Sao Vàng đất Việt (SVĐV) là giải thưởng dành cho các thương hiệu và sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam hội nhập quốc tế, do Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Trung ương Hội Doanh nhân trẻ (DNT) Việt Nam tổ chức, bắt đầu từ năm 2003. Từ năm 2005 đến nay, Đà Nẵng có 37 thương hiệu và sản phẩm được trao giải thưởng danh giá này, ghi nhận những nỗ lực không ngừng của doanh nhân (DN) ở thành phố năng động.
Cán bộ, CNV Công ty CP Truyền hình cáp Sông Thu tham gia Đi bộ diễu hành “SVĐV - Vì trẻ thơ có hoàn cảnh khó khăn” và ủng hộ quỹ “Vì trẻ thơ” 50 triệu đồng. |
50 + 30 + 10 + 10
Năm 2001, trong lần ra mắt tại thành phố Đà Nẵng tập 1 bộ sách “Khắc họa chân dung tử tù” của tác giả Thiên Vũ – Võ Huy Quang (NXB Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, 2001), người Đà Nẵng biết đến Công ty Sông Thu (TP. Hồ Chí Minh), đơn vị tài trợ chính của bộ sách đồ sộ này. Hai người sáng lập ra công ty là Văn Công Quang và Nguyễn Văn Tuấn đều rất trẻ, vừa tốt nghiệp đại học 6 năm trước đó, cùng tuổi, cùng quê, lấy tên con sông đi qua làng quê Duy Xuyên của mình đặt tên cho doanh nghiệp.
Anh Văn Công Quang giờ là Tổng Giám đốc Công ty CP Truyền hình cáp Sông Thu, doanh nghiệp liên kết giữa Trung tâm Truyền hình cáp Đà Nẵng (thuộc Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng) và Công ty Sông Thu. Khi chính thức ra đời vào tháng 5-2002, công ty là mô hình mẫu về ngành truyền hình cáp cho các địa phương trong nước học tập lúc bấy giờ. Để có được thành công hôm nay, người học trò nghèo của miền đất Duy Xuyên ngày nào đã phải nỗ lực bứt lên, khẳng định mình trước bạn học ở Sài Gòn. Anh học Kinh tế và không ngừng bổ sung kiến thức công nghệ thông tin, tiếng Anh, tiếng Trung... những kỹ năng giúp anh tìm được việc làm, dễ dàng giao tiếp với các đối tác nước ngoài thời hội nhập và nay là phục vụ việc quản lý công ty của chính mình.
8 năm qua, anh cùng các cộng sự đã đưa mạng cáp của Công ty “phủ sóng” hầu hết địa bàn Đà Nẵng, số kênh ban đầu là 14 nay đã tăng lên 70 với chất lượng ngày một được cải thiện. Ngày 2-9 vừa qua, thương hiệu “Truyền hình cáp Sông Thu Đà Nẵng” của công ty đã được trao Giải thưởng SVĐV cùng với 4 thương hiệu khác ở Đà Nẵng. Theo anh, để thành công trên thương trường hôm nay, DN trẻ cần phải có 50% kiến thức + 30% cơ hội + 10% may mắn + 10% đối nhân xử thế. Trong đó, khả năng nhận ra cơ hội tạo ra sự khác biệt cho DN, bởi không ai dạy cho mình mà là một cảm nhận tinh tế của từng DN.
Một điều thú vị, anh Văn Công Quang còn là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nghệ thuật Việt (V-Art), đơn vị đang theo đuổi những dự án về nghệ thuật, đã từng thực hiện một vở kịch nói với số tiền đầu tư lớn nhất từ trước đến nay trên sân khấu TP.Hồ Chí Minh. Anh cho biết, sau vở kịch này, công chúng sẽ lần lượt đón nhận hầu hết các thể loại như sách, phim truyền hình và phim nhựa do V-Art đầu tư.
Những đột phá làm nên sự khác biệt
Từ năm 2005 đến nay, Đà Nẵng có 37 thương hiệu và sản phẩm được trao Giải thưởng SVĐV. Con số này, theo ông Lê Văn Hiểu, Chủ tịch Hội DNT thành phố Đà Nẵng, so với hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chưa cao, nhưng so với khu vực miền Trung - Tây Nguyên thì luôn dẫn đầu. Đà Nẵng hiện dân không đông, hoạt động doanh nghiệp còn khiêm tốn, nhưng DN Đà Nẵng luôn chiếm được tình cảm của doanh giới cả nước bằng những tố chất của con người Đà thành, cởi mở, nhiệt tâm và hồn hậu. Nếu nói thành công của doanh nghiệp là một ngôi nhà - ông Hiểu ví von, thì tính đột phá là “thi tứ” của kiến trúc. Đối với DN trẻ, đó là tố chất mà Hội phát hiện và bồi đắp cho DN trẻ mới gia nhập vô đại gia đình của Hội, nhằm tạo cho họ có một sức bật trên thương trường.
