.

Còn mãi nỗi đau

.

Trong cuộc sống hôn nhân có hàng ngàn cách để thể hiện tình yêu thương với nhau và cũng có ngần ấy cách để thể hiện những điều không hài lòng về nhau. Người ta không chỉ “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” mà còn có nhiều cách khác để dằn vặt người bạn đời của mình.

Những nỗi đau không dễ gì nhìn thấy

Mô tả ảnh.
Bữa cơm gia đình trong các hội trại đã kéo các thành viên gia đình thêm gần lại với nhau. (Ảnh do Tổ chức Tầm nhìn Thế giới - Chương trình Phát triển khu vực Hòa Vang cung cấp)

Mỗi khi nhắc đến bạo hành gia đình, người ta thường nghĩ ngay đến những ông chồng vũ phu, thường xuyên “yêu” vợ bằng nắm đấm, gây cho vợ những thương tích bên ngoài. Nhưng hiện nay, có những nỗi đau mà người ngoài không dễ gì nhìn thấy được bởi nó đang ngấm ngầm đau đớn ở bên trong. Song song với nạn bạo hành thể xác, những người vợ, người mẹ đang phải chịu đựng nỗi đau tinh thần ngày một nhiều.

Qua trao đổi với các chị cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố Đà Nẵng, trong 6 tháng đầu năm có 35 trường hợp tìm đến với Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ kết hôn của Hội để được tư vấn trực tiếp. Phần lớn họ đã có gia đình và thường gặp những chuyện buồn, những mâu thuẫn âm ỉ trong gia đình. Thường thì mỗi ông chồng lại có những chiêu riêng để “dạy” vợ. Có những người chồng không một lần “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” với vợ, vẫn để lại trong lòng người bạn đời những vết thương mãi không lành. Phụ nữ vốn nhạy cảm, nên bạo hành tinh thần do người chồng “đầu gối tay ấp” gây ra còn khủng khiếp hơn cả nỗi đau thể xác.

Theo chị Huỳnh Thị Minh, Chủ tịch Hội LHPN phường Thanh Khê Tây: “Với bạo lực tinh thần, không dễ phát hiện vì nó không để lại thương tích trên cơ thể nạn nhân nhưng những vết thương lòng do kiểu bạo lực này gây ra lại sâu sắc và lâu dài hơn nỗi đau thể xác, nó ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tâm lý của các nạn nhân”. Thật sự, nếu người trong cuộc không lên tiếng thì người ngoài không dễ gì biết được.

Như trường hợp của chị Đ.T.M (tổ 37, phường Thanh Khê Tây), làm nghề buôn bán nhỏ, có chồng là T.V.T (sinh năm 1954) thường xuyên uống rượu say, rồi về gây gổ với vợ. Anh T. tuyệt nhiên không đánh vợ, không đập đồ mà chỉ “khẩu chiến” với vợ. Ban đầu chị M. còn lời qua tiếng lại, sau biết tính chồng nên mỗi lần anh đi uống về chị chọn cách im lặng, thế nhưng chị càng im lặng anh lại càng bực mình và càng nói nhiều. Nhiều hôm cả ngày buôn bán đã rất mệt mỏi, tối về muốn được nghỉ ngơi nhưng anh chồng có tí hơi men trong người thế là cả đêm chị phải nghe chồng “dạy dỗ”. Thiếu ngủ, thần kinh căng thẳng, ảnh hưởng rất lớn đến công việc buôn bán, chị phải đưa đơn cầu cứu Hội Phụ nữ để mong thoát khỏi cuộc sống căng thẳng.

Ngoài tuổi 40, chị H.T.A.N (sinh năm 1968, tổ 13, phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) có vẻ đẹp rất mặn mà.

Ngoài công việc chính ở một cơ quan Nhà nước, chị còn đi làm thêm ngoài giờ hành chính, nhưng anh chồng, cũng là viên chức Nhà nước luôn tỏ ý không hài lòng. Cứ thấy chị đi ra ngoài là anh dùng “độc chiêu” đánh con để răn vợ. Mỗi lần nhìn hai đứa con bị cha đánh vô cớ, chị đau xót lắm mà không làm gì được. Cầu cứu Hội Phụ nữ, nhưng mỗi lần chị em cán bộ Hội đến, anh chồng lại luôn thể hiện mình là người có học thức, luôn có thái độ mềm mỏng, tỏ ra có tiếp thu, thành ra các chị cán bộ Hội cũng chỉ biết khuyên nhủ rồi về. Nhưng ngay sau đó, anh ta lại tiếp tục uy hiếp tinh thần vợ, có khi càng nặng nề hơn trước.

