Khuyến học của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Bài thơ chỉ có 8 câu, không quá dài để cái háo hức được nghỉ ngơi của học trò không phải kìm hãm lâu, không quá ngắn để những mái đầu xanh ùa về như đàn chim vỡ tổ mà trái tim vẫn vang vọng âm ba của câu cuối được nhắc lại hai lần: Đố ai không học mà hay!...

Mô tả ảnh.

Các thế hệ thầy trò Trường An Phước chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu nhân kỷ niệm thành lập trường.

Đó là những năm 1906-1907. Đến khi cụ Nghè Lâm Quang Tự dời Trường Cẩm Toại từ vườn nhà mình ra sát đường 14 và thành lập Trường Tiểu học An Phước vào năm 1908 thì lời thơ nửa khuyên răn, nửa thách thức Đố ai không học mà hay ấy vẫn tiếp tục tuôn chảy trong huyết quản của thầy và trò nhà trường. Hơn một thế kỷ đi qua, những người “muôn năm cũ” lớp đã khuất xa, lớp còn ở lại thì cũng đã nghiêng dần về phía bóng chiều.

Phía sau bục giảng

Đại tá Dương Tuấn Kiệt năm nay 79 tuổi, thời thơ ấu học ở Trường An Phước. Mỗi lần có ai nhắc đến ngôi trường lừng lẫy này là ông say sưa nói về những kỷ niệm một thời.

Năm học 1941-1942, ông Kiệt học lớp Nhì Nhị Niên (tiếng Pháp là Cours Moyen Deuxième Année, tương đương lớp 4 bây giờ) với thầy Đặng Ngọ. Thầy lúc đó chừng 20 tuổi, nhưng đã thu hút học trò bằng những buổi lên lớp sinh động với nhiều tranh vẽ về các danh nhân trong lịch sử dân tộc hay những bài hát về chiến thắng Bạch Đằng, Chi Lăng...Về sau, thầy được đứng vào hàng ngũ của Đảng, làm Xã đội trưởng và hy sinh trong một trận phục kích của địch.

Năm sau, ông học lớp Nhất (Cours Supérieur) với cô Nguyễn Thị Như Đợi. Nhà cô ở dưới phố, ăn ở tại trường. Cô là cô giáo đầu tiên của trường, xinh đẹp, sống chan hòa với mọi người, không chỉ học sinh mà thầy giáo cũng yêu quý. Chiều chiều, mỗi khi tan chợ, các bà các cô trên đường đi chợ về thường ghé lại trường thăm cô, thỉnh thoảng gửi cô trái dưa, gói xôi hay mấy củ khoai lang chín.

Cô vừa đi dạy, vừa làm giao liên cho Xứ ủy Trung Kỳ. Mỗi khi đi công tác, để tranh tai mắt của lính Nhật đóng đồn ở núi Phước Tường, cô phải nhờ học trò hoặc thầy Đặng Ngọ đưa qua. Có lúc, cô gánh giùm gánh cá cho các chị bán cá ở chợ Túy Loan về Thanh Khê để đi qua trót lọt. Cứ thế, không ai biết cô là đảng viên. Gần đây, cô mới cho biết rằng, lúc đó cô thường trao đổi với thầy Ngọ về phương pháp giáo dục đạo đức cho học trò. Trong giờ sử hay tập đọc, cô khéo léo khơi dậy cho học trò tinh thần quật cường của dân tộc bằng cách cố ý nhấn mạnh truyền thống chống ngoại xâm của nhân dân ta.

Sau này, ông Kiệt có bài thơ về cô giáo của mình, trong đó có mấy câu đầy cảm kích: “Dẫu thể xác thuộc dòng liễu yếu/ Mà tinh thần mang đấng trượng phu”.

Khuyến học điền 

Mô tả ảnh.

Các thế hệ những người làm công tác KH ở Hòa Vang trao đổi kinh nghiệm.

Các cụ bảo, xưa ở tổng An Phước, làng nào cũng có một thửa ruộng dành riêng cho việc khuyến học (KH), gọi là KH điền. Ông Kiệt biết đến hai thửa ruộng như thế, đều do các thầy giáo ở trường hiến tặng. Một thửa ở làng Khương Mỹ, trước nhà ông Châu Quang Xước (thường gọi là ông Phó Thuyên theo tên người con đầu của ông là Châu Quang Thuyên - một giáo viên của trường, đảng viên, sau là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính huyện Hòa Vang). Một thửa ở làng Cẩm Toại, trước nhà thầy Trần Quốc Thắng (còn gọi là Giáo Huynh, một trong hai giáo viên đầu tiên của trường, sau cụ Nghè Lâm).

Ngày ấy trường do dân tự lập, mọi việc thu chi lúc đầu đều phải tự tính toán. Đứng trước khó khăn của trường, các nhà hảo tâm đã tự nguyện hiến ruộng làm KH điền, mọi lợi nhuận thu được đều dành ủng hộ trường để trả lương cho thầy, cô giáo. Ngoài ra, công tác KH còn được khắp nơi hưởng ứng khi phong trào bình dân học vụ mở ra sôi nổi, học sinh trường An Phước ai cũng là giáo viên, trên một lớp dạy dưới 1 lớp, biết 2 chữ dạy 1 chữ, ông bà học cháu, cha mẹ học con, không ai là không học.