Nhờ tính đột phá đó mà trong một khoảng thời gian không dài, nhiều DN trẻ đã tạo ra những bản sắc riêng cho doanh nghiệp mình và làm phong phú thêm hình ảnh bền bỉ và sắc sảo cho thành công của Hội. Có thể kể đến những thương hiệu mang tầm Việt Nam như: Dinco, Danapha, Hòa Thọ, Minh Toàn, Seatech, Vietin, Bình Vinh, Sky Line, BQ, Gala Việt, Hoàng Duy, Công Thành, VLT, Thạch Bàn miền Trung, Ngân hàng Quân đội Đà Nẵng… Những thương hiệu này đã giúp Hội DNT Đà Nẵng khẳng định được tên tuổi, vị trí của mình trong hoạt động của Trung ương Hội DNT Việt Nam.
Được trao Giải thưởng SVĐV năm ngoái, Công ty CP Máy và Thiết bị phụ tùng Đà Nẵng (Seatech) vừa hoàn thành 90% công trình Tòa Thị chính thủ đô Viên-Chăn (Lào) trong vai trò tổng thầu về vật tư điện lạnh. Seatech đã được Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (V.U.S.T.A) và Tạp chí Thương hiệu Việt chọn là một trong 100 Sản phẩm ưu tú hội nhập WTO năm 2010, ghi nhận Seatech là một trong những thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực cơ điện lạnh. Ông Thi Lý Hùng, Giám đốc điều hành công ty nhận định: “Thành công của Seatech có sự đóng góp của đội ngũ kỹ sư trẻ trong nghiên cứu thành công khoa học - kỹ thuật và đưa vào ứng dụng cho mỗi công trình”.
Công ty TNHH SX & TM Tân Định (Đà Nẵng) được trao Giải thưởng SVĐV năm 2006, kết quả chuỗi nỗ lực của DN Lê Thị Nam Phương trong cương vị Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty. Từ đó, người phụ nữ tự nhận là đường đến thương trường của mình không có hoa hồng này được bầu làm Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư L.I.F.E với dự án đầu tiên là xây dựng Trường tiểu học và THCS chất lượng cao Sky-Line. Chị tâm sự: “Mỗi khi nhận được một giải thưởng, bằng khen nào tôi càng cố gắng hoàn thiện mình hơn để xứng đáng với sự tôn vinh và công nhận của xã hội. Tôi nghĩ, nếu biết “chỉnh chu với mọi việc, toàn tâm với mọi người” thì mọi giá trị mình tạo dựng đều được xã hội tôn vinh”.
Hội DNT Đà Nẵng hiện chỉ có trên 240 hội viên, nhưng mỗi năm tham gia công tác xã hội trên 3,3 tỷ đồng. Đó cũng là một “tứ thơ” làm nên sự khác biệt khi DN trẻ ngày càng hướng hoạt động của mình vào hoạt động cộng đồng, lấy đó làm kim chỉ nam giúp mình xác định đường đi rõ rệt. Những giải thưởng như SVĐV chính là sự ghi nhận của xã hội đối với những DN có những “tứ thơ” góp phần khẳng định thương hiệu, sản phẩm của mình trước những thách thức của thương trường thời hội nhập.
Với tốc độ phát triển rất nhanh và bền vững, Hội DNT Đà Nẵng liên tục 6 năm liền dẫn đầu thi đua của Trung ương Hội DNT Việt Nam. Tốc độ phát triển thể hiện, trước hết, ở việc xuất hiện ngày một nhiều các thương hiệu có uy tín, có khả năng cạnh tranh cao (thể hiện qua Giải thưởng SVĐV) chứ không chỉ số lượng hội viên. Thứ đến, là trình độ chung của DN. DN trẻ ngày càng biết hướng hoạt động của mình đến tầm chuyên nghiệp, nâng trách nhiệm xã hội của DN mình lên thành chiến lược, coi đó là cách xây dựng hình ảnh và bản sắc của DN, thể hiện trách nhiệm cao nhất với xã hội. Đó là nét đẹp làm nên văn hóa DN, là con đường đúng đắn, là lẽ phải mà DN chọn để góp phần phát triển bền vững thương hiệu của mình. |
VĂN THÀNH LÊ