.

Làm đẹp cho người

.

Với chiếc máy may, ít đồ nghề kim chỉ, cộng với đôi bàn tay khéo léo, tỉ mẩn, những người thợ sửa quần áo đã giúp cho khách hàng có được chiếc quần, áo ưng ý, vừa vặn với mình. Nhiều khách hàng cứ nhất định chỉ sửa đồ ở một chỗ quen biết. Vì, họ tin vào người thợ biết làm cho quần áo của họ đẹp hơn.

Mô tả ảnh.

Anh Văn bên góc nhỏ của mình.

Nằm trên con đường Đoàn Thị Điểm (quận Hải Châu), tiệm sửa đồ của hai chị em cô Nguyễn Thị Nhung (51 tuổi) và Nguyễn Thị Tuyết (49 tuổi) là gian nhà nhỏ khoảng 6m2 đủ để đặt hai chiếc máy may và chồng quần áo của khách. Tiệm có tên là Tuyết.

Trước đây, vì thích may vá, thêu thùa, hai chị em đã “lén” ba mẹ đi học may. Ban đầu là để tự may những bộ đồ theo ý mình nhưng càng học càng thấy thích, nên hai cô đã theo nó đến giờ. Tuy có chút biến tấu từ may đồ sang sửa đồ nhưng nghề nào cũng là làm đẹp cho người nên dù đã ở tuổi ngũ tuần nhưng hai cô vẫn miệt mài bên những đường may.

Trong một lần lang thang khắp Sài Gòn kiếm việc làm, đi qua con phố bán quần áo, anh Nguyễn Văn Thuận (tên thường gọi là Văn), sinh năm 1976, quê Hòa Nhơn, Hòa Vang thấy những người thợ đang cặm cụi sửa quần áo cho khách cạnh những chiếc máy khâu bên vỉa hè, anh đã lân la làm quen và tìm hiểu về công việc này. Với số tiền ít ỏi có trong tay, anh đã sắm cho mình chiếc máy may cũ. Ban đầu anh cũng hơi ngại khi một loạt thợ sửa đồ đều là phụ nữ, nhưng anh vẫn quyết tâm học bằng được nghề này. Một người thầy đã dạy anh tận tụy, giúp anh có được bí quyết làm thế nào để có thể chạy được những đường may đẹp nhất, bắt được “bệnh” của quần áo mà chữa. Ba tháng miệt mài học việc, anh đã tự tin mang chiếc máy may cũ của mình ra ngồi một góc vỉa hè để nhận sửa đồ cho khách.

Còn khách là còn nghề

Nhận thấy một nhu cầu sửa đồ rất lớn ở Đà Nẵng, hơn một năm ở Sài Gòn, anh Văn đã chuyển hẳn về Đà Nẵng. Với chiếc máy may đạp chân từ rất lâu rồi, anh chọn một góc nhỏ trên đường Điện Biên Phủ để hành nghề. Anh làm ở đây, từ khi những ngôi nhà hai bên đường Điện Biên Phủ lúp xúp, giờ đã trở lên to đẹp, khang trang hơn rất nhiều, khách hàng cũng đa dạng. Người lớn có, trẻ con có, nhà nghèo có, nhà giàu có. Đồ sửa của khách cũng nhiều hơn. Ngày nào mà không được sửa đồ cảm thấy như thiếu thiếu cái gì đó. Tính đến nay, 10 năm gắn bó với công việc sửa quần áo cho khách, anh cũng không nhớ rõ mình đã giúp bao nhiêu người có được chiếc quần, chiếc áo vừa vặn hơn.

Có nhiều người đã trở thành khách hàng lâu năm của anh và nhất định chỉ sửa đồ ở chỗ anh vì anh biết cách làm cho khách luôn hài lòng khi nhận lại món đồ được sửa. Anh luôn tâm niệm phải làm cho khách thật vừa ý để họ không chỉ đến với mình mà còn giới thiệu mình với nhiều người khác. Những “ngón nghề” anh học được từ hồi ở Sài Gòn cộng với những kinh nghiệm lâu năm trong nghề đã giúp anh ổn định công việc.

Cả khu vực Thanh Khê Đông nơi anh sửa đồ có rất nhiều tiệm may, tiệm sửa đồ nhưng khách vẫn tìm đến anh. Giờ, tay nghề đã vững vàng rồi, nhưng anh vẫn không có ý định chuyển sang may áo quần cho khách để thu nhập được cao hơn. Anh nói “nghề nào cũng là nghề, miễn là mình trung thành với nó. Anh sẽ còn làm công việc này khi nào còn khách”.

Mặc dù đồ may mặc sẵn ngày mỗi ngập tràn, nhưng không phải ai cũng dễ dàng lựa cho mình một chiếc quần hay chiếc áo vừa vặn. Nhu cầu bo áo, cắt ngắn, bóp lai quần ngày càng nhiều. Cái tiệm bé xíu xiu của hai chị em cô Tuyết – Nhung ở chợ quần áo Tăng Bạt Hổ cứ dập dìu khách đến, khách đi. Tiệm của 2 chị em cô, cũ mới gì cũng sửa hết. Từ quần jean, kaki, tây đến váy, áo… Mới thì cắt cho vừa vặn, cũ thì có khi đột lại cái khuy, thay cái khóa hay mạng lại miếng rách để mặc tiếp. Có những chiếc quần jean, váy áo giá trị vài trăm ngàn trở lên cũng được tin cậy đem đến tiệm này. Cái cắt ngắn đi, cái bó vào cho đẹp... Khách chỉ cần phác thảo vài ý, là người sửa đồ có thể giúp khách diễn tả được món đồ cần sửa thế nào.

Nói thì đơn giản vậy nhưng không phải ai cũng làm được. Cả khu Triệu Nữ Vương, Đoàn Thị Điểm có gần 50 điểm treo biển sửa quần jean, tây, kaki… nhưng không phải tiệm nào cũng có thương hiệu như tiệm Tuyết. Tiệm sửa đồ Tuyết nằm lọt thỏm giữa vô số những biển treo sửa đồ nhưng khách hàng vẫn tìm đến đúng tiệm của hai cô. Người ta tìm đến tiệm của hai cô bởi sự khéo léo trong từng đường kim, mũi chỉ. Những đường may thẳng tắp, đều đặn. Trong những chồng quần áo được xếp gọn gàng, ngoài đồ jean và kaki còn có áo kiểu và váy của các bạn trẻ mà phần lớn là của các bạn sinh viên. Thực ra để được như hôm nay chị em cô cũng đã có hơn 20 năm kinh nghiệm. “Có yêu nghề, thực sự chuyên tâm vào nó mới giỏi được. Mình làm tốt thì khách sẽ tự tìm đến với mình và kinh tế của mình sẽ được bảo đảm”. Cô Tuyết vui vẻ chia sẻ, khi tay vẫn không rời chiếc máy may.

Một chút khéo léo, kiên trì cộng với chút nhạy bén trong cuộc sống, cô Nhung, cô Tuyết, anh Văn… đã chọn được những nghề phù hợp với sở trường của mỗi người và điều quan trọng là họ bằng lòng với nghề mình đã chọn. Đơn giản bởi nghề nào cũng là để kiếm sống, để nuôi sống được bản thân và gia đình. Chỉ cần tâm huyết và hết lòng với công việc mình lựa chọn thì ở bất kỳ nghề nào người làm nghề cũng nhận được thành công.

THU HÀ

 

 

 

 

;
.
.
.
.
.