.

Trống hội tưng bừng năm cửa ô

.

Cả thành phố bừng thức theo tiếng trống hội rung vang trên khắp năm cửa ô. Trống vang lên ở Quảng trường Ba Đình. Trống dồn dập quanh hồ Hoàn Kiếm. Trống vọng vang dọc dài Nghi Tàm, Quảng Bá, Nhật Tân… những làng cổ trồng hoa, trồng đào nằm sát Hồ Tây. Vậy là Hà Nội đã chính thức vào Đại lễ.

Mô tả ảnh.
Vườn  hoa Lý  Thái Tổ, nơi diễn ra Lễ Khai mạc Đại lễ.

Sống lại thời vua Lý vua Trần

Gia đình tôi sống trong làng cổ Vĩnh Phúc. Đây là một trong “Thập Tam Trại” được hình thành từ đầu đời Lý. Suốt đêm sân làng không ngớt tiếng trống và những làn điệu dân ca xưa nhất của Thăng Long như điệu hát múa Cung đình, hát Ả đào, chèo… Sáng tinh mơ dân làng Vĩnh Phúc trong trang phục lễ hội, đội ngũ chỉnh tề lên phố, nhập vào đoàn người đông đảo như cuộc diễu hành. Đi đầu là các cụ cao niên, râu tóc bạc phơ, đầu chít khăn đen, áo dài đỏ tía cùng đội múa Rồng, múa Sư tử,  đội trống của thanh thiếu niên. Ngước lên bầu trời thu xanh trong, cờ phướn phấp phới bay trong gió sớm. Cả thành phố như đang sống lại thời vua Lý vua Trần trong tiếng trống âm vang, nao nức.…

Nhân dân cả nước đã chuẩn bị cho hành trình vào Đại lễ từ lâu trong niềm hào hứng, tự hào. Còn nhớ dịp Tết Canh Dần đầu năm nay, một lễ hội tưng bừng được tổ chức tại Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Lễ hội mở đầu bằng điệu múa Bài bông, điệu múa cung đình cổ xưa của Thăng Long. Sau đó là lễ rước vào điện Kính thiên với chủ đề “Văn hóa Tâm linh Việt”. Các nghi lễ nghệ thuật, ca múa truyền thống, phường hội như bước hành trình trở về cội nguồn Thăng Long xưa.

Các dân tộc anh em trong cộng đồng Việt đem về Hội Xuân nét đặc sắc văn hóa của dân tộc mình. Người Thái có múa xòe, múa quạt. Người Dao có ném pao, thổi khèn. Cồng chiêng Mường trầm hùng, hoành tráng… Cũng tại Hội Xuân đầu năm, nhiều địa phương đã đem về Hà Nội những sản phẩm tiêu biểu, độc đáo. Gốm Bát Tràng, Thổ Hà, lụa Vạn Phúc, tranh Đông Hồ, Hàng Trống, chạm bạc Đồng Xâm, Định Công, mộc Đồng Kỵ, đúc đồng Đại Bái, tạc đá Ninh Vân, v.v… minh chứng hùng hồn lịch sử Thăng  Long - Hà Nội xưa và nay vẫn là nơi hội tụ nét tinh hoa của cả dân tộc.

Có lẽ đó là cuộc tập dượt quy mô lớn cho hành trình vào Đại lễ và bây giờ trống đã rung, cờ đã mở tung bay, trên Quảng trường, trên từng ngõ phố, từng cổng nhà Hà Nội.

