"Trước đây, mỗi khi đi làm đồng về, hễ thấy vợ bê trễ chuyện cơm nước là trong người bực bội, khó chịu. Những lúc ấy, chỉ cần về càu nhàu, “vặn vẹo” lại một câu là tôi sẵn sàng nhảy vào cho ngay cái bạt tai. Nhưng bây giờ tôi đã đỡ nhiều rồi, có lần đã giơ tay lên rồi lại hạ xuống vì kìm được”. Đấy là lời nói rất thật của ông Ngô Hòe, tổ 3, phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ.
Cuộc hành trình cam go
Các lớp tập huấn về giới trang bị kiến thức cho phụ nữ trước những nguy cơ về bạo hành, bất bình đẳng giới. (Ảnh do Tổ chức Tầm nhìn Thế giới - Chương trình Phát triển khu vực Hòa Vang cung cấp) |
Một trường hợp khác tại quận Ngũ Hành Sơn, từ khi vợ có thai, anh chồng công khai quan hệ với người phụ nữ khác. Chỉ cần vợ “có ý kiến” là anh bắt đầu tát tai, đánh đấm. Có lần, lấy lý do vợ chậm ra mở cửa, anh chồng vô tư chạy xe máy húc thẳng vào bụng vợ dù cái thai đã đến tháng thứ 6. Người dân sống quanh đó đã nhiều lần sang can thiệp, hòa giải nhưng anh chồng vẫn tính nào tật nấy, lại còn quy cho vợ cái tội “chuyện trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường”. Chị vợ dù mặt mày bầm tím, vẫn đi năn nỉ mấy chị Hội Phụ nữ giữ kín chuyện. Và cứ như vậy, chị vẫn âm thầm chịu đựng kiểu “đóng cửa chịu đòn”, các cấp Hội cũng đành bó tay khi cả vợ lẫn chồng không chịu hợp tác.
Cũng như ở thành thị, bạo lực gia đình (BLGĐ) xảy ra ở nông thôn đã làm xáo trộn hạnh phúc biết bao nếp nhà của người nông dân. Ông Phan Công Đây, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hòa Vang cho biết: “Là huyện thuần nông, đời sống còn nhiều khó khăn, dân trí thấp, tình trạng BLGĐ vẫn còn xảy ra phổ biến ở Hòa Vang. Đa số ông chồng còn tư tưởng coi thường phụ nữ, xem việc đánh đập vợ con là “chuyện thường ngày ở huyện”. Nhiều gia đình cho đó là chuyện nội bộ. Trường hợp nặng hơn là gây mất trật tự công cộng, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác nhưng họ không hề hay biết”.
Chính vì vậy, nông dân là đối tượng đầu tiên Hội Nông dân huyện chọn để tuyên truyền vai trò, trách nhiệm của mình trong bảo vệ hạnh phúc gia đình, xem đó là một trong những tiêu chí để đánh giá gia đình văn hóa.
Theo bà Đỗ Thị Kim Lĩnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP. Đà Nẵng, những trường hợp nêu trên, Hội LHPN đã mời đến UBND thành phố dự buổi nói chuyện với Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh vào tháng 8-2009 và buộc ký vào cam kết “không đánh vợ” do thành phố đề xuất. Sau một năm, tình trạng BLGĐ tại Đà Nẵng có xu hướng giảm mạnh. Phần lớn những gia đình thường xuyên diễn ra cảnh BLGĐ, các cấp Hội đều nắm rõ danh sách để tiện cho việc tư vấn, hòa giải. Nhưng vẫn có không ít trường hợp người trong cuộc tỏ ra không hợp tác với những người làm công tác phòng, chống BLGĐ.
