Nhà nghiên cứu Trần Mạnh Thưởng đã có lý khi cho rằng: “Hà Nội ba mươi sáu phố phường là một thiên tùy bút có một không hai, và Thạch Lam đã trở thành một nhà chép sử đặc biệt cho Thăng Long văn vật.
Nhưng đó không phải là lịch sử của những lớp sóng hưng phế qua các triều đại, mà đó là lịch sử “cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của nhân dân thành thị, với tất cả những phong tục, tập quán, với tất cả những nhân vật kỳ khôi, với tất cả những cái vui, cái buồn, cái tức, cái giận nho nhỏ sống trong xó tối, không tên, không tuổi, không tiếng tăm lưu lại đời sau” (Các tác giả văn chương Việt Nam, Nxb Văn hóa thông tin, 2008, Tập 2, trang 2.274). Một nhận định hết sức xác đáng về thiên tùy bút đặc sắc và tài hoa của Thạch Lam.
Nhưng tôi xin được không đồng ý với cái ý nhỏ cuối câu, khi Trần Mạnh Thường cho rằng cái “lịch sử” (hiện thực đời sống) mà Thạch Lam miêu tả không tên, không tuổi, không tiếng tăm lưu lại cho đời sau! Hà Nội ngày nay tuy đã tăng lên đến hàng ngàn phố phường, nhưng vẫn còn các phố xưa với ít nhiều dáng cũ, hay ít ra cũng qua chính thiên tùy bút đặc sắc của Thạch Lam đã lưu lại cho đời sau “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo”, để những kẻ hậu sinh như tôi, đọc lại Thạch Lam với tâm thế ngưỡng vọng ngước nhìn.
Hà Nội ba mươi sáu phố phường được Thạch Lam viết và công bố từng bài trên báo Ngày nay khi ông còn làm chủ nhiệm, chủ bút báo này, được in thành sách năm 1943 sau khi ông đã qua đời hơn một năm. Do vậy, có thể nói đây là tác phẩm cuối cùng của Thạch Lam. Thạch Lam từng quan niệm rằng “Xét cho cùng ở đời ai cũng khổ, người khổ cách này, người khổ cách khác. Bí quyết là tìm lấy cái vui ở trong cái khổ, vì sống, chỉ sống thôi, cũng đã quý lắm rồi. Người ta không bao giờ nên phí phạm cái sống” (dẫn theo Vũ Bằng, Mười bốn gương mặt nhà văn đồng nghiệp, Nxb Hội Nhà văn, 2004, trang 284). Quý trọng sự sống, từng giây phút sống, nên Thạch Lam đi nhiều, viết nhiều. Sự tích lũy vốn sống cả một đời văn đi khắp ba mươi sáu phố phương, với một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, ông cảm nhận thật đầy đủ những gì đáng quý của sự sống.
Đọc văn, tôi hình dung ra ông chắt chiu từng chén nước chè nóng trang trọng đưa lên miệng uống một cách gần như thành kính, cẩn trọng từng câu nói với cô bán hàng vì sợ lỡ lời, có câu gì không chu đáo có thể làm người ta tủi thân mà buồn... Những phố xưa của đất kinh kỳ Tràng An hiện ra qua ngòi bút của ông cho đến nay vẫn còn sống động, với nhà cửa, hàng quán, và đặc biệt với tình người ấm áp: Em bé bán báo, cô hàng nước, người kéo xe nhễ nhại mồ hôi... Những tên phố đặc trưng của một Hà Nội cổ kính đài các, bắt đầu bằng chữ “hàng”: Hàng Bột, Hàng Đường, Hàng Da, Hàng Bè, Hàng Thiếc, Hàng Vôi... Những cái tên gắn liền với các mặt hàng, không trộn lẫn với bất kỳ thành phố nào khác và cũng không dễ dàng quên lãng trong tâm tưởng mỗi người.
Càng đọc văn ông tôi càng nhận ra rằng chỉ riêng tập tùy bút này thôi, cũng đã thể hiện tấm lòng sâu nặng với Hà Nội, với phong vị của quê hương đất nước và thái độ nâng niu, trân trọng đối với giá trị văn hóa dân tộc, thông qua một lối hành văn giản dị mà mượt mà, tài hoa mà tinh tế. Vũ Bằng đã từng cho rằng “Nghĩ lại thì trong suốt cuộc đời anh, cái gì cũng nhẹ nhàng: Nhẹ nhàng từ cử chỉ, từ tiếng nói, nhẹ nhàng từ câu nói, từ bước đi. Cũng như các nhân vật của anh, Thạch Lam sống nhẹ nhàng, lặng lẽ, bây giờ ai còn nhớ anh, hẳn phải nhận với tôi rằng anh đi nhẹ nhàng, lặng lẽ, lặng lẽ không tưởng được, dường như bước mạnh thì sợ đất nó đau.” (sđd, trang 289-290). Người đã vậy, thì văn chương cũng nhẹ nhàng, tinh tế, đầy sắc thái biểu cảm là lẽ đương nhiên.
Không phải chỉ mỗi Thạch Lam viết về phố phường Hà Nội. Trong nền văn học hiện đại Việt Nam có hàng chục nhà văn đã soi tỏ phố phường Hà Nội vào trang văn sống động của mình như Vũ Bằng, Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Băng Sơn... đặc biệt là Nguyễn Bính đã có một bài thơ có tiêu đề trùng với tập bút ký của Thạch Lam:
Hà Nội ba mươi sáu phố phường
Lòng chàng có để một tơ vương
Chàng qua chiều ấy qua chiều khác
Góp lại đường đi vạn dặm đường
...
Ngày nay phố phường Hà Nội đã tăng lên gấp bao nhiêu lần và cách đặt tên cũng theo cách phổ biến của cả nước là tên người, tên địa danh, tên sự kiện lịch sử. Và, ngay cả số phố có chữ “hàng” cũng đã tăng lên rất nhiều. Nhưng theo tôi cần phải trả lại một tên đường đã có từ ngàn xưa, đó là phố Hàng Bột (nay đã đổi thành Tôn Đức Thắng), không thể để có những ngõ Hàng Bột mà không có phố Hàng Bột. Đồng thời, một người có công lao như Chủ tịch Tôn Đức Thắng cần phải có một con đường dài rộng hơn để đặt tên. Bên cạnh đó cũng cần khôi phục lại tên cho đường Cổ Ngư (nay đã đổi thành đường Thanh Niên). Có những tên phố, tên làng đã trở thành văn hóa Hà Nội Thăng Long, mất nó đi như là sự hao hụt về văn hóa, mà con cháu ta sau này sẽ bị bé lại, sẽ nghèo nàn đi trong đời sống tinh thần, bởi chẳng còn gì để ngưỡng vọng, ngước nhìn.
Phạm Phú Phong