.

1.000 Ca khúc Thăng Long-Hà Nội

.
Chính trong lúc tham gia làm dự án “Ca khúc Hà Nội thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI” và Tổng tập “Âm nhạc Hà Nội 1.000 năm qua”, Nguyễn Thụy Kha và các nhạc sĩ Dương Viết Á, Vũ Nhật Thăng, Đặng Hoành Loan chợt nảy ra ý định tại sao không chọn 1.000 ca khúc Thăng Long - Hà Nội thành một tập sách dày dặn và bề thế? Và cuối cùng, Nguyễn Thụy Kha được mọi người giao làm cái công việc “tưởng chừng không làm nổi này”. Sự thống nhất ấy diễn ra vào mùa thu năm 2008.

Mô tả ảnh.
Tác giả Nguyễn Thụy Kha.
Nhân dịp 1.000 ca khúc Thăng Long-Hà Nội được ra mắt, ĐNCT xin giới thiệu bài viết của người đã tuyển chọn và biên soạn tập sách này.

Thực ra từ ngay sau ngày thống nhất, tôi đã có thú sưu tầm ca khúc Việt Nam, trong đó có ca khúc Hà Nội. Hết lần mò các sạp sách vỉa hè Sài Gòn, lại đến lục tìm các tủ sách bạn bè Hà Nội. Khi được tín nhiệm giao nhiệm vụ tuyển chọn 1.000 ca khúc, tôi đã thoáng nghĩ trong đầu: “Đây sẽ là một toàn cảnh âm nhạc về Hà Nội từ đầu Tân Nhạc đến nay (ngót một thế kỷ)”. Nhưng tuyển chọn được thì sắp xếp theo kiểu gì? Nhạc sĩ Dương Viết Á đầy kinh nghiệm “trận mạc” đưa ra tiêu chí sẽ sắp xếp 1.000 bài theo 4 phần: Sử ca, Hùng ca, Hoan ca và Tình ca. Ba phần trên đầu sắp xếp theo thời gian lịch sử đất nước, còn phần “Tình ca” thì sắp xếp theo lịch sử Tân Nhạc với những điểm nhấn là những chùm ca khúc của các tác giả viết nhiều về Hà Nội.

Nghe vậy đã thấy nằng nặng rồi đấy, nhưng khi bắt tay vào tuyển chọn, tôi chợt nhận ra thiếu một mảng rất quan trọng là mảng các ca khúc thiếu nhi hát về Hà Nội. Tôi thông tin ngay cho “Thầy Á” và ngay tức khắc, phần thứ 5: “Nhi ca” được xác nhận trong tuyển tập. Cứ nghĩ thế là “OK” nhưng khi tuyển chọn tiếp, tôi mới phát hiện ra một điều rằng các ca khúc viết về bốn mùa Hà Nội cực hay và không thể xếp lẫn vào phần nào được, vậy là phần thứ 6: “Mùa ca” được chính thức khai sinh. Như vậy cấu trúc của tuyển tập sẽ gồm 6 phần, tức là “lục phố”, tức là “6 kho tàng âm thanh Hà Nội”. Nghĩ được tới cấu trúc này, đã muốn mừng phát khóc.

Có lẽ trên trái đất này, không có thủ đô của quốc gia nào lại có nhiều ca khúc như Hà Nội. Nói đến “Sử ca” là phải nhắc tới “Dời đô” của Nguyễn Tiến, phỏng theo chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ, ca khúc đã đoạt giải nhất giải thưởng hằng năm của Hội Nhạc sĩ Việt Nam 2009, “Hội nghị Diên Hồng” (thời Trần) của Lưu Hữu Phước, “Thăng Long hành khúc ca” (thời Lê) của Văn Cao... và chợt sừng sững sau ca khúc Tổng khởi nghĩa “19 tháng 8” của Xuân Oanh là “Người Hà Nội” vừa hoành tráng vừa hùng tráng của Nguyễn Đình Thi...

Nói đến “Hùng ca” thì cũng không thể nào quên những “Du kích sông Thao” của Đỗ Nhuận, “Trên đường Hà Nội” của Hồ Bắc, “Hà Nội - những đêm không ngủ” của Phạm Tuyên... Những ca khúc “Sử ca”, “Hùng ca” cứ dạt dào trước bàn làm việc của tôi khi tuyển chọn, ngỡ như chính mình đang sống trong, đang đắm chìm giữa những sự kiện, giữa ngùn ngụt lửa khói ngày ấy.

