.

Một vọng phu buồn

.
Chiến tranh cuốn đi nơi làng quê bao cuộc đời. Không ít những người ra đi không hẹn ngày về. Đằng sau mỗi rặng tre làng, có những cảnh đời hắt hiu đến quặn lòng, nhiều núi vọng phu đổ bóng xuống năm tháng. “Lời thề mùa đông “ của Bùi Hoàng Tám là một bài thơ như thế:

Bắt đầu từ một mùa đông
Anh tôi ra trận, rồi không trở về
Cũng từ một buổi chiều quê 
Chị tôi mang một lời thề mùa đông
Cũng là phận gái chờ chồng
Người còn hóa đá, chị không hóa gì!
Đá còn đợi bước thiên di
Còn con để bế, chị thì tay không
Núi còn hòn vợ, hòn chồng
Chị tôi ôm nỗi chờ mong bạc đầu
Cái ngày tôi bước qua cầu
Chị không khóc, chị sợ nhàu áo tôi
Chị tôi nay đã về trời
Thắp hương lạy chị, lạy lời mùa đông.

Bài thơ thật buồn, thật cảm động. Cảm động trước một tấm lòng, trước một nhân cách. Bài thơ ngắn, có 14 câu, cũng chỉ 98 từ, song nặng trĩu đến ba cuộc đời, ba số phận.

Bài thơ có tên “Lời thề mùa đông”. Sao không là mùa xuân, mùa thu, mùa hạ mà là mùa đông? Lại chọn lời thề nữa? Chú ý, ta sẽ thấy, có ba nhân vật xuyên suốt cả bài thơ. Nhân vật thứ nhất-người lính - ra trận, rồi không trở về. Nhân vật chính diện này gần như chi phối hai nhân vật còn lại: Tôi và chị tôi. Có điều là, tôi và chị không phải ruột thịt. Chiến tranh đã gắn hai số phận này với nhau, chia sẻ gánh nặng cuộc đời cho nhau. Chị tôi-nhân vật thứ hai - sống trong cảnh đợi chờ với nỗi niềm vô vọng, dần theo tháng ngày, rồi cũng về trời. Một cuộc đời buồn. Nhân vật thứ ba-tôi-chứng nhân cho một tình yêu thời chiến, chứng kiến toàn bộ những cô đơn, những khát vọng, những đớn đau, những dằn xóc, dù cao cả, song vẫn là bi kịch tình yêu, bi kịch của chiến tranh.

Chiến tranh qua đi và nỗi buồn còn lại. Một nỗi buồn dằng dặc, đặc quánh những lạnh lẽo của mùa đông, giá buốt cả đời người.

Từ buổi chiều đông tê tái đó, người phụ nữ tự nguyện nhận lấy một lời thề và sống trọn lời thề đó: Phận gái chờ chồng. Nhưng điều đau thắt hơn, đấy là, vọng phu xưa còn có con để bồng, để bế. Còn chị tôi, chỉ có… một lời thề! Cho nên:

Đá còn chờ nỗi thiên di
Còn con để bế, chị thì tay không
Núi còn hòn vợ, hòn chồng
Chị tôi ôm nỗi chờ mong bạc đầu…

Chữ nghĩa thì không có gì nhưng đằng sau đó là cả nỗi đau, đau đến tê người. Người chị đã giữ chờ mong đến bạc đầu, giữ với người đã khuất một lời thề. Giả như tác giả bài thơ dừng ở đây thì cũng đủ để nhận ra một chân dung. Không, điều làm cho chúng ta thêm một lần xao xuyến nữa, thêm một lần nhận ra tấm lòng nhân hậu của người chị dâu, đó là lần người em gái của chồng, qua cầu, sang ngang.

Chị không tròn hạnh phúc, sống cuộc đời trăng khuyết, nói như Hữu Thỉnh: Một mình một mâm cơm, ngồi bên nào cũng lệch, thì mong em có cuộc đời sung sướng hơn, trọn vẹn hơn. Tiễn em trong ngày cưới, ghìm tiếng khóc, nén nỗi đau, sợ làm nhàu áo cưới, sợ làm bớt đi chút ngọt ngào của ngày vu quy người em:

Chị không khóc, chị sợ nhàu áo tôi

Chao ôi, đọc đến đó, ta thương cảm, xen lẫn trân trọng về người phụ nữ có tâm hồn trong sáng, cao đẹp biết bao này! 

Chiến tranh đã đi qua, bao số phận còn đó và còn đó bao nỗi buồn của những vọng phu.

Huỳnh Văn Hoa
;
.
.
.
.
.