.

Gia sư... dạy vẽ

.
Dạy vẽ tại nhà là nhu cầu tất yếu, khi các thí sinh đăng ký dự thi vào các ngành mỹ thuật, kiến trúc ngày càng đông. Nhiều họa sĩ tuy chưa thành danh nhưng đã thành thầy khi họ tận tâm đào tạo hàng trăm học trò đủ khả năng bước vào giảng đường đại học.

Học vẽ làm đẹp cuộc đời

Mô tả ảnh.
Các em học sinh lớp vẽ của thầy Kiệt đang say sưa vẽ bài tập tĩnh vật.
Thành phố Đà Nẵng có trên vài chục lớp dạy vẽ, luyện thi vào các Trường Đại học Mỹ thuật, Đại học Kiến trúc (ĐHMT, ĐHKT) mở tại nhà riêng. Thầy dạy vẽ là các họa sĩ đã tốt nghiệp ở các trường mỹ thuật, có người chỉ nhận dạy kèm trong thời gian luyện thi, có nơi đào tạo cơ bản trong nhiều năm, nhiều thầy còn đảm trách cả chức năng bồi dưỡng mầm non nghệ thuật trong tương lai, ở họ có chữ tâm của nghiệp và chữ tài của nghề.

Thầy Nguyễn Đặng Anh Kiệt mở lớp dạy vẽ ở nhà riêng số 380 đường Núi Thành có số lượng học trò lên đến trăm người, có nhiều em ở xa từ các huyện miền núi của Quảng Nam cũng tìm đến theo học. Qua 15 năm dạy vẽ, học trò của thầy hôm nay đã có em đứng trên bục giảng của Trường ĐHKT, có em đã là tiến sĩ, thạc sĩ. Hằng năm, số học sinh thi đậu đạt điểm cao vào các trường kiến trúc, mỹ thuật khá đông, đơn cử như các em Huỳnh I.Fa đạt 9 điểm, em Nguyễn Phước Lộc đạt 9,5 điểm bộ môn hình họa vẽ mẫu tượng của Trường  ĐHKT thành phố Hồ Chí Minh.

Trong giới dạy vẽ của thành phố, ai cũng phải công nhận phương pháp dạy vẽ hình họa của thầy Kiệt đạt hiệu quả cao. Trò nào chưa hoàn thành bài tập thì dù hết giờ vẫn chưa được ra khỏi lớp. Trò nào say mê học thì được giảm học phí. Trò nào lười học, dựng hình cẩu thả thì bị phạt tiền, số tiền phạt mỗi lần từ 1 đến 2 ngàn đồng được bỏ vào một cái thùng. Thùng tiền phạt có khi lên đến vài trăm ngàn đồng, thầy lại mang đến Phòng Bạn đọc Báo Đà Nẵng để ủng hộ quỹ từ thiện. Cách dạy nghiêm khắc và tận tâm của thầy đã ghi dấu nhiều kỷ niệm đẹp giữa thầy và trò, nhiều học sinh dù ở rất xa vẫn luôn nhớ về lớp học và tình cảm của thầy. Em Lê Văn Đạt đang học năm thứ 3 Trường ĐHKT thành phố Hồ Chí Minh đã mua một bộ mẫu tượng gửi về tặng thầy và lớp để làm mẫu vẽ, kèm theo lời cảm tạ: “Thầy ơi! Em nhớ thầy và lớp nhiều lắm, nhờ thầy mà em nên người, công ơn của thầy không bao giờ em quên”.

Lớp vẽ của thầy Kiệt có vô số mẫu tượng và mẫu tĩnh vật thật phong phú, xung quanh tường trang trí nhiều bức hình họa đẹp, có nhiều bức cỡ lớn với lối vẽ tỉ mỉ kinh điển của các em học sinh cũ gửi lại cho học trò mới noi theo. Chỉ cần xem tranh hay nhìn thầy chỉ dẫn cho học sinh thì nhiều phụ huynh lập tức bị cuốn hút và mong muốn gửi con em mình theo học.

Niềm vui của thầy Kiệt là những mùa thi thấy học trò của mình đậu điểm cao vào các trường đại học. Thầy tâm sự: Học vẽ rất cần sự đam mê, vì vậy thầy chỉ chiêu sinh các học viên đam mê hội họa và học vẽ với phương châm làm đẹp cuộc đời.

