.

Môi trường và chất lượng giáo dục

.

“Môi trường, đặc biệt là môi trường giáo dục có ảnh hưởng rất lớn đến nhân cách và chất lượng học tập của học sinh. Ngày trước, mẹ của Mạnh Tử đã phải 3 lần đổi chỗ ở, lần thứ ba đến gần trường học mới dạy con được nên người”. 

Mô tả ảnh.

Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng tập trung cải tạo mảng cây xanh.

Đó là nhận xét của thầy Lê Thí, một trong những giáo viên công tác lâu năm tại Trường THPT Trần Phú - công trình trọng điểm của thành phố Đà Nẵng vừa được đưa vào sử dụng tháng 12 năm 2009.

Trường mới, chất lượng mới

Những người đi tập thể dục buổi sáng nhìn ngôi trường mới có kinh phí 67 tỷ đồng từ ngân sách thành phố, nói với nhau: “Đầu tư như vậy mới đầu tư”. Kể lại chuyện này, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Quang Long nói thêm: “Thành phố đã đầu tư đúng mức, phù hợp với quan điểm của Đảng là lấy giáo dục làm quốc sách”.  

Theo bản vẽ ban đầu thì tầng hầm để xe của trường chỉ rộng 1.300m2, cửa mở về phía đường Lê Thánh Tôn và dành cho cả học sinh lẫn giáo viên. Vì hai lý do, thầy Long đã đề nghị mở rộng hầm lên 2.500m2 và mở thêm một cửa về phía đường Nguyễn Thị Minh Khai dành riêng cho học sinh. Thứ nhất, tránh tắc đường mỗi khi phụ huynh đưa đón con em ở Trường Mầm non 19-5 trên đường Lê Thánh Tôn. Thứ hai, ít năm nữa, nếu giáo viên sắm ô-tô thì cũng có nơi đỗ xe.

Mô tả ảnh.

Với 186 máy vi tính màn hình tinh thể lỏng, học sinh Trường THPT Trần Phú không còn “đói” tin học như ở trường cũ.

Khi chuyển Trường THPT Trần Phú từ vị trí gần Bảo tàng Điêu khắc Champa Đà Nẵng đến địa điểm gần Trường THPT Phan Châu Trinh hiện nay, dư luận xã hội quan tâm đến hai điều: ách tắc giao thông và học sinh hai trường... đánh nhau! “Bài toán” thứ nhất đã được Trường Trần Phú tự giải bằng giải pháp kỹ thuật (mở thêm cửa tầng hầm để xe) cộng với phương án vào học và tan học chậm 15 phút so với Trường THPT Phan Châu Trinh. “Bài toán” thứ hai thì đã có lời giải vì... đến nay vẫn chưa có vụ đánh nhau nào giữa học sinh hai trường. Kết quả này không quá bất ngờ so với những nỗ lực nhiều mặt từ ban giám hiệu, đội ngũ giáo viên đến phụ huynh, học sinh nhà trường.

Thầy Long cho biết, kinh phí cho mảng cây xanh sân trường đã tăng từ 2,6 triệu đồng lên 50 triệu đồng, góp phần làm đẹp cảnh quan sư phạm. Với ngôi trường mới, hiện đại, phân bố hợp lý, con người dạy và học trong đó cảm thấy được trân trọng hơn lên, ai cũng nghĩ mình phải sống sao cho xứng đáng, nhất là khi ở gần một ngôi trường có bề dày thành tích như Trường THPT Phan Châu Trinh. Số học sinh yếu kém của trường đã giảm dần: Trường cũ có đến 203 học sinh khối lớp 10 xếp loại học lực yếu kém, lên lớp 11 đã giảm xuống còn 47, lên lớp 12 về trường mới chỉ còn 12 học sinh yếu và đỗ tốt nghiệp 98,67%.

Khác xa một trời một vực

Trường THPT Nguyễn Hiền được thành lập từ năm 1996 (lúc đó là trường bán công), học sinh thi rớt lớp 10 tất cả các trường công, túng thế mới vào đây. Phó Hiệu trưởng Lê Thị Tuyết Hồng nhớ lại: “Thậm chí, có nhiều em tổng điểm 2 môn Toán và Văn chỉ 0,25 mà cũng được vào học!”. Thường thì học yếu quá, học không vô là hay quậy. Cả khu Tây Nam nội thành Đà Nẵng lúc đó còn hoang vu, thanh niên “trời ơi đất hỡi” các nơi tụ tập về, trường bị mang tiếng xấu. Xảy ra vụ đánh nhau nào là cứ đổ thừa cho học sinh Nguyễn Hiền.

