.

1.000 năm và cổ vật

.
Lớn lên ở Hà Nội, hiện sống ở Sài Gòn, dành một nửa thời gian trong năm cho Đà Nẵng, con người say mê cổ vật này đang trưng bày một trong những bộ sưu tập ưng ý nhất của mình tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.

Bỗng dưng... mê cổ vật

Mô tả ảnh.
Trống đồng Đông Sơn là đặc trưng của văn minh thời đại kim khí.
Nhà sưu tập Hoàng Tiến Dũng nguyên là người nghiên cứu sản xuất vật liệu xây dựng ở Viện Cơ học, biết đến cổ vật đầu tiên và sở hữu nó từ 20 năm trước, tập trung vào sưu tập 15 năm nay.

Có lần anh đến thăm Khu du lịch Nha Trang và bất ngờ trước gian trưng bày cổ vật người Việt do một người Pháp đứng ra tổ chức, tuy đơn sơ nhưng để lại trong anh ấn tượng rất mạnh. Tại sao người nước ngoài đến chỗ mình làm du lịch, trưng bày cổ vật nước mình, mình là người trong nước chẳng lẽ không làm được điều đó? Nghĩ thế, anh càng say sưa lao vào sưu tập cổ vật. Anh đang làm du lịch nên rất thuận lợi trong việc sưu tập và trưng bày cổ vật, bởi thực tế cho thấy, một trong những đầu tư du lịch đúng hướng và hiệu quả là đưa văn hóa vào du lịch.

Có lần anh thấy trong nhà một người bạn ở Hà Nội có cái hũ vỡ một góc, bên trong toàn tiền xu. Bạn bảo người xưa cất tiền vô hũ chôn xuống đất, trăm năm sau hậu thế đào lên mà chơi, ngẫm lại, cái việc “để của” thật là vô nghĩa. Nếu tiền đem vào lưu thông để thúc đẩy kinh tế hoặc giúp đỡ người nghèo thì có lẽ có ý nghĩa hơn. Với anh, đó là một bài học. Nhưng, nói đi rồi nói lại, giá như người xưa đem tiền đi lưu hành thì làm gì có cái cho người ngày nay đi sưu tập?

“Từ truyền thống Đông Sơn đến văn minh Đại Việt”

Mô tả ảnh.
Nhà sưu tập Hoàng Tiến Dũng (áo sẫm): Tôi chọn Đà Nẵng để trưng bày lần này vì đã gắn bó với nơi này 20 năm rồi.
Chiều ngày 24-9 vừa rồi, gần một nghìn cổ vật của anh trong bộ sưu tập điển hình chủ đề “Từ truyền thống Đông Sơn đến văn minh Đại Việt” đã được trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Trong đó, cổ vật văn hóa Đông Sơn nhiều hơn với đỉnh cao là trống đồng - đặc trưng của văn minh thời đại kim khí. Trong sưu tập có vòng đeo tay chiến binh đồng, chuông, rìu, lục lạc... và một thanh kiếm bằng sắt nhưng được xếp vô dòng Đông Sơn vì có cái khoen bằng đồng.

Khách tham quan có thể tìm thấy ở đây những hiện vật về Hoàng thành Thăng Long như đầu Rồng đất nung thời Lý, đầu Phượng đất nung thời Trần, gạch Hoàng thành; kiệu, ngai vàng, tượng thờ, tranh thờ... trong bộ sưu tập sơn son thếp vàng triều Nguyễn. Nhiều người không giấu được ngạc nhiên khi thấy có cả những bộ sưu tập đầy đủ và độc đáo về bình vôi thế kỷ XVII-XVIII hay tiền xu thế kỷ XV-XVII…

“Qua trưng bày lần này - anh cho biết, tôi muốn gửi lời chào mừng trân trọng đến Đại hội lần thứ XX Đảng bộ thành phố Đà Nẵng và Đại lễ “Nghìn năm Thăng Long – Hà Nội”. Nói về đậm đặc chất cổ vật thì bộ sưu tập này chưa phải sâu sắc – nhưng ở Đà Nẵng thì nó là điểm nhấn. Tôi biết Đà Nẵng có nhiều nhà sưu tập cá nhân nhưng chưa thấy ai trưng bày theo chủ đề lịch sử hay dòng văn hóa như trưng bày của tôi lần này. Cổ vật tương đối kén về người xem, nó cần một vốn hiểu biết kha khá về lịch sử, về văn hóa, mới có cảm nhận tốt”.

Sau khi kết thúc trưng bày vào ngày 31-12 năm nay, anh sẽ mang tất cả về Khu du lịch Xuân Thiều, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Và những ai chưa xem qua và muốn xem lại bộ sưu tập cổ vật ưng ý của anh vẫn còn cơ hội phía trước.

Mô tả ảnh.
Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng VÕ VĂN THẮNG: Những trưng bày làm mới bảo tàng

Bên cạnh những trưng bày có tính ổn định, dài hạn, bảo tàng nào cũng cần có những trưng bày chuyên đề, ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn, nghiên cứu của công chúng; chưa kể những trưng bày ngắn hạn này lại là cách tự làm mới, tăng thêm cái duyên của các bảo tàng.

Bảo tàng Điêu khắc Chăm luôn có những sắc thái mới, kể cả những phòng trưng bày hiện vật cũ cũng có sự dịch chuyển, khai thác nghệ thuật xếp đặt với mong muốn tạo được sự thích thú, hấp dẫn đối với khách tham quan.

Tuy mỗi một cổ vật, từng cuộc trưng bày đóng góp một phần rất nhỏ nhưng sẽ chung sức làm nên tổng thể giá trị của di sản văn hóa dân tộc nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Hiện vật trưng bày lần này của nhà sưu tập Hoàng Tiến Dũng tuy không nhiều nhưng khá tiêu biểu cho một số thành tựu trong lịch sử văn hóa Việt Nam, thể hiện trên nhiều loại chất liệu từ đồng, đất nung cho đến gỗ, gốm tráng men. Với những lần trưng bày như thế này, chúng tôi cũng hy vọng góp phần nuôi duỡng niềm đam mê của các nhà sưu tập, khơi gợi và nâng cao ý thức của cộng đồng đối với công cuộc sưu tầm và bảo vệ các di sản văn hóa nói chung.

 
VĂN THÀNH LÊ
;
.
.
.
.
.