Tiếng hát hào hùng, điệu múa chắc khỏe trên tiết tấu rộn ràng của Âm vang trống trận vừa dứt thì một cô gái bước ra sân khấu cùng với giọng hát thấm đẫm ca dao: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi. Mẹ hiền ru những câu xa vời. À à ơi, tiếng ru muôn đời…”. Khán giả, trong đó hơn một nửa là trẻ em, lặng người khi từng lời hát ngợi ca tiếng nói của người dân Việt vang lên sâu lắng, chân tình.
“Múa sạp” đã đem về giải A phần thi trò chơi dân gian cho Trường THCS Trần Quý Cáp. |
Đó là những tiết mục đầu tiên của chương trình văn nghệ chủ đề “Việt Nam - Quê hương tôi” được các thầy, cô giáo biểu diễn tại Lễ khai mạc Ngày hội giao lưu “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” do Phòng GD-ĐT quận Cẩm Lệ tổ chức trước thềm năm học mới và đón chào những ngày lễ lớn của đất nước.
Trong 2 ngày 27 và 28-8, hơn một nghìn cán bộ, giáo viên, học sinh đến từ 22 trường học từ mầm non đến THCS trên địa bàn quận đã tham gia một chuỗi hoạt động rất phong phú. Cán bộ, giáo viên, nhân viên có cơ hội trổ tài tại các phần thi đấu cầu lông, đá bóng vào cầu môn, đôi nhảy đẹp, giao lưu văn nghệ, thi cắm hoa, xếp quả, trang trí bánh truyền thống. Nếu phần thi Aerobic, Vui học tiếng Anh là của học sinh tiểu học và THCS, thì phần thi “Chợ quê” giao lưu ẩm thực chỉ dành riêng cho giáo viên các trường mầm non.
Sôi nổi, hào hứng, hấp dẫn cho đến phút cuối cùng là hai phần thi dựa theo hình thức “Rung chuông vàng” trên Đài Truyền hình Việt Nam: Kiến thức văn hóa, lịch sử, địa lý, một số kỹ năng sống dành cho học sinh THCS và “Trạng nguyên nhỏ tuổi” dành cho học sinh tiểu học. Cô Ngô Thị Từ Sinh, giáo viên Trường tiểu học Trần Đại Nghĩa (phường Hòa Xuân) chia sẻ: “Trường có một em lần lượt vượt qua được “thi Hương” rồi “thi Hội”. Vào “thi Đình”, gặp câu hỏi về bài thơ Bác Hồ tặng thanh niên gần 60 năm trước, em trả lời “Không có việc gì khó. Chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển. Cố gắng ắt làm nên”. Rất tiếc, em đã nhầm quyết chí thành cố gắng và bị loại ngay từ câu hỏi đầu tiên”. Cô Sinh cho biết thêm, cả giáo viên lẫn học sinh đều rất thích phần thi này, nó không chỉ giúp cho thế hệ hôm nay hiểu biết ít nhiều về chế độ thi cử ngày xưa mà còn cung cấp cho học sinh nhiều kiến thức về tự nhiên, xã hội, phát huy tính mạnh dạn, sự phán đoán, lòng tự tin, nhất là tính tự giác, biết mình sai là vui vẻ ra ngoài ngay.
Mỗi trường dựng một lều trại và trưng bày những sản phẩm “đinh” của trường mình, phần lớn là đồ dùng dạy học của giáo viên, vở sạch chữ đẹp của học sinh. Ở lều của Trường tiểu học Ông Ích Đường (phường Hòa Thọ Tây), những trang viết của học sinh được đính trên bề mặt những khối chữ nhật trông như những chiếc đèn lồng rất xinh xắn. Khách đến tham quan, đọc những dòng chữ nắn nót càng cảm thấy nỗ lực của thầy và trò ẩn giấu đâu đó, như em Nguyễn Thị Thanh Thúy lớp 1/3 chép bài thơ “Quà của bố”: Bố em là bộ đội. Ở tận vùng đảo xa. Chưa lần nào về phép. Mà luôn luôn có quà…
Đến giờ thi trò chơi dân gian, không khí hội hè mới thực sự được khuấy động. Nơi này, học sinh Trường tiểu học Trần Đại Nghĩa áo bà ba, chơi trò “Gánh lúa qua cầu” trên nền khúc hát “Gánh gánh gồng gồng, gánh sông gánh núi”, chiếc cầu khỉ chênh vênh, các em ngã lên ngã xuống. Chỗ kia, học sinh Trường THCS Trần Quý Cáp (phường Khuê Trung) trong trang phục cô gái Việt Bắc và chàng trai bộ đội chơi trò “Múa sạp”, níu kéo khán giả bằng thanh âm những chiếc gậy tre quen thuộc... Thoáng chốc, không gian văn hóa làng quê xưa được tái hiện, quan khách, phụ huynh cũng chan hòa trong niềm vui chung của ngày hội.
Ông Hoàng Cầm, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Cẩm Lệ cho biết: 5 năm qua, ngành GD-ĐT quận Cẩm Lệ đã đạt chất lượng giáo dục toàn diện từ bậc học mầm non đến tiểu học và THCS. Ngày hội đã cung cấp cho học sinh các trường nhiều thông tin thú vị và bổ ích, là động lực thúc đẩy các nhà giáo tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy, giáo dục với tấm lòng nhân văn, tất cả vì học sinh thân yêu, vì sự tiến bộ không ngừng của nhà trường.
Hướng về nhân văn, các thành viên tham gia ngày hội đã đến viếng hương nghĩa sĩ tại Nghĩa trủng Hòa Vang, chương trình văn nghệ khai mạc đã đi từ “Trống dội ngàn non chấn địa cầu” của Tây Sơn năm nào, đến ngợi ca “Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui” và hướng đến 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội “Từ thuở mang gươm đi mở cõi. Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long”. Ngày hội đã khép lại, nhưng lòng người thì mở ra muôn điều ước vọng trong chặng đường phía trước…
VIÊN PHÚC QUÂN