.

Nhân lên truyền thống Thủ đô

Người Việt Nam quý khách, mến khách. Tục ngữ có rất nhiều câu căn dặn cách đối xử với khách. Lịch sự, mến khách là thuần phong mỹ tục từ trong truyền thống, là nếp sống của người Việt. Càng có tiếng là người Hà Nội, nét đẹp ấy sẽ được thử thách trong dịp này.

Cho đến hôm nay, mọi việc đã diễn ra tốt đẹp. Không chỉ việc chuẩn bị ở mức tốt nhất có thể về phía Ban tổ chức cho 10 ngày Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội cơ bản đã xong mà trật tự an toàn giao thông, an ninh xã hội, kể cả thời tiết nữa đều thuận. Chưa bao giờ Hà Nội có nhiều chương trình lễ và hội đông vui như 10 ngày này. Chưa bao giờ Hà Nội đẹp như trong 10 ngày này và cũng chưa bao giờ Hà Nội có nhiều người như những ngày này. Một chương trình đã được chuẩn bị chu đáo, dày công và diễn ra êm thuận như thế chắc chắn sẽ để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng mọi người. Nhưng vẫn còn một việc phải chờ đợi sự tham gia tích cực của người Hà Nội, đó là nếp cư xử lịch sự, mến khách của người Thủ đô.

Lịch sự, mến khách trước hết là đối với khách. Dịp này, hàng chục vạn, hàng triệu lượt người được mời và không được mời nhưng vì yêu mến, vì muốn hòa vào niềm vui chung sẽ về với Hà Nội. Một lượng người đông hơn lệ thường như thế dồn về cùng một lúc, muốn hay không cũng tạo ra sự quá tải. Giao thông có thể ùn tắc, khách sạn và nhà trọ có thể thiếu phòng, lương thực thực phẩm có thể căng thẳng, trật tự an ninh xã hội có thể phức tạp hơn.
 
Cùng với lượng người tăng, các hoạt động lễ hội dày đặc, vệ sinh môi trường, y tế cộng đồng cũng có những yêu cầu đột xuất. Làm sao để ai về Hà Nội dịp này cũng thấy Thủ đô vui hơn, sạch đẹp, khang trang hơn, trật tự, ngăn nắp hơn, con người văn minh, lịch sự hơn. Làm sao để những người từ địa phương khác về đây có ấn tượng mình được đối xử thân thiện, ân tình như về gia đình, không ân hận vì đã cất công về thăm Thủ đô trong dịp đại lễ, là một đòi hỏi rất cao với những người đang sinh sống ở Hà Nội.

Lịch sự, mến khách thể hiện rất rõ ở cách cư xử với khách hàng. Đã buôn bán là phải có lãi, thậm chí phải coi 10 ngày đại lễ này là một dịp làm ăn, không ai đòi hỏi phải cho không, phải bán không lãi trong mọi hoạt động kinh doanh. Nhưng điều cần đòi hỏi là việc mua bán phải văn minh, trung thực. Không nói thách quá mức. Không chặt chém, bắt bí. Không bán hàng giả, hàng kém chất lượng, lừa gạt khách. Cư xử mềm mỏng, tôn trọng nhau, vui lòng khách đến vừa lòng khách đi.

Lịch sự, mến khách còn ở cách đối xử với nhau. Làm sao để không có trộm cắp, cướp giật, trọng án, xô xát, chửi bới. Làm sao để giảm tới mức tối đa những cảnh ngang tai chướng mắt, nói tục chửi bậy, ăn mặc mất mỹ quan ngoài đường, nhất là ở những nơi tập trung đông người. Làm sao để nếp sống của người Hà Nội không chỉ để lại cảm tình mà còn là mẫu mực để những người ở địa phương khác về noi theo.

Người Hà Nội là thế và khách của Hà Nội cũng nên như thế. Cả hai phía đều lịch sự, thân thiện, đó là cách tốt nhất để mỗi người đều có phần trong thành công chung của dịp đại lễ, điều mà ngoài mình ra, không thể ai làm thay được mình.

THANH BÌNH
;
.
.
.
.
.