Đà Nẵng cuối tuần

Giới thiệu sách: Nguyễn Du trước nỗi đau thời cuộc

20:37, 02/10/2010 (GMT+7)
Hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, NXB Hội Nhà văn và Công ty Sách Phương Nam vừa xuất bản cuốn tiểu thuyết “Nguyễn Du” của Nguyễn Thế Quang. Nhà xuất bản chọn tác phẩm này làm công trình “Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội” vì Nguyễn Du tuy quê ở Tiên Điền (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) nhưng lại sinh ở Thăng Long, thời niên thiếu chủ yếu cũng ở Thăng Long. Hơn nữa, cuốn tiểu thuyết dành rất nhiều trang miêu tả những mối quan hệ giữa Nguyễn Du với quan lại, sĩ phu Bắc Hà cùng những trăn trở của thi nhân trước thời cuộc. 

Mô tả ảnh.
Đây là lần đầu, đại thi hào Nguyễn Du trở thành nhân vật chính của một cuốn tiểu thuyết khá dày dặn - “tác phẩm đầu tay” của một thầy giáo dạy văn tại thành phố Vinh (Nghệ An). Cuộc đời Nguyễn Du - nói rộng hơn là gia đình đại quý tộc họ Nguyễn ở Tiên Điền - xứng đáng là đề tài của một trường thiên tiểu thuyết. Chỉ lướt qua “tiểu sử” của ông trong “Từ điển văn học” đã thấy đầy những “sự cố”, những tình huống đặc biệt để hình thành một nhân vật tiểu thuyết có “góc cạnh”, không hề đơn giản: 10 tuổi mồ côi bố, 12 tuổi mồ côi mẹ, 4 anh em phải sống nhờ người anh cả (khác mẹ) là Nguyễn Khản.
 
Trong nạn “kiêu binh” Nguyễn Khản suýt bị giết; rồi Tây Sơn kéo quân ra Bắc, mấy anh em định chạy theo Lê Chiêu Thống nhưng không kịp, phải trốn tránh… lại định chạy vào với Nguyễn Ánh nhưng bị quân Tây Sơn bắt… Chỉ riêng những trăn trở của Nguyễn vượt qua hạn chế của một kẻ “ngu trung” để trở thành một kẻ sĩ, rồi một đại thi hào đã là một vấn đề lớn không chỉ ở thời Nguyễn Du.

 Nhưng do cách lựa chọn chủ đề, Nguyễn Thế Quang tái hiện cuộc đời Nguyễn Du chủ yếu từ lúc ông chịu ra làm quan thời vua Gia Long (1802) cho đến lúc ông qua đời (1820), được chia thành 5 phần: Ra Bắc, Bó thân vào với triều đình, Đoạn trường tân thanh, Sóng gió cung đình, Kết; qua đó, độc giả hiểu thêm một Nguyễn Du không chỉ “đau” vì thân phận nàng Kiều mà còn mang nỗi đau lớn hơn trước thời cuộc khi phải chứng kiến những bi kịch giữa Hoàng đế và kẻ sĩ, giữa quyền lực và trí thức...

Nguyễn Thế Quang ấp ủ ước vọng viết về Nguyễn Du từ lâu, đã đi hết Bắc Ninh, Thái Bình, Quảng Bình, Huế là những nơi Nguyễn từng sống, năm 2004 bắt tay khởi thảo, đã mấy lần tưởng bỏ cuộc, nhưng Nguyễn vẫn luôn ám ảnh anh. Cho đến nay, sau hơn 5 năm miệt mài trên trang giấy, “Nguyễn Thế Quang đã vượt qua trăm ngàn khó khăn gian khổ - kể cả sức khỏe bệnh tật - để hoàn thành cuốn tiểu thuyết này… Tác giả đã thành công, một thành công đáng giá…”. Nhà văn Hồng Nhu (nguyên Tổng biên tập “Sông Hương”) đã viết như thế trong “Lời giới thiệu” tác phẩm.

