Trong lịch sử loài người, có những áng hùng văn - minh văn mà các thế hệ sau này đọc mãi vẫn chưa thể hiểu hết giá trị của chúng. Tuyên ngôn Độc lập (TNĐL) do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945 là một trong những văn kiện có ý nghĩa sâu sắc đến muôn đời.
Chỉ có 1.014 chữ nhưng chất chứa nồng nàn tinh thần tự hào và ý chí quyết tâm dân tộc Việt Nam như muốn nhắn nhủ rằng đây là thành quả phi thường của 1.000 năm bị nô lệ, 1.000 năm độc lập của dân tộc Việt Nam - vừa bị thực dân Pháp, phát xít Nhật tước đoạt sau hơn 100 năm.
Bản TNĐL được mở đầu bằng đoạn văn mở đầu của TNĐL của dân tộc Mỹ - đang đấu tranh giành độc lập (4-7-1776). Xét về nghĩa tương phản logic thì đoạn văn kết thúc và đoạn văn mở đầu tạo nên một cấu trúc đôi đặc biệt hoàn chỉnh: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền đó có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Đọc đoạn văn: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập”, ta càng thấy rõ đây là một minh chứng hiển hiện nữa của tinh thần và tầm vóc kiệt xuất của Tư tưởng Hồ Chí Minh. Là một bản hùng văn viết về độc lập nhưng Hồ Chủ tịch khẳng định hai chữ tự do trước khi nói đến độc lập. Đó cũng là quan hệ đồng hành biện chứng của hai giá trị này; trong đó tự do phải là nền tảng. Nền tự do mà dân tộc ta đã giành được sau cả trăm năm gian khổ nhất định phải là nền tự do, dân chủ thực sự, triệt để. Vế đầu của đoạn văn trên là bổ đề cơ bản, trực tiếp cho tự do và độc lập ở vế tiếp theo để mỗi người dân, mỗi lần đọc lại, đều thấy thấm thía hơn cái giá của tự do và độc lập là không thể nào tính nổi và, càng hiểu hơn từ ý nghĩa đổi đời - vĩ đại của Cách mạng mùa Thu năm 1945.
Câu kết thúc bản Tuyên ngôn giống như một lời tiên tri của hôm nay: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”(!) Quả thực, đất nước đã được thống nhất 35 năm nhưng kẻ thù các loại vẫn tiếp tục dòm ngó - vẫn muốn “một lần nữa” biến dân ta thành nô lệ, xâm phạm bờ cõi của sơn hà xã tắc do Tổ tiên ta để lại. Rõ ràng, khi viết câu đó để kết thúc bản TNĐL, Hồ Chủ tịch đã nhắn nhủ với cả dân tộc Việt Nam rằng đó là chân lý bất tử, là khát vọng của muôn đời, là hồn Việt, ý thức Việt, là sức mạnh cơ bản của tinh thần Việt. Tính đầy đủ, minh triết của chân lý đó là điều không một người dân Việt Nam nào được phép quên!
Nếu tiếp tục đọc - hiểu theo mạch văn trên sẽ thấy ý nhấn mạnh đặc biệt hơn từ trích dẫn về Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1789: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi. Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”. Đọc câu trên sẽ thấy rõ những bất công, sự không bình đẳng về quyền lợi ở một số nơi trên cả nước là những lỗi lầm khó chấp nhận khi chúng ta học tập tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh.
65 năm đã trôi qua kể từ khi bản TNĐL bất hủ được vang lên từ Hà Nội, trái tim ngàn năm của cả nước. Thế nhưng, càng đọc và càng suy ngẫm, càng thấy thấm thía hơn cái chân lý diệu kỳ kết tinh từ hàng ngàn năm anh dũng và gian khổ của dân tộc Việt Nam. Hiểu và nghĩ để hành động đúng với tư tưởng đó là điều mà chúng ta còn phải phấn đấu dài lâu, để cho đất nước phát triển theo tinh thần Tự do - Độc lập mà bản TNĐL soi rọi, chỉ đường.
Hà Văn Thịnh