.

Khổ thân gia sư

.

Vào năm học mới, sinh viên (SV) bắt đầu chạy đôn chạy đáo tìm việc làm thêm, trong đó gia sư gần như là một lựa chọn hàng đầu. Song, khi dấn thân vào nghề “gõ đầu trẻ”, những “thầy cô” nghiệp dư phải chịu bao ấm ức.

Đạp xe hai mươi cây số

Mô tả ảnh.
Sinh viên khoa Văn – ĐH Sư phạm đang làm gia sư cho một cậu trò nhỏ.

Để được làm gia sư, ngoài sự quen biết hoặc người thân giới thiệu, đa số SV đều tìm đến các Trung tâm gia sư (TTGS) để được môi giới. Phí môi giới cho mỗi suất dạy thường từ 30 – 40% lương tháng đầu, với điều kiện đóng tiền phí trước và nhận suất sau.

Không phải ai cũng may mắn nhận chỗ dạy gần chỗ ở, mà có những suất dạy xa tới gần chục cây số. Nhiều SV trọ ở phường Hòa Khánh Nam (Liên Chiểu) nhưng địa điểm dạy lại ở... gần cầu Sông Hàn; hoặc nhà gần Trường ĐH Kinh tế nhưng lại phải dạy ở tít trên Liên Chiểu. Do cần việc làm, xe máy lại không có, họ phải lọc cọc đạp xe đi. Thêm vào đó, thời gian dạy-học thường do gia chủ sắp đặt nên SV khá khó khăn để cân đối giữa việc học và làm thêm. Trần Thị Thanh, SV ĐH Sư phạm (ĐHSP) tâm sự: “Mình chỉ đi dạy thêm vào buổi tối vì cả ngày bận đi học, ca dạy từ 19 giờ 30 đến 21 giờ 30”.

Khái niệm “chạy sô… gia sư” hình thành khi công việc gia sư phủ kín lịch của SV. Nguyễn Trung Hiếu, lớp 09 Sư phạm Sinh, ĐH Sư phạm đã tạm biệt những cuộc chơi với bạn bè vì lịch hai suất dạy rải đều các buổi tối từ đầu đến cuối tuần.

Có  trường hợp vừa hết ca dạy này là phải vội vàng đạp xe đến địa điểm dạy khác. Đối với những SV có suất dạy trùng ngày, việc thu xếp thời gian cũng như đi lại rất vất vả, nhất là khi nhà học trò cách nhau quá xa. Như Lê Thanh Long, SV năm 3 ĐH Kinh tế nhận hai suất dạy, suất đầu từ 17 giờ 30 đến 19 giờ, suất sau từ 19 giờ 30 đến 21 giờ. Chuyện “thầy” nhịn đói chạy sô không lạ, bởi phải đi dạy từ buổi chiều đến khuya mới về.

Trung tâm cò ma

Mô tả ảnh.
Tấp nập sinh viên đến đăng ký dạy thêm tại một TTGS  trên đường Trần Cao Vân.

Nắm bắt được nhu cầu cần đi dạy thêm của SV, các TTGS mở ra ngày càng nhiều, tập trung ở các con đường gần các trường ĐH như đường Phạm Như Xương, Trần Cao Vân, Ngũ Hành Sơn… Nguyễn Văn  Tạo, SV ĐH Sư phạm cho biết: “Mình cùng mấy anh chị hùn vốn mở TTGS Tri Thức trên đường Phạm Như Xương, hiện tại số lượng sinh viên đăng ký đi dạy cũng nhiều vì có uy tín, giấy phép đàng hoàng”. Tiêu chuẩn SV đặt ra trước khi tìm tới trung tâm để được môi giới là “uy tín, nhanh có suất, lương cao và phí thấp”. Vì vậy, không ít trung tâm đã ưu tiên cho những người đăng ký trước, dẫn đến tận địa điểm để nhận suất, thỏa thuận lương, thời gian dạy.

Không ít sinh viên vỡ mộng làm thầy khi biết mình “chui vào hang cọp”, đem đóng tiền vào những trung tâm lừa đảo. Thông báo, tờ rơi hằng ngày đều có thể bắt gặp bên các hàng rào, cổng trường, cột điện. Những trung tâm này lấy mức phí và thủ tục y hệt những trung tâm khác nhưng lại hẹn rày hẹn mai, thậm chí không có suất dạy. Lương Tuyết  Nhung, SV Khoa Văn, ĐH Sư phạm bức xúc: “Lớp mình có gần chục người lên đăng ký ở trung tâm H.T gần chợ Hòa Khánh, đã nộp 40% lương tháng đầu là 200 nghìn đồng, nhưng đến ngày đi nhận suất lên trung tâm không thấy ai cả, điện thoại thì không liên lạc được. Đến khi gặp, họ nói chưa có suất, phải chờ vài tháng hoặc gần hè, tụi mình đòi lại tiền thì không chịu trả. Coi như mất cả tiền lẫn công”.

Để chắc chắn hơn, họ có thể tới tận nhà học sinh nhận suất rồi mới đóng phí môi giới hoặc đóng trước một ít, với điều kiện phía trung tâm cũng chấp nhận thỏa thuận này. Họ cũng có thể hỏi những anh chị khóa trên từng làm gia sư để được giới thiệu tới các trung tâm có uy tín, chất lượng.

Khá nhiều SV chọn nghề gia sư vì lương phù hợp, công việc nhẹ lại an toàn và trau dồi được kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ. Nhưng kéo theo đó là ảnh hưởng đến học tập, không tham gia được những buổi học ngoại khóa hay những buổi sinh hoạt với bạn bè… Đỗ Tài Truyền, SV ĐH Kinh tế thủ thỉ: “Mình muốn đỡ đần tiền sinh hoạt phí hằng tháng cho ba mẹ nên đi dạy thêm, lương được gần cả triệu mỗi tháng nhưng mất thời gian và ảnh hưởng đến việc học lắm”. Còn Phương Lam, SV ĐH Bách khoa lại sợ những tối đi dạy về ở những con hẻm vắng người qua lại, chỉ nghe tiếng xe máy rú mạnh là đã thấy rùng mình.

TRẦN HIỀN

;
.
.
.
.
.