Có năng khiếu nhưng cần đam mê

Mô tả ảnh.
Thầy Nguyễn Trường Chinh đang hướng dẫn bài tập hình họa cho các học sinh.
Thầy Nguyễn Trường Chinh mở lớp dạy vẽ và luyện thi tại 202 đường Đống Đa cũng khẳng định sự đam mê cần thiết thế nào bên cạnh năng khiếu của mỗi trò. Thầy Chinh tốt nghiệp Trường ĐHMT Huế từ năm 1995 nhưng mãi đến năm 2004 mới mở lớp dạy vẽ. Thầy cho biết: Để thi vào trường kiến trúc và mỹ thuật thì phải vững hình họa, nếu vào trường mỹ thuật thì phải thêm môn vẽ bố cục và trang trí, có sử dụng sắc màu.
 
Với hai môn học này nếu chỉ đào tạo cấp tốc thì không đạt hiệu quả, thậm chí nhiều em có năng khiếu nhưng chỉ thế thôi cũng không đủ, các em phải đam mê, phải yêu hội họa thực sự thì mới theo học được. Nhiều phụ huynh khi thấy con mình chọn trường mới mang con đến gửi học thì đã quá muộn, học sinh không theo kịp bạn thì dễ chán nản, không bảo đảm chất lượng. Một vấn đề khó trong dạy và học nữa đó là có một số học sinh đã qua nhiều lớp dạy vẽ theo nghề nên uốn lại cho đúng bài bản khá mất thời gian. Nhiều em còn nhầm lẫn giữa thợ vẽ và tính chuyên nghiệp của nghệ thuật, vì vậy số học trò luyện thi của thầy chỉ nhận từ 7 đến 10 em một khóa học. Học sinh theo học ở đây cũng có số lượng thi đỗ khá cao và thí sinh nữ thi đậu cũng khá nhiều.

Thầy Chinh có phong cách và tâm hồn của một nghệ sĩ, 20 em học sinh ở lứa tuổi thiếu nhi đang theo học lớp vẽ thường xuyên, đã bộc lộ khá nhiều tài năng qua sáng tác hội họa. Hàng trăm bức tranh của thầy và trò sáng tác đã tạo cho lớp vẽ mang dáng dấp của một phòng triển lãm, không gian này tạo cho học trò niềm đam mê và cuốn hút trong mỗi giờ học. Thầy Chinh nói: Đối với lứa tuổi này thì chỉ cần dẫn dắt các em bước vào thế giới cảm xúc của tâm hồn, giúp các em thẩm thấu nghệ thuật và định hướng cho các em trở thành những nghệ sĩ đích thực trong tương lai.

Mở lớp dạy vẽ tại số nhà 135 đường Thái Thị Bôi, thầy Phan Tiến Dũng tốt nghiệp ĐHMT Huế có khả năng luyện thi cấp tốc đạt hiệu quả cao. Những bài hình họa như vẽ tượng, mẫu tĩnh vật được bố trí khá đẹp, từ việc chọn bố cục, dựng hình đến diễn tả tối sáng và thể hiện chất liệu cho bài tập hình họa đều được hướng dẫn tỉ mỉ và khá căn bản. Học trò của thầy đã có em tốt nghiệp ra trường và đang theo nghiệp của thầy mở lớp truyền nghề. Hiện thầy Dũng đang kết hợp với kiến trúc sư Nguyễn Hồng Nhân mở lớp luyện thi ĐHMT, ĐHKT tại cơ sở 2 đường Hồ Tùng Mậu. Việc liên kết giữa người dạy mỹ thuật và dạy kiến trúc sẽ giúp cho học sinh khá nhiều kiến thức, kỹ năng để có đủ bản lĩnh tự tin khi bước vào phòng thi.

Có thể nói mỹ thuật và kiến trúc đang là trào lưu thu hút giới trẻ theo học. Các họa sĩ đồng loạt mở lớp dạy vẽ, luyện thi cũng có phần nóng lên. Tuy nhiên, để thi vào các trường này đòi hỏi phải có năng khiếu và niềm đam mê thực sự. Một trong những điều kiện quyết định, đó là phải có thầy và theo thầy để học. Những thầy dạy vẽ mở lớp tại nhà riêng đều mong muốn cho học trò của mình đem kiến thức mà mình dày công thu nạp để làm đẹp cho đời.

Lê Gia Thụy
;
.
.
.
.
.