Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2008. Đây là bộ luật được hình thành từ thực tế của xã hội, trong đó có quá trình phát sinh đô thị hóa, chuyển đổi cơ chế xã hội khiến cho gia đình có những biến động lớn. Mô hình gia đình truyền thống bị phá vỡ, nhiều thế hệ không còn sống chung một nhà nên mối quan hệ tình cảm, dạy dỗ của ông bà cũng vơi dần đối với con cháu.
Ý nghĩa của những con số
Hội LHPN xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang thành lập tủ sách nhằm tuyên truyền pháp luật về bình đẳng giới, PCBLGĐ đến người dân miền núi. |
Tuy nhiên, thống kê về BLGĐ chưa bao giờ có con số cuối cùng, bởi lẽ, theo phân tích của ông Huỳnh Minh Nhơn, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL thành phố Đà Nẵng, có hai nguyên do. Thứ nhất, số đông cứ nghĩ BLGĐ là chồng đánh vợ nên ghi nhận số này, chứ vợ đánh chồng hoặc bạo lực tinh thần, bạo lực kinh tế thì không ghi. Thứ hai, nhiều trường hợp người ta giấu giếm, “đóng cửa dạy nhau”, không báo cáo vì sợ mất... điểm thi đua! Cũng theo ông Nhơn, Bộ VH-TT-DL đang xây dựng biểu mẫu chuyên để chống “khai man” tình trạng BLGĐ ở cơ sở.
Mỗi con số thống kê bao giờ cũng có một ý nghĩa nhất định. Một số địa phương rất ngại công bố con số về BLGĐ, nhưng cũng không ít người mạnh dạn nói thẳng về điều này, xem đó như một nhát dao mổ vào ung nhọt của cộng đồng trên quan điểm có làm tốt thì mới phát hiện ra nhiều vụ việc. Bà Phạm Thị Nhàn, Chủ tịch Hội LHPN quận Cẩm Lệ đơn cử: “Về BLGĐ, phường Hòa Thọ Tây năm 2009 có 12 cặp vợ chồng, 9 tháng đầu năm 2010 thêm 4 cặp nữa. Đây không phải là con số lớn nhất toàn quận, nhiều nơi người ta giấu, nhưng qua con số này cho thấy Hòa Thọ Tây làm rất tốt công tác triển khai Luật PCBLGĐ xuống tận cơ sở. Cả cộng đồng, trong đó chủ công là Hội và các chi hội LHPN trong phường, theo dõi sít sao nội dung này, nói như các chị là cập nhật thông tin về BLGĐ như cập nhật giá vàng. Nhờ đó, đã có 12 cặp vợ chồng tiến bộ, hiện không còn BLGĐ”.
Xã Hòa Ninh hiện có 8 cặp vợ chồng BLGĐ, cao nhất huyện Hòa Vang, theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện, là địa phương đi đầu trong PCBLGĐ. Mô hình “3 trong 1” (1 cán bộ Hội, 1 cán bộ Đảng/Chính quyền/Mặt trận/đoàn thể, 1 tình nguyện viên giúp đỡ 1 hộ gia đình có BLGĐ) đã được triển khai sâu rộng tại Hòa Ninh như là một tiêu chí thi đua do Hội LHPN thành phố nêu ra. Bà Võ Thị Lạc, Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết, từ khi có mô hình “3 trong 1”, các chị bị BLGĐ không còn cam chịu mà đã thay đổi thái độ, sự quan tâm của cả cộng đồng về vật chất lẫn tinh thần đã giúp những ông chồng BLGĐ “ngộ” ra và tiến bộ rõ rệt. Ông Bùi Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ xã Hòa Ninh nhấn mạnh: Sau khi đồng chí Nguyễn Bá Thanh gặp mặt 130 ông chồng BLGĐ, nam giới có BLGĐ trong xã mới thực sự “tu tỉnh” làm ăn.
Cộng đồng vẫn chưa đồng bộ
Hội Nông dân huyện Hòa Vang tổ chức nhiều hoạt động góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về PCBLGĐ. |
Gia đình hiện là một mảng quản lý của ngành VH-TT-DL, nhưng thực tế một số hoạt động đã không có sự tham gia của ngành. Cuộc gặp mặt 130 ông chồng bạo hành và gần 300 thiếu niên hư vừa qua không phải do ngành VH-TT-DL đứng ra tổ chức, cũng chẳng phải là thành viên tham gia nên rất nhiều người cho rằng gia đình không thuộc sự quản lý của ngành VH-TT-DL! Trong khi đó, một trong những tiêu chí gia đình văn hóa (do ngành VH-TT-DL theo dõi và cấp giấy chứng nhận) là không BLGĐ, không thiếu niên hư. Việc không đồng bộ này cho thấy triển khai PCBLGĐ trong cộng đồng hiện vẫn còn lúng túng.
Cuộc gặp mặt giữa Bí thư Thành ủy với 130 ông chồng bạo hành vừa qua đã có tiếng vang lớn trong cả nước. Ông Chiến nhận xét: “Mình báo cáo cả nước rất sướng, vì không đâu có một lãnh đạo như vậy, nhưng cũng chỉ là hồi chuông thôi, hiện các cấp chính quyền vẫn chưa làm được gì để phát huy tinh thần cuộc gặp gỡ này về lâu dài, nhân tầm lên”. Ông Nhơn thêm vào: “Luật mới ra đời hơn 2 năm, chưa thấm xuống tới dân. Lãnh đạo các địa phương cũng chỉ mới quan tâm những vấn đề sát sườn hơn, nóng hơn như đền bù giải tỏa, kinh tế, đất đai, môi trường…”.
Xã hội Việt từng có một lũy tre làng bao bọc những giềng mối đạo đức truyền thống. Thế rồi, lũy tre bỗng dưng bị phá dỡ để cả làng quê bước lên phố thị. Gia đình, đơn vị được xem là tế bào của xã hội, bắt đầu từ đó đổi thay, có những đổi thay ít ai ngờ tới là tình trạng BLGĐ. Đã đến lúc cần lắm một “lũy tre” trong lòng người, được xây dựng bởi những nhận thức tự thân mỗi người về pháp luật, sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, sự chung tay phục hồi những giá trị đạo đức truyền thống của cả cộng đồng. Có như thế, công tác PCBLGĐ, với những kết quả cụ thể khả quan ban đầu, sẽ mang tính chiến lược và đạt hiệu quả dài hơi hơn.
Thực chất, công tác đấu tranh cho bình đẳng giới, PCBLGĐ lâu nay có hiệu quả là do nỗ lực của Hội LHPN, chứ sự can thiệp của Nhà nước không lớn. Vì sao? Công an đi tìm chứng cứ hành xử bạo lực dẫn đến thương tích để xử theo luật là rất khó. Bao năm nay chưa thấy xử vụ BLGĐ nào lớn, nhưng hậu quả do BLGĐ là cực kỳ nhiều. Để cho PCBLGĐ hiệu quả, vai trò người vợ trong gia đình là quan trọng, nhưng vì sợ mất chồng, mất con mà họ cam chịu đánh đập để giữ lại, nhưng bản thân họ cũng đâu biết rằng như thế cũng là vi phạm pháp luật. Cách tuyên truyền hiện nay vẫn chưa mang lại nhận thức đó cho phụ nữ. Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL thành phố Đà Nẵng Nguyễn Hữu Chiến |
VĂN THÀNH LÊ