Ban giám hiệu quyết tâm xây dựng trường, đưa học sinh dần vào nền nếp theo hình thức “nhẹ - động viên; nặng - kỷ luật”. Các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao được đẩy mạnh qua sinh hoạt của Đoàn Thanh niên nhà trường. Trường cử nhiều đoàn tham gia các giải của ngành, ban đầu chủ yếu là học hỏi, về sau đã “rinh” về cả huy chương vàng như thi hùng biện, thi “Đà Nẵng – Con người và thời gian”... Từ đó, học sinh “ngộ” ra: “À té ra mình không hoạt động chứ hoạt động thì cũng được đó chứ”. Tự tin trong sinh hoạt văn thể mỹ đã giúp các em tự tin hơn trong học tập, rèn luyện.

Thầy Hiệu trưởng Phạm Úc chia sẻ: “Bên cạnh việc phải hết sức kiên trì trong giáo dục đạo đức, rèn luyện học tập cho học sinh, chúng tôi được sự quan tâm đặc biệt của thành phố, của ngành trong xây dựng cơ sở vật chất. Nhờ đó, từ một trường không danh giá của ngành giáo dục, nay trường đã tạo được một “thương hiệu” nhất định”. Cũng theo thầy Úc, năm rồi học sinh nhà trường đỗ tốt nghiệp THPT đạt tỷ lệ 98,55% (mặt bằng thành phố là 96%). Năm học 2010-2011, nhà trường nhận 2.000 hồ sơ thi tuyển vào lớp 10, nhưng chỉ lấy 760 học sinh, tỷ lệ “chọi” là 2,63, cao nhất thành phố.

Những năm học đầu, học sinh ra khỏi trường là vứt bảng tên, phụ huynh thì rất ngại đi họp vì “bước chân vào trường là xấu hổ với bạn bè”. Nay thì mọi sự đã khác.

Thân thiện và tích cực

Mô tả ảnh.

Trường THPT Nguyễn Hiền tạo môi trường giáo dục tốt từ những hoạt động văn hóa – văn nghệ.

Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (phường Hòa Khê, quận Thanh Khê) có lẽ là trường duy nhất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trồng cây giáng hương trong sân trường.

Thầy Hiệu trưởng Bùi Phùng giải thích: Năm 1998 làm trường mới, bên thi công đổ đủ thứ đất nên 20 cây bàng trồng từ đó đến chừ không lớn được. 2 năm trở lại đây, nhà trường và phụ huynh học sinh trồng thêm 5 cây dầu và 5 cây giáng hương loại đã lớn nên phát triển tốt, giáng hương đã ra hoa vàng. Năm ngoái, UBND quận Thanh Khê đầu tư kinh phí 2,5 tỷ đồng xây dựng thư viện và khu phòng học các bộ môn Lý, Hóa, Sinh, Công nghệ thông tin. Trường tự xây nhà vệ sinh cho học sinh, cải tạo các phòng học.

Trường đẹp, việc dạy và học cũng... đẹp hơn. Hai năm nay trường thu hút một lượng học sinh đáng kể ở các phường bạn. Năm học 2008-2009, trường có 36 giải học sinh giỏi cấp thành phố, đến năm học 2009-2010, con số này đã tăng lên 54. Năm học rồi có 8 em thi đậu vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, đứng đầu quận, mấy năm trước chỉ được 2-3 em.

Cây xanh cũng là mảng màu chủ đạo tạo nên cảm giác thân thiện, gần gũi cho môi trường giáo dục ở Trường tiểu học Trần Bình Trọng (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu). Giữa một không gian đầy hoa lá, hòn non bộ, hai cây phượng do phụ huynh tặng đã làm nên điểm nhấn cho sân trường bằng màu hoa đỏ. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hỷ cho biết, tuy trường ở một địa bàn còn khó khăn, nhưng việc học hành của con em rất được quan tâm bởi phần lớn phụ huynh là cán bộ, công chức. Công tác xã hội hóa giáo dục đã góp phần làm cho trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức 1 năm 2001 và mức 2 năm 2008.

Ngày 5-9 này, năm học mới 2010-2011 chính thức được khai giảng với gần 196 nghìn học sinh các cấp học toàn thành phố. Trong năm học này, khi thành lập 9 trường mới (3 mầm non, 3 tiểu học và 3 THCS), ngành GD-ĐT thành phố hẳn cũng sẽ đặt tiêu chí “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” để nâng cao chất lượng hơn nữa.

VĂN THÀNH LÊ

 

 

 

;
.
.
.
.
.