Dưới chế độ phong kiến, vua là Thiên tử, nắm quyền sinh sát trong tay, muốn ai chết thì người đó phải chết. Ra đường gặp vua vi hành phải lo trốn, không thì phải quỳ xuống, úp mặt sát đất. Ai tò mò nhìn vua, nếu bị bắt gặp dễ bị mất đầu vì phạm tội “khi quân”. Thế mà, quan và dân Quảng Nam có người dám “vuốt râu hùm”…
Phan Châu Trinh. |
Năm 1922, khi Khải Định sang dự đấu xảo ở Pháp, Phan Châu Trinh đã gửi “Thất điều thư”, kể bảy trọng tội “đáng chém đầu” của vua: (1) Tôn quân quyền; (2) Thưởng phạt không đúng; (3) Yêu chuộng lạy quỳ - “Lạy quỳ không phải là lễ phép văn minh, ông vua không phải là ông trời, quan với dân không phải là đầy tớ, ga xe lửa không phải là chốn triều đình, bến tàu không phải là nơi đường bệ mà bắt người ta nhận áo mũ xuống đất bùn, đãi loài người như trâu ngựa..”; (4) Xài phí xa xỉ; (5) Ăn mặc lố lăng; (6) Ăn chơi vô độ; (7) Đi Pháp có mục đích không minh bạch.
Cụ Phan kết luận: “Khải Định mưu toan củng cố ngôi mình là nghịch với trào lưu thế giới, trái với lòng dân”. Vì vậy, “nếu tự giác từ giã ngôi vua, đem chính quyền trả lại cho quốc dân thì quốc dân sẽ thứ lỗi”. Bằng không, chính ông sẽ vì “hai mươi triệu đồng bào gây một cuộc đánh nhau kịch liệt với nhà vua kỳ cho đến đầu mình rơi và ngai vàng sụp đổ”.
Đã thế, Phan Châu Trinh còn sẵn sàng “xả láng” với Khải Định. Bằng chứng là dưới lá thư chữ Hán gửi vua, ông còn chú thêm: “Thư này viết một bản bằng Hán văn gửi Bệ hạ, lại dịch ra Pháp văn đăng lên báo Pháp và rải truyền đơn để rộng đường công luận của người Pháp”.
Trước Phan Châu Trinh, Phạm Phú Thứ cũng là người chẳng sợ vua.
Năm 1850, khi đang làm ở Viện Tập hiền trong Tòa Kinh diên chuyên việc giảng sách cho vua, ông đã viết sớ dâng lên Tự Đức, phê bình nhà vua lười biếng không thiết triều bàn việc nước, không tới nhà Kinh diên nghe giảng sách, chỉ ăn chơi suốt ngày đêm. Nhà vua nổi giận đày ông ra làm lính ở Thừa Nông, phía nam Huế. Ông vẫn vui vẻ, đến nơi ông lấy biệt hiệu là “Nông Giang điếu đồ” (Gã câu cá trên sông Nông Giang) làm tập “Nông Giang thi lục” và gửi về biếu vua “đọc chơi”. Đúng là coi “con Trời” chẳng ra gì! 23 năm sau, ông vẫn chứng nào tật nấy, dâng sớ phê bình vua “phóng túng, tuần du vô độ”.
Phan Châu Trinh “tuyên chiến” với vua khi ông đang ở Pháp. Còn Phạm Phú Thứ thì “to gan” hơn, dám phê phán vua khi đang đường đường là “lưỡng triều đại thần”, là người “Giảng sách cho vua nghe”. Nhưng xét cho cùng, chàng nho sinh 20 tuổi dưới đây mới là kẻ to gan nhất.
Phạm Phú Thứ là hai người Quảng Nam dám “vuốt râu hùm” trong lịch sử dân tộc. |
“… Mỗi lần bệ hạ tuần du dài ngày nơi nơi phải chuẩn bị tiện nghi để cung phụng cho bệ hạ gây tổn phí lớn lao, đó là chưa kể đến nỗi cực nhọc và phiền muộn trong dân tình. (...). Kẻ hạ thần nầy dù đơn độc và tầm thường cũng xin thẳng thắn đệ trình lên bệ hạ đôi lời. Nếu bệ hạ lấy làm phật ý nổi giận là đã quên cái gương của triều Ngu chịu lắng nghe những lời chỉ trích lỗi lầm của vua. (....). Vua chẳng khác gì chiếc thuyền còn dân chẳng khác gì là nước; chỉ có nước chở thuyền chứ chưa nghe thuyền chở nước bao giờ. Kẻ hạ dân dám xin Cửu trùng chớ nên khinh thị những ngu kiến trong sớ này, mà cầu mong Thánh thượng để lòng thực thi. Nhược bằng đấng Thiên tử khi dễ và ruồng bỏ, bắt tội phạm thượng khi quân, kẻ hạ dân này cam lòng chịu tội không một chút hối tiếc”.
Chỉ là thư sinh mặt trắng mà đã dám “lên mặt” dạy vua. Đúng là chỉ có “gan trời” mới dám “giỡn mặt” với “con Trời” như vậy. Nguyễn Đình Chương bị bắt, bị kết tội “trảm giam hậu”.
Làm quan lâu ngày ở Quảng Nam có người cũng “lây bệnh” của người Quảng như Hiệp trấn Quảng Nam Phan Thanh Giản (người Vĩnh Long, nay là tỉnh Bến Tre). Trong lần vua tuần du nói trên, ông cũng can gián vua, khuyên vua không nên vi hành vì dân đang đói và đang vào mùa cày cấy. Kết quả là ông đã bị giáng chức và đưa lên vùng núi Trà My để sung vào đội quân đánh nhau với người thiểu số.
Tính khí dám “vuốt râu hùm” của kẻ sĩ Quảng Nam đã được ghi nhận trong sách Đại Nam nhất thống chí, phần tỉnh Quảng Nam, mục Phong tục: “Sĩ hữu ngạnh, trực cảm ngôn chi khí”. (Ngạnh là xương trên đầu con cá, theo Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh, ý chỉ những người trung trực, không a dua, xu nịnh, khó mua chuộc). Câu này đề cao kẻ sĩ Quảng Nam vốn bản chất có góc cạnh, tính thẳng ngay nên lời nói phát ra khí khái.
LÊ NAM QUẢNG