.

Rùa tai đỏ có ở khắp nơi

.

Nghe chuyện 40 tấn rùa tai đỏ vừa nhập khẩu vào Việt Nam và đã bị cấm kinh doanh, tôi vội đến tận khu bảo tồn rùa của Việt Nam ở vườn quốc gia Cúc Phương để nhìn tận mắt thứ rùa “sát thủ” được nhiều tổ chức bảo tồn thiên nhiên xếp hàng đầu trong số 100 động vật nguy hiểm hàng đầu với môi trường sinh thái trên thế giới.

Mô tả ảnh.

Trong khu “trại rùa” được bảo vệ rất chặt chẽ này có một góc nhỏ, trong góc này có một bể xi-măng đầy nước, nhấp nhô đá non bộ. Trong bể xi-măng, có những chú rùa tai đỏ hoặc đang bám hờ vào những hòn đá non bộ, hoặc nổi lơ lửng trên mặt nước. Nếu không nhìn phần cổ và đầu có những sọc đen trắng và mảng da màu đỏ ở hai bên tai thì rất khó phân biệt rùa tai đỏ và rùa thường. Thế mà giống rùa này nếu lọt ra thiên nhiên có thể ăn bất cứ tôm cá, động vật và cả thực vật thủy sinh nào chúng gặp với sự phàm ăn kinh khủng. Đã thế, chúng lại sinh sản rất nhanh, như ốc bươu vàng vậy, rất khó tiêu diệt. Nhiều tài liệu cho hay, rùa tai đỏ còn mang siêu vi trùng bệnh thương hàn.

Mang nỗi kinh sợ rùa tai đỏ về Hà Nội, tôi vội kể chuyện này với mấy người hàng xóm. Trái với mong đợi được nhìn thấy những gương mặt ngạc nhiên và hoảng hốt, mấy người bạn thân nghe tôi kể với thái độ dửng dưng. Một người trong số đó thủng thẳng bảo: Tưởng gì, rùa tai đỏ thì hồ Hoàn Kiếm đầy ra, hàng trăm con, bắt bao nhiêu chẳng được. Muốn mua thì ra chợ. Ở Hà Nội, chợ nào cũng có bán rùa tai đỏ.

Nửa tin nửa ngờ, tôi mang thông tin này đi hỏi nhiều nơi. Những nhà chuyên môn về rùa thì tỏ ra thận trọng, không chính thức thừa nhận (nếu không, báo chí hỏi bằng chứng đâu thì rất phiền phức!) nhưng những người chơi cá cảnh, những bà hay lên chùa, hay làm lễ phóng sinh, cả những người kinh doanh cá, rùa ở các chợ Đồng Xuân, chợ Mơ, chợ Cầu Mới, chợ cây cá cảnh Hoàng Hoa Thám… đều khẳng định họ không lạ gì giống rùa này. Báo chí cũng lên tiếng từ mấy tháng nay.

Hóa ra, không chỉ Hà Nội mà các địa phương như An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, tóm lại là hầu khắp đồng bằng sông Cửu Long đang tới tấp phát hiện rùa tai đỏ có nguy cơ bị lọt ra ngoài tự nhiên. Tỉnh Sóc Trăng đang triển khai đợt kiểm tra rùa tai đỏ ở các chợ. Ao nuôi rùa tai đỏ ở Vĩnh Long đã phát hiện trứng loại rùa này và không ai dám chắc các chợ ở Cần Thơ, Đà Nẵng, Nha Trang, Hải Phòng… “sạch” rùa tai đỏ. Vậy là thêm một động vật được nhập vào Việt Nam có nhiều căn cứ nghi ngờ có thể mang đến nguy cơ cho chính sinh thái Việt Nam sau những lần dư luận xôn xao trước các loại động vật như sâu làm thức ăn cho chim cảnh, hải ly, ốc bươu vàng đã được nhập khẩu. Không chỉ động vật, nhiều loại thực vật như cây mai dương, dây bìm bìm đang trở thành mối nguy ở nhiều tỉnh miền Trung và Nam Bộ.

Chúng ta đã từng biết đến mối nguy hiểm của ốc bươu vàng như thế nào khi chúng lọt ra ngoài tự nhiên bắt đầu từ việc một công ty đã nhập về Việt Nam một giống ốc của Pháp thịt ngon, sinh đẻ nhanh, ít kén thức ăn như rùa tai đỏ hiện nay. Từ thực tế này, cần có một đợt kiểm tra và xử lý nghiêm trên phạm vi cả nước việc buôn bán, vận chuyển, nuôi rùa tai đỏ để tránh một tai họa tương tự như dịch ốc bươu vàng, dịch cây mai dương, dịch dây bìm bìm… đã từng xảy ra ở đây đó.

Phạm Vũ

;
.
.
.
.
.