Một điều đáng buồn là các vụ bạo hành tinh thần ở nước ta thường rơi vào sự im lặng. Bao nhiêu người phụ nữ đã âm thầm cắn răng chịu đựng nỗi đau trong suốt một thời gian dài. Nhiều người bị bạo hành đến mức bị thần kinh, có người phải ly dị để giải thoát cho chính bản thân mình. Chị L.N.T quê Đại Lộc, Quảng Nam là giáo viên, có chồng là ông N.T.C, tổ 7, phường Thanh Khê Đông làm nghề bán thuốc nam, có ba người con ngoan ngoãn, xinh xắn.

Do sức khỏe và cũng muốn chăm lo cho gia đình, chị T nghỉ dạy ở nhà phụ chồng vun vén cho gia đình nhỏ của mình. Nhưng phía nhà chồng lại cho rằng chị vô tích sự, ăn bám nhà chồng, thế là xúi giục ông chồng đánh đập, uy hiếp vợ. Người chồng nhu nhược, tuy không đánh vợ nhưng uy hiếp tinh thần người vợ làm cho người vợ luôn trong tình trạng thần kinh căng thẳng. Bức xúc về cách nhà chồng đối xử với con gái, nhà vợ đã tìm mọi cách để chị T. ly dị chồng về sống với mẹ đẻ. Nhưng chính từ đây lại một bi kịch mới dành cho chị. Phía nhà chồng cắt đứt mọi liên lạc giữa chị và con cái. Quá thương nhớ con mà chị phát điên, phải điều trị tại Bệnh viện tâm thần Đà Nẵng.

Khi người phụ nữ lên tiếng

Bằng cách này hay cách khác, những vết thương lòng do bạo hành tinh thần gây ra luôn đau đớn và dai dẳng hơn những cơn đau thể xác, bởi nó ảnh hưởng mạnh mẽ tới đời sống của nạn nhân và cả người thân của họ, đặc biệt là những đứa con. Chứng kiến không khí gia đình căng thẳng, cha mẹ đối xử với nhau như thù địch, trong lòng trẻ dễ nhen lên những mối hận thù không đáng có, gây lệch lạc trong nhận thức cũng như suy nghĩ của trẻ. “Con cái sống trong những gia đình có cha, mẹ bạo hành thường cảm thấy xấu hổ, mặc cảm, tự ti so với các bạn cùng trang lứa, ngoài ra các em còn hình thành tâm lý ghét bố hoặc ghét mẹ vì làm cho người còn lại đau khổ, gia đình bất hòa. Nhiều trường hợp, trong vô thức những đứa con mang tính cục cằn y như người cha” - chị Lê Na, cán bộ Hội Phụ nữ phường Thanh Khê Tây chia sẻ.

Bạo hành tinh thần là một vấn nạn của xã hội nói chung và trên địa bàn thành phố nói riêng. Tuy nhiên, không thể giải quyết tình trạng này nếu chỉ thông qua những cuộc đối thoại hoặc cam kết mà nó gắn liền với những yếu tố thuộc về tầm nhận thức, văn hóa xã hội, đòi hỏi chính quyền cùng các ban, ngành địa phương tổ chức hoạt động và thực hiện tốt các luật về hôn nhân gia đình, luật bình đẳng giới và phòng chống bạo lực để lôi cuốn nhiều tầng lớp cùng tham gia. Trên địa bàn thành phố, Hội LHPN thành phố đã phát huy mô hình “3 trong 1” (3 người giúp đỡ 1 người), vận động người dân tham gia vào các CLB như “Gia đình hạnh phúc”, “Gia đình văn hóa”, “Gia đình không bạo lực”… được triển khai ở các Hội cơ sở.

Ngày nay, phụ nữ không còn bị cô độc trong nỗi đau của BLGĐ. Bên cạnh họ, luôn có sự giúp đỡ nhiệt tình từ các đơn vị, ban, ngành liên quan. Chính vì thế, khi thấy mình bị tổn hại, xúc phạm, chị em hãy mạnh dạn lên tiếng để được bảo vệ, thoát khỏi ám ảnh đeo bám, để có thể  tìm lại hạnh phúc trong cuộc sống mới của mình.

Thu Hà

;
.
.
.
.
.