“Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc…”.
Tôi muốn mở đầu lời tâm sự với các em bằng đôi dòng của nhà văn Thanh Tịnh, đoạn văn mãi mãi in dấu vết dịu dàng lên tâm hồn chúng tôi, lớp người hôm nay đã vào độ tuổi 60.
Ở những đô thị phương nam chan hòa ánh sáng, có thể nào các em hình dung được một bầu trời xám, gió lành lạnh hay cái rét ngọt ngào của những vùng đất khác, xa về phía bắc? Nhưng lẽ nào những cơn mưa nồng nhiệt, lẽ nào những con phố xanh thắm lá bay, lẽ nào những sắc màu, những tiếng động và mùi hương, những âm hưởng của chốn thị thành luôn sôi động không để lại gì trong tâm hồn các em? Tôi vẫn hằng tin và còn biết rõ rằng, đôi điều tôi vừa nhắc đến, về một vùng đất với những cảnh sắc ấy, mãi mãi các em sẽ lưu giữ trong ký ức của mình, về khoảng thời gian bắt đầu một năm học, về hình ảnh ngôi trường – cái gạch nối giữa gia đình và xã hội – chiếc nôi ru êm đềm cho những bước đi đầu tiên vào thế giới rộng lớn.
Tôi đã nhìn thấy những ngôi trường rất khác nhau. Có thể ở nơi này là những hàng phượng tỏa bóng mát trên những phút tạm nghỉ giữa buổi học hay một thảm cỏ xanh dịu mắt nhìn. Có thể ở nơi khác chỉ là ngôi nhà cao tầng nằm ngay trục giao thông náo nhiệt mà qua khung cửa sổ, thảng hoặc mới nhìn thấy đôi chú chim lẻ loi đậu phút chốc trên hàng dây điện, bên dưới phố vọng lên trầm trầm tiếng động của dòng người – xe không ngớt lại qua. Cũng có thể, ngôi trường của các em chỉ là đơn sơ của một huyện miền xa, nhìn ra cánh đồng ngập nước hay đâu đó, dưới mái ngói thấp tối của một nếp đình xưa, các em bắt đầu năm học mới của mình cùng bè bạn...
*
Dù ở đâu chăng nữa, tôi vẫn muốn cùng các em tin rằng, một vết mực hoen trên chiếc bàn gỗ mới hay những nét vạch mờ tỏ của những trò chơi nghịch ngợm trên tấm bảng đen cũ kỹ hôm nay, sẽ một ngày nào đó mai sau, bừng dậy ánh hồi quang rực rỡ về kỷ niệm của những năm tháng đến trường. Có ai đó nói rằng, sống thì không được quên, cả những buồn khổ hay sướng vui, cả niềm vinh quang hay nỗi cay đắng. Tôi xin được thêm một ý dư thừa rằng, cũng có nhiều điều sẽ rơi vào quên lãng, nhưng nhất định ngôi trường của tuổi hoa niên và những ngày học tập – vui chơi sẽ không bao giờ phải nằm trong số phận hẩm hiu đó.
Bởi vì thật đáng buồn cho những ai không có được khoảng thời gian tốt đẹp nhất của một đời người ấy, mặc cho những thiếu thốn khó khăn vẫn còn trong không ít gia đình, hôm nay. Bởi vì, giờ đây vẫn còn bao bạn bè cùng lứa tuổi với các em phải sớm lao vào cuộc kiếm sống mà rời bỏ mái trường. Thật bất hạnh cho những người bạn ấy! Và, đây cũng là nỗi xót xa của cả xã hội mà dù rất nhiều công sức đã bỏ ra, cái mục tiêu mọi người được no ấm được học hành... vẫn còn là mơ ước chưa toàn vẹn.
*
Ánh nắng vẫn chan hòa trên vạn vật. Giờ đây, khi đã vĩnh viễn xa rồi những năm tháng ngọt ngào của thời cắp sách đến trường, đôi khi, có nhiều người trong thế hệ chúng tôi có thể đã từng mơ ước, nếu phải đánh đổi cái gì quý giá nhất để được sống lại những ngày tháng ấy, chắc họ sẽ không ngại ngần. Nhưng nếu mơ ước ấy không thể biến thành sự thật, thì chắc hẳn, họ sẽ luôn mong sao cho ngôi trường của các em sẽ ngày càng tốt đẹp hơn. Mong sao cho các em có được khoảng sân rộng thoáng mắt nhìn, nơi những bóng lá êm của hàng cây in vào những đôi mắt trẻ khi ngước nhìn bầu trời vẫn xanh ước mơ. Mong sao những tiếng nhạc dậm dật của phố phường bớt chen vào lời giảng bài của các thầy – cô. Còn mong hơn nữa, và trước hết, không còn những bạn cùng tuổi các em, mỗi lúc đi ngang trường, nhìn vào lớp học với nỗi thèm muốn được ném đi bao lo toan về miếng cơm manh áo để được hòa vào với các em, với màu áo học trò tươi sáng.
Mong sao cho nắng sân trường mãi sáng trong trên nền cỏ xanh.
Nguyễn Đông Nhật