Ở phần “Hoan ca”, được chia làm 5 phần nhỏ. Tất cả những ca khúc nào ca ngợi Hà Nội mà có đầu đề bắt đầu là từ: “Hà Nội” thì được xếp theo thời gian xuất hiện và đặt trong phần gọi là “Hà Nội ca”. Lại da diết những “Hà Nội mùa chim én” của Huy Cường, “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa” của Trương Quý Hải... Tất cả những ca khúc nào ca ngợi Hà Nội mà trong tiêu đề, chữ “Hà Nội” nằm sau thì được đặt vào phần “Ca Hà Nội”. Thật thiết tha như vọng lên “Nhớ về Hà Nội” của Hoàng Hiệp, “Mãi mãi tuổi thơ tôi Hà Nội” của Nguyễn Cường... Sau đó là “Hà Nội sông”, “Hà Nội hồ”, và phần sau chót là phần “Hà Nội phố”...

Phần “Mùa ca” có lẽ là phần đặc biệt Hà Nội. Chạm vào thiên nhiên là thấy mình bị hòa tan, bị cuốn theo những “Hạt mưa mùa xuân” của Trương Ngọc Ninh, “Thì thầm mùa xuân” của Ngọc Châu... Rồi cứ thế cuốn theo “Lời chào mùa hạ” của Nguyễn Cường... để rồi ngơ ngẩn không tìm được lối về giữa tràn trề âm điệu mùa thu Hà Nội như “Nhớ mùa thu Hà Nội” của Trịnh Công Sơn, “Hà Nội mùa thu” của Vũ Thanh... rồi khẽ kéo vạt áo trong chớm lạnh đông khi thả mình trong “Đêm đông” của Nguyễn Văn Thương, để nghe “Gió mùa về” của Lê Minh Sơn, trong “Những mùa đông yêu dấu” của Đỗ Bảo.

Những tình ca Hà Nội lúc nào cũng thật nồng nàn, thật say đắm. Nào ai biết “Tình ca” của Hoàng Việt đã được ông thực hiện tại căn gác phố Cao Bá Quát giữa mùa xuân 1957. Cũng ở phố ấy, mùa xuân năm 1956, Đoàn Chuẩn viết “Gửi người em gái miền Nam”. Ai mà không trào lên giữa cơn lũ giai điệu Phú Quang với “Em ơi Hà Nội phố” (thơ Phan Vũ), “Im lặng đêm Hà Nội” (thơ Phạm Thị Ngọc Liên)... và ngẩn ngơ trong “Hoa sữa” của Hồng Đăng.

Phần “Nhi ca” được sắp xếp thứ tự theo lịch sử đất nước ở nửa đầu, rồi đến thứ tự mùa và cuối cùng là “hoan ca” của thiếu nhi. Không chỉ trẻ con mà người lớn cũng có thể thả mình hồi nhớ về thời thơ dại mà mình mãi mãi không bao giờ với tay trở lại được.

Đầu năm 2010, tôi bàn giao cho Nhà Xuất bản Âm nhạc tuyển tập này. Ban lãnh đạo rất cảm động nhưng bàn ngay với tôi về việc “xã hội hóa việc in ấn tuyển tập”. Tôi quyết định tự mình cùng bạn bè sẽ là “bà đỡ” cho “đứa con tinh thần này”. Tuyển tập với độ dày gần 2.000 trang được in 1.000 cuốn có đánh số, sẽ là 1.000 bậc đá bằng âm thanh bước lên Đại lễ.

Để tuyển tập ra đời đúng dịp Đại lễ, những cộng sự vô cùng vất vả với tôi phải kể đến nhạc sĩ Văn Tiến. Anh cứ thầm lặng thực hiện công việc biên tập, đối chiếu đến nỗi mắc cả chứng đau mắt. Bên cạnh đấy là nhóm kẻ nhạc do ông Trường chủ trì miệt mài bao ngày đêm. Nhưng rồi mọi gian truân, vất vả cũng qua hết. Và bây giờ, bạn có thể nhẹ nhõm nâng trên tay cuốn sách nặng trọng lượng, nặng tình của những người làm ra câu chuyện này.

Nguyễn Thụy Kha
;
.
.
.
.
.