Sau những giây phút trang trọng, khai mạc Đại lễ tại vườn hoa Lý Thái Tổ, công chúng nao nức bước vào 10 ngày hội lớn. 5 sân khấu quanh hồ, như tượng trưng sinh động cho Năm Cửa Ô, đã sẵn sàng trình diễn những tiết mục được dàn dựng công phu. 5 sân khấu mở rộng cửa đón chào nhân dân từ mọi miền đất nước về với Đại lễ. Mỗi người có một lựa chọn riêng để đến và thưởng lãm. Mỗi bước quanh Hồ Gươm, người đi trong âm vang tiếng cồng chiêng, giàn trống lễ xao động, trầm hùng, những ca khúc dào dạt tình yêu Hà Nội.
Duyên dáng tài hoa Việt
100 trống đồng dâng Đại lễ. |
Dâng lên Đại lễ từ tấm lòng người dân với Thăng Long - Hà Nội là những món quà vô cùng độc đáo từ tài hoa được tích tụ cả ngàn năm dân tộc Việt. Hai rồng sứ dài 35 mét, cao 8,6 mét, được lắp ghép từ 6.500 chiếc đĩa và 4.500 chiếc cốc sứ của những người thợ gốm Bát Tràng, tạo nên một kỷ lục mới, rực rỡ tài hoa trong ngành gốm sứ Việt Nam. 100 trống đồng của các nghệ nhân tỉnh Thanh long trọng đưa về Hà Nội để dâng lên Đại lễ. Trong số 100 chiếc trống, có một trống đại, khắc 1.000 con rồng theo phong cách rồng thời Lý cùng dòng chữ khắc chìm “Kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”.
“Cội xưa”, cho đến nay là bức tranh kỷ lục về kích thước của thôn làng Văn Lâm, Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, một làng thêu nổi tiếng có trên 700 năm tuổi. Chủ đề “Chiếu dời đô” trong ba phần của bức tranh thêu hoành tráng là điểm nhấn quan trọng nhất của tác phẩm. Hơn 100 nghệ nhân lão luyện nhất của làng nghề thêu dùng tới 180 mét vuông vải len, 250kg sợi chỉ thêu các màu để tạo nên bức tranh rộng trên 170 mét vuông. “Thiên long Việt đồ” được nhiều người thán phục tài nghệ và ý tưởng của nghệ nhân Ngọc Minh ở Quảng Nam.
Đó là một bản đồ được hình thành từ một con rồng khổng lồ cao 6 mét, rộng 3 mét. Mỗi tỉnh, thành, quận, huyện, mỗi hòn đảo là một con rồng nhỏ bằng gỗ. Riêng thủ đô Hà Nội là một con rồng lớn làm từ vàng ròng nặng 18 lượng. Để có “Thiên long Việt đồ”, nhóm thợ của nghệ nhân Ngọc Minh đã cần mẫn làm việc trong 3 năm liền, với tâm niệm dâng lên Đại lễ một nghệ phẩm đầy ý nghĩa.
Đôi rồng sứ Bát Tràng kỷ lục dài 35 mét. |
Tại Bến Tre, một nông dân chuyên cây cảnh Nguyễn Văn Công đã “nuôi” 2 con rồng bằng những loại cây cảnh trong vùng. Mỗi con dài 18 mét, tượng trưng cho 18 đời vua Hùng. Ông lặng lẽ nuôi rồng suốt một năm trời, vừa kịp để rồng đủ vây, đủ dáng vẻ, dâng lên Đại lễ. Tâm nguyện của ông già Bến Tre đã trở thành hiện thực. “Chén ngọc Thăng Long” và “Cúp Lạc Hồng” là quà dâng Đại lễ của gốm sứ Mình Long (Bình Dương). Chén ngọc cao 80cm, nặng 20kg, được nung ở 1.380 độ C. Chén ngọc chạm khắc chìm, khắc nổi công phu hình ảnh Hồ Gươm, Hoàng thành Thăng Long, tàu thuyền mờ ảo sông Hồng, cột Cờ…
Mỗi địa phương, mỗi người dân bằng tâm nguyện và tài hoa của mình đã dâng lên Đại lễ những món quà có ý nghĩa với tất cả tài nghệ, nhiệt thành với Thăng Long-Hà Nội, niềm tự hào thiêng liêng của mình.