PGS.TS Trần Ngọc Toản, Trưởng ban Liên lạc cựu học sinh An Phước tại Hà Nội khẳng định: “Trí thông minh, lòng hiếu học của những con người dù là ở miền núi như quê tôi không hề thua kém những nơi khác, những dân tộc khác. Nếu có điều kiện thuận lợi thì các anh học trò nhà quê đặc ấy cũng có thể trở thành hiền tài”. Điều kiện ấy là gì? Theo ông, đó là nhờ “phát huy tinh thần yêu nước hiếu học, đẩy mạnh phong trào KH” và ông dẫn chứng, có đến 80% cựu học sinh An Phước đang sống ở Hà Nội là giáo sư, tiến sĩ, họ dạy học, làm việc ở các trường đại học lớn, các Viện nghiên cứu Quốc gia, các cơ quan Trung ương và cả ở nước ngoài và có uy tín rất lớn.

Đảng viên hai chi bộ đầu tiên ở Hòa Vang là Phổ Lỗ Sĩ và Bánh Tổ Chiên đều là học sinh An Phước. Ông Kiệt ngồi điểm lại, trong số học sinh An Phước có 2 thiếu tướng, cấp tá có đến hàng trăm, trong đó 17 đại tá: “Có học vẫn hơn, nhờ có học mà phong trào cách mạng phát triển nhanh và bắt nhịp với cuộc sống”.

Nối gót người xưa

Ông Kiệt về hưu năm 1990, thấy việc học phần ai nấy lo, ông đề xuất thành lập ban Liên lạc cựu học sinh An Phước. Từ đó, ông Phạm Đình Hảo, Chủ tịch Hội KH thành phố Đà Nẵng gợi ý bảo ông lập luôn cái chi hội KH. Thế là, năm 1993 chi hội KH xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang ra đời, một trong những địa phương có phong trào KH sớm nhất ở Đà Nẵng. Những người làm công tác KH ban đầu với ông Kiệt như các ông bà Đặng Thao, Trần Duệ, Huỳnh Ngọc Đề, Đặng Thị Túy Phong…đã tận tụy hết mình với niềm tự hào truyền thống hiếu học của An Phước xưa.

Ông Đặng Phước Đắc, nguyên hiệu trưởng Trường Tiểu học An Phước, Chủ tịch Hội KH huyện Hòa Vang từ tháng 4-2008, khiêm tốn: “Chúng tôi chỉ tiếp nối truyền thống, chứ mọi việc đã có nền nếp rồi, có chăng chỉ củng cố lại. Có điều, ngày trước ông Kiệt đạp xe đạp, chúng tôi bây giờ có xe máy, có điện thoại di động nên công việc đỡ nhọc nhằn hơn và cũng hiệu quả hơn”.

Hội KH xã Hòa Phong là một trong những đơn vị KH mạnh ở Hòa Vang. Ông Nguyễn Tịch, Chủ tịch Hội KH xã, cũng nghĩ rằng: “Người đi trước mở đường, người sau cứ thế mà đi. 10 tộc họ, 4 trường học trên địa bàn xã đều có chi hội KH, đặc biệt có một chi hội của cựu chiến binh thôn Cẩm Toại Trung. Quỹ chung của KH Hòa Phong hiện có gần 250 triệu đồng”.

Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phong Dương Tấn Đạt cho biết: “Triển khai thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", Đảng ủy chỉ đạo mỗi chi bộ nuôi một con heo đất KH, thay vì hình thức KH điền ngày xưa. Đến Sinh nhật Bác 19-5 hoặc đầu năm mới, mổ ra để thưởng cho các em học giỏi hoặc giúp các em có hoàn cảnh nghèo”.

Vừa rồi, em Trịnh Thị Trâm ở thôn Túy Loan Tây 2 có mẹ bị sét đánh chết, hiện ở nhà ngoại, hoàn cảnh thật đáng thương. Nghe ông Tịch kể chuyện, một người bạn của bạn ông, một doanh nhân ở Đà Nẵng, đã lên thăm và trước mắt tặng em 5 triệu đồng. Ông Đắc thì đang chờ một suất tài trợ của một chi nhanh ngân hàng tại Đà Nẵng dành cho em. Những trường hợp như Trâm ở Hòa Vang lên đến gần 400 em. Khi huyện lỵ đưa lên xã Hòa Phong, nơi có cụm Trường Tiểu học An Phước, THCS Trần Quốc Tuấn, THPT Ông Ích Khiêm, trong đó Trường An Phước là điểm nhấn đầu tiên của đất học, cả hệ thống chính trị đều khẳng định sẽ không để cho em nào thất học như người xưa đã từng nhắc nhở: Đố ai không học mà hay!

Ghi chép của VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.