Sự chuyển biến đồng bộ của tình trạng BLGĐ trong thời gian qua nhờ vào sự “tuyên chiến” quyết liệt với BLGĐ của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng. Cụ thể, đó là việc ký vào bản bản cam kết “không đánh vợ” từ phía người chồng. Là việc xây dựng tổ hòa giải ở tận cơ sở, là sự nhân rộng mô hình CLB “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, CLB “Phòng, chống BLGĐ”; mở các điểm đọc báo cho nông dân, lồng ghép tuyên truyền phòng chống BLGĐ với phòng chống HIV/AIDS, tăng cường tuyên truyền kiến thức Luật Phòng, chống BLGĐ và đối thoại với người dân.
Chồng nói thì vợ bớt lời
Đã hơn 10 năm nay, gia đình ông Ngô Hòe và bà Đoàn Thị Ngọc mới có những phút giây vợ chồng cười nói vui vẻ, tận hưởng niềm hạnh phúc của những người đã bước qua tuổi 50. Để có được thứ hạnh phúc muộn màng này, vợ chồng ông đã phải trải qua những ngày tháng tự đấu tranh với chính mình. Giờ, ông Hòe đã “ngộ” ra nhiều điều. Ông nói: “Trước đây, mỗi khi không kiềm chế được cơn giận, tôi cứ vô tư “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ khi thấy bà ấy “dám hỗn” với chồng. Nhưng sau khi được các chị trong Hội LHPN phân tích đúng, sai, tôi cảm thấy thời gian qua mình quả thật là một người chồng tồi tệ”.
Bà Ngọc cũng rút ra cho mình được nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống: Tôi cũng nhận ra một điều “chồng nói thì vợ bớt lời” nên không khí gia đình đã đỡ căng thẳng. Nếu như trước đây ông ấy không bao giờ vào bếp phụ vợ chuyện cơm nước thì nay, mỗi khi tôi có việc về muộn, ông ấy đã biết giúp vợ cắm nồi cơm, nhặt ít rau để đó….
Được biết, một trong những nguyên do gây ra BLGĐ xuất phát từ phía phụ nữ. Chồng đánh. Vợ chửi. Chẳng ai chịu nhường ai. Trường hợp này chiếm đến trên 30% nguyên nhân dẫn đến BLGĐ hiện nay.
Cũng tại phường Hòa Thọ Tây, cuộc sống gia đình anh Nguyễn Văn H. và chị Huỳnh Thị Ng., trú ở tổ 2 cũng đã êm ấm hơn xưa. Ngày trước, có lần hai vợ chồng cãi nhau, anh H. đã tạt nước sôi vào vợ. Lần đó, chị Trần Thị Bích Liên, Chủ tịch Hội LHPN phường đã ngay lập tức đến tận nhà để đưa chị Ng. đi bác sĩ. Sau khi được đưa ra hòa giải tại buổi sinh hoạt định kỳ của CLB “Phòng, chống BLGĐ”, gia đình anh H. đã không còn xảy ra cảnh vợ cãi lại chồng cũng như cảnh chồng đánh vợ. Chị Bích Liên cho biết, ngoài CLB “Phòng, chống BLGĐ”, phường Hòa Thọ Tây cũng đã xây dựng được 3 địa chỉ tin cậy tại cơ sở, thường xuyên tư vấn, giúp đỡ những đối tượng bị BLGĐ. Qua một năm, Hội LHPN phường đã giải quyết thành công 16 vụ BLGĐ.
Cũng như những chị em bấy lâu nay âm thầm gánh chịu nạn bạo hành về tinh thần đã tìm được những điểm dựa tin cậy để tự mình lên tiếng, những người phụ nữ bị hành hạ về thể xác đang được toàn xã hội tiếp sức để thoát khỏi sự cam chịu.
Ông Ngô Hòe nói rằng, thời gian gần đây, đi đến đâu người ta cũng tuyên truyền thông điệp: “Mình là đàn ông, mình chống bạo lực gia đình”, khiến tôi cũng thuộc lòng câu nói này. Để có được những người như ông Ngô Hòe nhận thấy hành vi sai trái của mình và dần tìm được tiếng nói chung trong đời sống vợ chồng quả là một hành trình đầy cam go.
Tiểu Yến