Cảm hứng từ “nghìn năm”
Xuất phát từ “1.000 năm” Đại lễ Thăng Long - Hà Nội, không ít người đã lấy cảm hứng từ chữ số kỳ diệu “1.000 năm” ấy, biểu lộ tình cảm sâu nặng với Cội nguồn, với Thủ đô. Hành trình của 1.000 Anh hùng và Bà mẹ Việt Nam anh hùng xuất phát từ Đồng Tháp đã về dự Đại lễ trong chương trình “Thăng Long - Hồn thiêng sông núi”. 1.000 võ sinh, được tuyển chọn từ nhiều tỉnh, thành quy tụ về Thủ đô, thể hiện sức mạnh của thế hệ trẻ phơi phới tuổi thanh xuân. 1.000 thanh niên trình diễn Dân vũ Quốc tế, mở vòng tay hữu nghị đến với bạn bè khắp Năm châu. 1.000 ca khúc Thăng Long - Hà Nội tổng tập 1.000 ca khúc, được nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha tuyển chọn từ những nhạc phẩm tiêu biểu nhất viết về Thăng Long - Hà Nội.
Tại điện Kính Thiên, Hoàng thành Thăng Long đã trang trọng diễn ra lễ nhập linh cho 1.000 con rồng, món quà đặc biệt được đúc bằng đồng theo phương pháp đúc truyền thống từ ngàn xưa. Mỗi con rồng nặng trên dưới 3,5kg, được gắn đá quý ở hai mắt rồng. Ý tưởng này được thực hiện từ tháng 3 năm 2010, và hoàn thành vào cuối tháng 8, trước ngày khai mạc Đại lễ một tháng.
Chữ số “1.000” gắn bó với Thủ đô 1.000 năm tuổi đã chiếu sáng nhiều ý tưởng đẹp, tạo nên những công trình, những tác phẩm, những hoạt động vừa thiêng liêng ghi dấu ấn “Nghìn năm”, vừa thực sự ấn tượng. Giàn Hợp xướng 1.000 cựu chiến binh mang ý tưởng chủ đạo: “Thăng Long - Hà Nội - Thời đại Hồ Chí Minh”, được diễn tại sân vận động Hàng Đẫy, với những ca khúc “Đi cùng năm tháng” kháng chiến hào hùng, những ca khúc ngợi ca con người, sức sống mãnh liệt của đất nước, vẻ đẹp ngàn năm thanh lịch của Thủ đô yêu dấu. 1.000 suất học bổng của tuổi trẻ Thủ đô dành cho học sinh nghèo vượt khó. Chương trình “Đêm lung linh Hồ Gươm”, 1.000 áo dài ba miền duyên dáng, sang trọng, trẻ trung diễu qua cầu Thê Húc dưới ánh đèn lung linh huyền ảo…
Lung linh Hồ Gươm 1.000 áo dài. |
Song song với các chương trình nghệ thuật trên các sân khấu, Đại lễ còn dành nhiều chương trình vui chơi, giải trí hấp dẫn khác. Giải chạy quanh hồ Hoàn Kiếm với tiêu đề “Thăng Long-Hà Nội-Vì Hòa bình”. Triển lãm ảnh nghệ thuật, trao giải báo chí toàn quốc trong cuộc thi “Tìm hiểu Thăng Long - Hà Nội”. Cuộc thi Thư pháp được tổ chức tại Quốc Tử Giám. Thưởng ngoạn 1.000 món ăn do các đầu bếp đất cảng Hải Phòng chủ trì. Đêm của vũ điệu Rồng là sự kết hợp Rồng huyền thoại Tây Ban Nha từ Địa Trung Hải đến hài hòa với Rồng Thiêng Thăng Long-Đại Việt. Đặc biệt, lần đầu tiên dân chúng được xem trưng bày gần 1.000 hiện vật lịch sử quý tại Trung tâm Hoàng thành...
Đại lễ đã tiến sát ngày Chính hội. Các đơn vị, đoàn thể quần chúng chuẩn bị cho diễu binh, diễu hành tại Quảng trường Ba Đình ngày 10 tháng 10 đã sẵn sàng vào vị trí. Hà Nội tràn đầy niềm vui và sức sống.
Như Nguyễn