.

Thơ Lê Văn Ngăn

Lê Văn Ngăn sinh năm 1944 ở Thừa Thiên-Huế. Đã và đang sống ở Quy Nhơn. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Thơ đã in từ những năm 60. Đã xuất bản: Vào một thời im bóng (1973), Viết dưới bóng quê nhà (2008).

Bốn mươi năm, sau thời điểm những bài thơ đã ghi dấu ấn thật đậm trong dòng văn học yêu nước tại các đô thị miền Nam trước năm 1975 như Đất của những người bất phục, Sóng vẫn đập vào eo biển…, thơ Lê Văn Ngăn đã đạt đến sự giản dị của những lời nói hằng ngày, mô tả những vẻ đẹp bình thường của đời sống. Cả những khuất tất trong tâm thế của cộng đồng cũng được diễn đạt một cách đau đớn mà bình tĩnh, đầy trách nhiệm công dân. Những lời nói bình thường ấy của thi sĩ lay động trái tim người đọc bằng một bản lĩnh thơ rất hiện đại, với một thi pháp riêng mà không phải nhà thơ nào cũng có được.

(Nguyễn Đông Nhật chọn và giới thiệu)

Một vài câu hỏi bình thường

Các nhà thơ luôn có chữ ký dưới tác phẩm của mình; còn các anh những người cũng tạo ra sự sống, các anh chưa bao giờ ký tên dưới hạt lúa, những bông hoa mới nở.

Các nhà thơ có chân dung và tiểu sử trong các tập sách; còn các anh, những người tạo ra nguồn rung động cho người nghệ sĩ, các anh chỉ lặng lẽ ra đời, lặng lẽ làm việc.

Và cuối cùng lặng lẽ hóa thân vào đời con cái mình.

Hay các anh cần đến một điều gì cao hơn tên tuổi?

Hay sự lặng lẽ đem niềm vui đến cho những người thân yêu thì đẹp hơn tất cả mọi điều?

Dự cảm

Cuộc đời anh

rồi cũng như nước ở dòng sông quê nhà

Nước trôi qua những đô thị những cánh đồng

và cuối cùng hòa tan vào biển.

Nước từ biển sẽ hóa thân thành giọt mưa đêm

nhẹ nhàng rơi ngoài mái hiên nhà người bạn cũ

nhẹ nhàng rơi trên những mối tình

Quê nhà mặt đất, nơi các dòng sông đã trải

                              qua những thời nước pha lẫn máu

Nhưng sao lòng người vẫn không nguôi nhớ nhung.

 Cuộc đời anh

rồi cũng ngắn ngủi như lời khẳng định

khẳng định quê nhà đã cho anh mọi điều, ngay cả những dòng

           chữ đã theo anh từ thuở thanh niên đến buổi xế chiều.

 Có thể đến một ngày em đọc những dòng chữ này

 Mấy mươi năm trước, em xinh đẹp như đóa phù dung trước mùa gió bão

và nhan sắc em đã vây bọc chúng ta trong một thế giới ảo ảnh êm đềm

Qua đôi mắt em đắm say

tôi chỉ thấy một nền trời ngày mai yên tĩnh.

Nhưng nền trời trên mái nhà hôn phối

đã bắt đầu những dấu hiệu không yên tĩnh

bắt đầu tiếng khóc của trẻ thơ chào đời

những tro tàn và bếp lửa

Đồng tiền, sự vật bấy lâu nay ẩn mình phía sau ảo ảnh

chợt đến xé rách tình yêu lứa đôi thành hai mảnh

và từ đôi bờ xa tắp của một vết thương

chúng ta ngước nhìn nhau nhưng không nhìn rõ mặt.

Ngày ấy, em còn nhớ không, nếu không cùng một nỗi lo toan về con cái

có lẽ chúng ta đã mỗi người mỗi ngả

và vết thương

khó lòng được hàn gắn lại dần dần.

Cuộc đời đã lạnh lùng chứng nghiệm một sự thật rõ ràng

Hàn gắn hai mảnh vỡ của vẻ đẹp

không thể nào bằng vẻ đẹp

Nhưng đêm đêm, hình dung con cái đang bước xa dần về phía ngày mai

tôi vẫn tự nhủ thầm:

hàn gắn lại vẫn hơn tan vỡ

hàn gắn lại để trẻ thơ không nhìn thấy những vết thương thuở đầu đời.

Thơ tặng chị Ba ở Phan Rang

Phan Rang năm ấy, có lẽ chị Ba không còn nhớ nữa

nhưng tôi, kẻ từng chịu ơn chị, tôi không thể nào quên quá khứ.

Năm ấy, tôi đến từ phương xa

không giấy tờ, không người quen, không nhà không cửa

và tương lai tôi

tương lai ở trong tay những kẻ bố ráp bắt người đi đánh thuê cho quân xâm lược

tương lai buồn tênh như con đường bụi khô ngoài quán cà phê chiều hôm gió cuốn.

Có thể tôi đã rơi vào bước đường cùng

nếu không tình cờ gặp chị

Dưới rặng me già, bên chiếc xe những ổ bánh mì lặng im

chị ngồi trông khách đến

Và chiều hôm ấy

kẻ lỡ bước được chị mướn về nhà dạy kèm con cái chị học hành.

Từ đấy, tôi biết thế nào là hạnh phúc khi được sống dưới mái nhà

được chiếc bàn bên khoảng trời xanh khung cửa sổ

được ăn cơm mỗi ngày hai bữa

được uống vị dịu dàng trong đôi mắt chị dịu dàng.

Cuộc bố ráp và sự chết

có thể đẩy tung cánh cửa vào đây bất cứ lúc nào

Nhưng trước thời khắc đó, tôi vẫn còn một ít ngày tháng êm đềm

tâm hồn không lạnh lẽo.

Bây giờ chị còn sống không chị Ba

Bao nhiêu năm, dù chưa trở lại mái nhà xưa

tôi vẫn nhìn thấy chị mỗi ngày qua những người lao động bình thường

Những người lao động bình thường ấy

không bao giờ tầm thường trong đôi mắt nhìn đời.

L.V.N

;
.
.
.
.
.