.

Khi tạo được việc làm cho nhiều người

.
Đi lên từ đồng ruộng chân quê, với họ, hai tiếng doanh nhân mới đầu nghe chừng xa lạ. Họ chỉ mong sao giữ được nghề, tạo được nhiều việc làm để mỗi sáng có thể nhìn thấy nụ cười tin tưởng của công nhân.

Mô tả ảnh.
Các nhà máy gạch tuy-nen của gia đình ông Cường đã tạo hàng trăm việc làm cho người dân địa phương.
 
Gần 300 công nhân và một giám đốc

Một phụ nữ nhỏ nhắn, có vẻ không được khỏe ra đón chúng tôi trong tiếng rì rào của hàng trăm máy may công nghiệp đang tăng tốc cho kịp giao hàng. Hôm trước, đã lỡ gặp chị một lần vì cơn huyết áp thất thường - một trong những chứng bệnh do hay lo, cả nghĩ.

Chị tên là Nguyễn Thị Nhị, người xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, từng là biệt động thành đơn vị Lê Độ, cuối năm 1972 bị địch bắt vào nhà lao Con Gà (Đà Nẵng), rồi nhà lao Hội An. Năm 1976, chị “khởi nghiệp” bằng chân nhân viên Phòng Tổ chức Trường Dạy nghề kỹ thuật thảm len Đà Nẵng và nghỉ hưu vào năm 2006 (sớm 2 năm) với cương vị Phó Giám đốc Công ty Dệt-may 29-3. Tích lũy kinh nghiệm gần 30 năm trong ngành may mặc, thảm len xuất khẩu, chị quay về quê nhà mở Công ty TNHH May Tiến Thắng. Tháng 1-2006 chị nghỉ hưu thì tháng 2 tuyển lao động, tháng 3 bắt đầu sản xuất lô hàng đầu tiên.

Khách hàng của chị là một tập đoàn xếp thứ 5 ở Vương quốc Anh, họ đến khảo sát khả năng sản xuất, hỗ trợ tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa để xí nghiệp làm theo. Khi họ đồng ý đổ hàng vào, xí nghiệp nghiễm nhiên trở thành một thành viên của họ, được cung ứng hàng đủ cho công nhân làm việc gối đầu suốt 4 tháng. Nhờ có khách hàng truyền thống này, xí nghiệp đã thu hút được nhiều công nhân, chủ yếu ở xã Hòa Tiến và một số xã lân cận, lúc đầu chưa tới 170 công nhân, đến nay gần 300 người. Mức thu nhập bình quân mỗi công nhân cũng tăng từ 600 nghìn đồng lên 2,2 triệu đồng/tháng, trong đó cao nhất là 4,2 triệu đồng/tháng.

Về quê mở xí nghiệp cho dân mình, nhưng cũng phải tính hiệu quả - chị tâm sự. Không hiệu quả thì lấy chi nuôi công nhân? Về quê, lúc đầu cứ nghĩ không ai cạnh tranh, mình dễ làm, chừ mới thấy có điểm chưa ổn.

Lao động nông thôn ngày càng có xu hướng đổ về các khu công nghiệp, mình muốn tuyển, nhất là lao động nữ, cũng không dễ, phải đưa ra mức lương cao hơn.

Trong tình hình khan hiếm việc làm như hiện nay, để nuôi sống gần 300 công nhân ở nông thôn như Tiến Thắng là cả một vấn đề. Chị phải lo mọi thứ, từ sắp xếp dây chuyền hợp lý cho đến bảo đảm chất lượng hàng hóa. Chia sẻ công việc cùng chị, có chồng và con gái. Theo chị, may mặc là một trong những nghề sống mãi với con người nên chị đầu tư cho con gái học ngành ngoại thương và phải giỏi tiếng Anh. Chị tin rằng, với sức bật tuổi trẻ, con chị sẵn sàng tiếp bước chị để mở rộng kinh doanh, thu hút thêm nhiều lao động trong thời gian tới.

Khi doanh nhân là... chủ nhiệm HTX

Ít ai nghĩ rằng ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ nhiệm HTX CP Sản xuất vật liệu xây dựng Thanh Châu, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Hòa Vang, nay đã bước qua tuổi 74. Có lẽ do cái nghề suốt ngày vật lộn với đất cát đã làm cho tui không thấy tuổi – ông cười hiền hậu. Đầu những năm 70 thế kỷ trước, ông làm liên lạc cho Ban Binh vận Đặc khu Quảng Đà, giữ nhiệm vụ giấu vũ khí trong gạch chuyển xuống nội thành Đà Nẵng cho các lực lượng cách mạng.

Nhà ông mấy đời làm nghề gạch ở thôn Giáng Nam 2, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, nhưng chỉ đến phiên mình, ông mới đưa cái nghề đất cát này lên thành “thương hiệu”: Từ năm 1972, người dân quanh vùng và cả Đà Nẵng đã biết đến tên tuổi của gạch Thanh Châu.

Sau năm 1975, nghề sản xuất vật liệu xây dựng có một thời gian chững lại, nhiều lò gạch phá sản. Riêng ông vẫn kiên trì giữ nghề, bí quá thì chuyển qua làm nông một thời gian rồi quay lại gạch. Đến khi các nơi rộ lên việc xây dựng, gạch Thanh Châu của ông lại được mọi người biết đến, nhất là từ khi ông chuyển sang sản xuất gạch tuy-nen. Ông vẫn giữ nguyên mô hình HTX, trong khi đó con ông ra riêng mở Công ty CP Gạch tuy-nen Vinh Thanh Châu ở thôn Dương Lâm 2, xã Hòa Phong, người cháu ông thì mở Nhà máy Gạch tuy-nen Thanh Bình ở xã Hòa Phước. Các cơ sở cả mới lẫn cũ này đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương, chưa kể đến một lượng đáng kể người làm việc theo kiểu thời vụ mỗi khi nông nhàn.

Nghề gì cũng tốt, cũng danh giá, vấn đề là mình có theo đến cùng hay không? Kiên nhẫn thì trước sau gì cũng thành công - ông chia sẻ. Ông vừa đi Sài Gòn mua thêm mấy xe nâng chuyển gạch để giúp cho công nhân đỡ mất sức. Có rứa, ông nói, họ mới tăng được năng suất, thêm thu nhập và càng gắn bó với mình.

Phát triển công nghiệp nông thôn

Huyện Hòa Vang hiện có trên 300 doanh nghiệp với 5.230 lao động. Tuy nhiên, theo ông Phan Văn Tôn, Trưởng phòng Công thương huyện, số doanh nghiệp ăn nên làm ra không nhiều. Công nghiệp ở Hòa Vang vẫn còn phát triển ở mức nhỏ lẻ, chưa tập trung, chưa tạo được “thương hiệu” như ở các quận nội thành. Thêm vào đó, một số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ở các quận nhưng lại hoạt động kinh doanh trên địa bàn huyện Hòa Vang, vô hình trung tạo nên khó khăn cho việc phát triển công nghiệp nông thôn.

Các chương trình Khuyến công, Tam nông đang được triển khai, trong đó ưu tiên cho phát triển nông thôn, sẽ cần nhiều doanh nhân có tâm, có tầm. Chỉ khi xuất hiện nhiều thương hiệu như May Tiến Thắng, Gạch Thanh Châu... thì công nghiệp nông thôn ở Hòa Vang mới có cơ hội “cất cánh” và tạo được nhiều việc làm cho người lao động.

Viên Phúc Quân
;
.
.
.
.
.