1- Trên thế giới, những thủ đô nghìn năm tuổi cũng có nhưng không phải nhiều. Có những thành phố có tuổi hàng vài nghìn năm nhưng không phải thủ đô. Có những thành phố là thủ đô hàng nghìn năm nhưng rồi không giữ được mãi. Thời thế đổi thay, mỗi triều đại đều muốn chọn thủ đô theo ý mình.
Nhưng từ ngày dựng nền độc lập đến nay, tính từ vị vua đầu của triều Lý, Hà Nội luôn được các triều đại chọn làm thủ đô. Mặc dù được mở mang, ngày càng dài mãi về phía Nam nhưng không vì thế mà Hà Nội mất vị trí trung tâm chính trị, lịch sử, kinh tế, văn hóa của cả nước. Có một thời đoạn triều Nguyễn đã chọn Huế làm kinh đô nhưng chỉ sau 142 năm, thủ đô lại trở về với Hà Nội như một lẽ đương nhiên. Ý chí thống nhất của một dân tộc mạnh mẽ và bền chắc là thế, thật đáng tự hào.
2- Cho nên, trong bối cảnh tiết giảm các hoạt động lễ tân, tiết kiệm tiền của để xây dựng đất nước và nâng cao đời sống nhân dân, Đảng và Nhà nước vẫn cho phép tổ chức Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội là chủ trương rất phù hợp với lòng dân, được đồng bào không chỉ Hà Nội mà cả nước, không chỉ trong nước mà mọi người Việt trên thế giới hưởng ứng nhiệt liệt.
Đó là ngày đại lễ của đất nước, không phải của riêng Thủ đô. Và mọi người Việt Nam đã chờ đợi nó suốt 10 năm nay, không chỉ vài ngày. Chưa bao giờ chiếc kim đồng hồ đếm ngược thời gian lại chậm chạp đến thế, khiến người ta sốt ruột đến thế.
3- Còn gì nữa không? Còn. Tôi sống ở Hà Nội đã quá nửa đời người, không mấy khi thấy Hà Nội được chăm chút, sửa sang đến thế. Hình như chúng ta đã bị lối sống “ăn chắc mặc bền” của những năm chiến tranh, những năm thiếu thốn thấm vào, trở thành sự đương nhiên, mất dần sự tinh nhạy trước cái đẹp. Cái lối sống xuề xòa, tạm bợ, xong thì thôi ấy đã làm hại Hà Nội. Nhà thì cơi nới, biến biệt thự thành ổ chuột. Hè thì lấn chiếm, tranh cạnh, bày biện như trong nhà riêng. Ăn thì ngồi đâu cũng được. Mặc thì thế nào cũng xong. Đất đầy rác. Trời đầy dây nhợ. Đủ thứ dây, đen kịt, ngang dọc như mạng nhện. Mùa thu, mùa hè Hà Nội rất đẹp, muốn chụp cái ảnh hoa bằng lăng, hoa phượng vĩ cũng lắc đầu vì dây nhợ giăng mắc. Tường thì lem nhem quảng cáo, mấy chục năm không quét vôi lại. Biển hiệu thì nhố nhăng, vá chữa quần áo cũng viết bằng tiếng Anh.
Bỗng thấy Hà Nội khác hẳn, đẹp ra, trẻ ra, không phải ở những công trình mới, phố mới mà ở ngay nhà cũ được quét vôi, phố cũ được ngầm hóa dây nhợ, cây cối được sửa sang. Hà Nội chí ít cũng đẹp hơn, được chăm chút hơn nhờ Đại lễ. Nó làm thay đổi nếp sống lùi xùi đã tưởng thành nếp bấy nay. Chợt hy vọng, có một nhà làm phim từng gọi Hà Nội là cái làng to, biết đâu từ đây sẽ thay đổi, để Thủ đô sẽ là thành phố chứ không phải là làng nữa?
