Chị M - vợ anh B, là Chi hội trưởng Nông dân của thôn, một cán bộ hoạt động rất tích cực. Thời gian gần đây anh B thường xuyên đi làm về trễ, hay uống rượu say và thường xuyên lớn tiếng, đánh đập hắt hủi chị M, đòi ly dị. Với tư cách là một người bạn của gia đình anh B chị M, đồng chí xử lý tình huống này như thế nào?
Hội thi “Mái nhà xanh không BLGĐ” đã được nhân rộng xuống các xã ở Hòa Vang. |
Bất hòa về giới, bạo hành trong gia đình đã được các thí sinh giải quyết mỗi người một cách dựa theo thực tế và kiến thức về pháp luật mà mình lĩnh hội được. Hầu hết các thí sinh đều bắt đầu phần xử lý tình huống bằng sự tìm hiểu, phân tích nguyên nhân dẫn đến hục hặc trong gia đình từ cả hai giới, từ đó đưa ra lời khuyên có tình, có lý để hai người “làm lành” bền vững với nhau.
Nam giới, ở đây là nông dân, là chủ thể chính gây ra BLGĐ. Từ đây, Hội Nông dân huyện sẽ đưa hội thi này vào một trong hai hoạt động chính hằng năm của Hội (cùng với Hội thi Kiến thức nhà nông) để đẩy mạnh tuyên truyền về Luật BĐG và Luật PCBLGĐ.
Cùng nội dung này, Hội LHPN huyện Hòa Vang tổ chức Hội thi “Mái nhà xanh không có BLGĐ” nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 vừa qua. Năm ngoái, các Hội LHPN 11 xã đã tổ chức Hội thi BĐG và PCBLGĐ, năm nay tiếp tục đưa mô hình “Mái nhà xanh không có BLGĐ” về các xã, nhân rộng hội thi với những câu hỏi tình huống sát với từng địa phương.
Không một cá nhân, tập thể nào có thể triển khai hiệu quả công tác BĐG và PCBLGĐ sâu rộng vào các tầng lớp nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, mà cần một nỗ lực của cả cộng đồng. Hai hội thi trên đây là các hoạt động gần đây nhất ở Hòa Vang, được Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam - Chương trình Phát triển khu vực huyện Hòa Vang (thành phố Đà Nẵng) tài trợ. Ông Lê Ngọc Tùng, Quản trị Chương trình cho biết, đây là tài trợ nằm trong Dự án Nâng cao năng lực, nâng cao nhận thức về giới cho cộng đồng từ thôn đến các xã nông thôn. Nếu thôn, xã nào xây dựng được kế hoạch khả thi về nội dung này thì Dự án sẽ sẵn sàng tài trợ kinh phí tổ chức.
VIÊN PHÚC QUÂN