Hành trình vào Đại lễ

Mô tả ảnh.
Thiếu nữ Hà Nội trẻ trung, duyên dáng trong tà áo dài truyền thống.
“Tổng tập ngàn năm Văn hiến Thăng Long” đã kịp ra mắt chào mừng Đại lễ. Ngàn trang sách, chứa đựng những sự kiện lịch sử chính trị, văn hóa, đời sống xã hội, hành trình xây dựng kinh đô nghìn năm tuổi. Khi công bố công trình có ý nghĩa đúng vào dịp Đại lễ, các nhà nghiên cứu, biên soạn đã nhận được sự hoan nghênh của công chúng. Đánh giá tính chính xác lịch sử, khách quan, những phát hiện mới, sự sâu sắc trong khám phá đến đâu trong từng trang sách công phu này, có lẽ còn cần nhiều thời gian tìm hiểu, thẩm định. Nhưng tâm huyết của các nhà khoa học, các nhà tổ chức công trình lịch sử - văn hóa “Nghìn năm Văn hiến Thăng Long”, quả đáng trân trọng vô cùng.

Vậy là bức tranh thảm lớn đã được các nghệ nhân Đông Thành, Hoa Lư thêu với cái tên thật sự ý nghĩa: “Hồn thiêng Đại Việt”. Kỳ công trong nhiều năm, hàng ngàn nghệ nhân đã tham gia vào bức tranh kỷ lục rộng  3,5 mét, dài 35 mét, được xây dựng trên những ý tưởng lớn, đậm sắc sử thi: “Cờ Lau tập trận”, “Thống nhất giang sơn”, “Đại lễ đăng quang”, “Hồn thiêng Đại Việt”, “Bạt Tống bình Chiêm” , “Dời Đô hưng quốc” v.v… là những chương hồi của bức tranh hoành tráng, như thâu tóm bộ sử thi vĩ đại một thời dựng nước, giữ nước thuở Đinh - Lê trước điểm vàng sáng chói, Lý Công Uẩn hạ chiếu dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long.

Cùng với những nghệ nhân thêu Ninh Bình, hơn ba năm liên tục, những đồng nghiệp tại Đà Lạt cũng đã hoàn tất bức tranh thêu “Ước nguyện ngàn năm Thăng Long”. Đến nay bức tranh hoành tráng của hàng trăm nghệ nhân cao nguyên đã được trân trọng chuyển về Hà Nội, kịp dâng lên Đại lễ.

Vào trước ngày bước vào thời khắc trọng đại, chúng tôi ghé thăm cụ Đại thư pháp Nguyễn Văn Bách trên phố Tràng Tiền. Cụ trầm ngâm ngắm nhìn tác phẩm “Thiên Đô chiếu” trang trọng mà cụ vừa mới hoàn thành. Người vừa viết chữ Nho đẹp, lại am hiểu  sâu sắc Nho học như “Long Thành Lão nhân” Nguyễn Văn Bách, xưa nay hiếm lắm.

Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội đã trân trọng tiếp nhận tác phẩm đầy tâm huyết này của các nghệ nhân dâng lên Đại lễ.

Chợt nhìn thấy nhà văn Nguyễn Khắc Phục. Anh vừa như thấm mệt, căng thẳng, lại như phấn chấn với những ý tưởng bất ngờ, táo bạo. Tác giả bộ tiểu thuyết lịch sử “Thăng Long ký” đang hoàn tất phần cuối chương trình hoành tráng mừng Đại lễ. Một sức làm việc phi thường. Nếu không tràn trề nhiệt huyết như ngọn lửa bùng cháy trong trái tim người nghệ sĩ - công dân như anh, có lẽ khó đứng vững ngày đêm nhọc nhằn với kịch bản - đạo diễn, với những cắt, bỏ, bổ sung không ngừng nghỉ từng ngày, từng trường đoạn, từng chi tiết cho đến khi chương trình thật sự hoàn chỉnh, vừa ý.

 Anh nói:

- Câu chuyện Thăng Long phải được kể trên đôi cánh của sự hùng tráng, chân thực lịch sử và bay lên của một thành phố khát vọng vì hòa bình và phát triển. Một ngàn năm Thăng Long, trải qua bao biến cố thăng trầm, vẫn đứng vững trước mọi thử thách và không ngừng phát triển, chứng tỏ sức sống mãnh liệt của một biểu tượng đất nước.