Trong tiểu thuyết xuất hiện hàng loạt nhân vật lịch sử mà thiên hạ đã “biết” bên cạnh Nguyễn Du là Gia Long, Hồ Xuân Hương, Ngô Thời Nhậm, Nguyễn Văn Thành, Đặng Trần Thường, Lê Văn Duyệt…, nên tác giả đã cố gắng tôn trọng tính chân thực của lịch sử một cách tối đa, đồng thời sử dụng quyền “hư cấu” của tiểu thuyết để liên kết các nhân vật và sự kiện được hợp lý. Những phần mà tác giả “hư cấu”, tưởng tượng, theo tôi là thành công; như cảnh Nguyễn gặp lại nữ sĩ họ Hồ tại Cổ Nguyệt trong một đêm thơ mộng và đậm đà tình cũ nghĩa xưa, nhưng tác giả không đi quá đà, nên tránh được sự dung tục.
 
Cảnh vua Gia Long đối thoại với Nguyễn Du khá hấp dẫn, có sức nặng tư tưởng và có thể nói có tính thời sự nữa. Nguyễn tưởng sắp bị chém vì bọn xu nịnh đã “chỉ điểm” câu thơ “Chọc trời khuấy nước mặc dầu / Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”, nhưng vua Gia Long mê “Truyện Kiều”, trọng thi tài, đã hành xử khác…Độc giả kính phục tầm vóc Gia Long mà cũng ghê sợ về sự chuyên quyền độc đoán của ông. Sau khi ca ngợi “Truyện Kiều”, vua Gia Long hỏi:

- Thơ khanh viết hay lắm. Sao khanh không có bài nào ca ngợi ta nhỉ? Khanh có thể viết một bài hay một quyển thật hay ca ngợi ta và triều đại ta không?

Nguyễn Du bị đặt trước một thử thách có thể rơi đầu như bỡn. Nhưng thật không ngờ, trước đôi mắt Gia Long quắc lên, nhà thơ yêu quý của chúng ta đã chậm rãi nói:

- Xin Bệ hạ cho thần được làm điều thần nghĩ.

Và cũng không ngờ, thật là “kỳ phùng địch thủ”, “Gia Long cất tiếng cười sảng khoái, âm vang như lay động cả ánh trăng”, ngài đỡ Nguyễn dậy và nói:

- Khá lắm! Thế mới là Nguyễn Du của trẫm chứ. Ta có cần gì ngợi ca. Ta chỉ cần những bề tôi có tài, có cốt cách như khanh. Xung quanh ta biết bao kẻ xu nịnh. Nhưng nhà thơ đích thực thì không được xu nịnh bất kỳ ai, kể cả quyền lực và mỹ nữ.

Vậy nhưng sau khi tặng nghiên bút quý và tiễn Nguyễn ra cửa, Gia Long lại dặn:

- À này, hãy viết làm sao cho con người yêu thương nhau nhưng kích động nổi dậy chống triều đình là không được đâu nhé. Lúc đó thì dù quý đến mấy cái tài của khanh, ta vẫn phải lấy cái đầu của khanh để trị yên thiên hạ đấy. Nhớ chưa?

Sau buổi tiếp kiến đó, Nguyễn đã độc thoại một cách cay đắng: “Hoàng thượng ơi! Người ban cho thần cơm trắng, giấy thơm, bút quý, nghiên báu nhưng không ban cho thần tự do thì làm sao thần có thơ văn hay được?”

Cách hành xử của vua Gia Long trước vụ án cha con đại thần Nguyễn Văn Thành cũng đã được tác giả thể hiện với cái nhìn đa chiều như thế.

Có người e rằng tác giả dành quá nhiều trang cho những chuyện tranh giành quyền lực, đố kị, hãm hại người tài ở chốn cung đình, tuy đọc khá hấp dẫn, nhưng ít nhiều sẽ lấn át vai trò của Nguyễn Du. Tôi nghĩ là còn nhiều “chuyện” để bàn về cuốn tiểu thuyết này. Một tác phẩm nghệ thuật có “chuyện” để bàn luận cũng có thể gọi là thành công. Tôi tin rằng tiểu thuyết “Nguyễn Du” sẽ được nhiều người tìm đến…

Nguyễn Khắc Phê
.