4- Từ đó lại nảy ra thêm những hy vọng. Từ ngày Hà Nội sáp nhập với Sơn Tây, diện tích thủ đô rộng gấp 3 lần, còn dân số lên hơn 6 triệu, đứng vào hàng có tên tuổi trong số những thủ đô rộng và đông trên thế giới. Có một địa danh trên bản đồ hành chính như thế là không khó nhưng có một địa danh văn hóa chung thì không đơn giản vậy. Hà Nội cũng như Hà Tây đều từng là một địa danh nổi tiếng địa linh nhân kiệt nhưng bản sắc của hai vùng văn hóa lừng lẫy mỗi nơi mỗi khác. Một nơi là văn hóa xứ Đoài, trung du bán sơn địa, núi cao sông rộng, hùng vĩ khuất khúc.
Một nơi là đầm lầy vùng trũng lọt giữa các triền sông, trên bến dưới thuyền, bốn phương tụ hội. Hai thổ ngơi, hai vùng văn hóa. Nếu khéo, chúng sẽ hỗ trợ nhau, bổ sung cho nhau mà phát triển lên. Nếu vụng, chúng sẽ triệt tiêu nhau mà làm hỏng cả hai. Hy vọng chùa Mía, chùa Trầm, chùa Thầy, chùa Trăm Gian, chùa Tây Phương, đình Tây Đằng, đền Tản Viên rồi đất hai vua Đường Lâm, làng cổ đá ong Thạch Xá sẽ trở thành niềm tự hào Hà Nội một lúc nào đó. Cũng một lúc nào đó Hồ Gươm, trung tâm Hoàng thành, chùa Trấn Quốc, đền Voi Phục, di tích lịch sử Ba Đình cũng là niềm tự hào của người Sơn Tây. Cuộc gắn kết ấy, Đại lễ nghìn năm Thăng Long - Hà Nội là một cơ hội. Nhưng hình như đó cũng chỉ là hy vọng, người ta chưa làm gì nhiều cho chuyện này.
5- Để xây đắp nên thủ đô, mỗi ngành góp công sức theo cách, theo thế mạnh của mình, ngành nghề nào, thời nào cũng có công nhưng theo tôi công đầu phải kể đến nghề buôn bán và xây dựng. Không phải vô cớ mà các phố cổ của Hà Nội đều có từ “Hàng” và Hà Nội còn được gọi là Kẻ Chợ. Nếu không thuận tiện giao thương, mua bán tụ hội sầm uất, trên bến dưới thuyền thì Hà Nội cũng chỉ như khá nhiều các trung tâm chính trị Phong Châu, Mỹ Sơn, Đồ Bàn, Hoa Lư… không thể phát triển được.
Tuy thế, buôn bán dù có tấp nập bao nhiêu mà không có xây dựng thì cũng chưa thể là thành phố, càng không thể là thủ đô. Theo dấu các tầng văn hóa khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long vừa được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới, người ta nhận ra các triều đại qua dấu tích xây dựng, chính xác hơn là vật liệu xây dựng. Lịch sử của một đô thị được đọc bằng kiến trúc, bằng các công trình xây dựng, bằng các chất liệu xây dựng. Cái còn lại của một đô thị về mặt vật chất cũng là kiến trúc và xây dựng. Liệu còn gì nữa nếu hôm nay Hà Nội mất đi di tích thành Thăng Long, khu phố cổ, khu phố Tây và trên 1.500 di tích lịch sử-văn hóa, đền chùa, miếu mạo.
Vậy thì sau những nghi thức, những cuộc vui, rất hoành tráng nhưng qua cũng rất nhanh, người ta mong sẽ còn lại một Hà Nội ở một tư thế khác, tư thế của một thủ đô nghìn năm tuổi. Tư thế ấy là giàu (chủ yếu nhờ buôn bán) và đẹp (chủ yếu nhờ xây dựng) để (có lẽ không đến nghìn năm sau) người ta sẽ nói về hôm nay như một sự khởi đầu.
Vũ Duy Thông