Cũng trong những ngày khẩn trương trước ngày Đại lễ, tôi đến Đoàn chèo Hà Nội. Râm ran tiếng nhị, tiếng sáo cùng tiếng trống gõ nhịp, đổ hội. Đoàn trình Đại lễ chân dung Cao Bá Quát, một nho sĩ tiêu biểu, tâm hồn luôn hướng đến cái đẹp, một nhân cách mạnh mẽ, cương trực không chịu khuất phục trước cường quyền, bạo chúa nhưng lại cúi mình trước một cành mai. Đoàn kịch nói Hà Nội đang dựng lại vở “Hà Mi của tôi” như để công chúng nhớ lại một thời của Hà Nội trong đạn bom khói lửa.

Ở người này, là sự sôi nổi hưng phấn như muốn bay lên. Và ở nhiều người khác là sự trầm tĩnh, suy tư như lắng đọng. Mỗi người một vẻ, tùy vào công việc và cũng tùy vào tính cách riêng. Nhưng cái chung nhất là tâm huyết của những công dân Thủ đô dồn nhiệt huyết, tình yêu vào mỗi việc làm có ý nghĩa nhất cho Ngàn Năm.

Theo chương trình được hoạch định từ đầu năm 2010, đến nay nhiều phần được thu gọn lại cho phù hợp với điều kiện đất nước, tránh lãng phí mà vẫn giữ được đầy đủ nét trang trọng, tưng bừng, tràn đầy giá trị nhân văn. Đại lễ không cần thiết huy động cả ngàn người, nhiều tiết mục quá phức hợp. Cốt thiết và tinh túy của Đại lễ là cảm nhận trong sâu thẳm trái tim mỗi người sự kế thừa đầy trách nhiệm của nhiều thế hệ người Việt Nam đối với truyền thống cha ông để lại. Từ trong quá khứ hào hùng của ngàn năm dựng đất Thăng Long, ngày nay, người Việt Nam, già cũng như trẻ, đang sống ở trong nước hay làm việc, học tập ở nước ngoài cùng một tâm nguyện xây dựng một Thủ đô của nước Việt Nam phát triển, hội nhập, kiêu hãnh song hành cùng  các quốc gia tiên tiến, văn minh trên thế giới. 

Đúng 8 giờ sáng ngày 1-10-2010, nhằm ngày 23 tháng 8 âm lịch năm Canh Dần, dưới chân tượng đài Lý Công Uẩn, vị vua anh minh, đặt nền móng cho Thủ đô Đại Việt ngàn năm trước, tiếng trống mở Hội đã vang lên. Cùng với tiếng  trống tại vườn hoa Lý Thái Tổ, hàng trăm ngàn tiếng trống trên khắp quận huyện, phường phố Thủ đô đồng loạt rung vang. Diễn văn của lãnh đạo Nhà nước, của thành phố được truyền đi trên sóng truyền hình, Đài Tiếng nói Việt Nam. Các Đoàn Nghệ thuật biểu diễn các tiết mục đặc sắc nhất tại 5 địa điểm quanh hồ Hoàn Kiếm huyền thoại. Trong lúc náo nức đến phòng triển lãm, đến sân khấu ngoài trời, dự Tuần phim Lịch sử, cách mạng, mỗi người như nóng lòng chờ đợi giờ phút nối cầu truyền hình “Cả nước với Hà Nội” do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức, bắt đầu vào đúng 20 giờ, trước khi khép lại ngày mở đầu cho 10 ngày Đại lễ.

Người già như trẻ lại. Trẻ em vẫy cờ hoa, mở rộng vòng tay đón ngày hội lớn của Dân tộc. Trái tim mỗi người dân Việt, cùng hướng về Cội nguồn thiêng liêng với một tình yêu tràn ngập. Niềm kiêu hãnh, tự hào Thủ đô ngàn năm tuổi dâng lên cùng cảm hứng hào sảng “Thăng Long - Hà Nội - Thành phố Rồng bay”.

Ghi chép của ĐOÀN TỬ DIỄN

;
.
.
.
.
.