.
Xã giao thường thức

Bắt tay và ôm hôn xã giao

.
Trong giao tiếp, bắt tay và ôm hôn là phép xã giao thông thường nhưng đồng thời nó cũng là cách thể hiện sự ưu ái, chân thành của mình đối với người đang tiếp xúc.

Mô tả ảnh.
Ảnh minh họa
Khi bắt tay ai, ta nên tỏ thái độ niềm nở, chân thành. Đưa tay phải ra nắm cả bàn tay khách và không giữ lâu. Bắt tay mạnh quá là thô bạo, hời hợt là thiếu tôn trọng, nhất là với người đứng tuổi, có cương vị và phụ nữ. Khi bắt tay cần giữ tư thế đàng hoàng, không vồ vập, không cúi gập người, nên đứng ngay ngắn và giữ thái độ lịch thiệp. Không dùng hai tay để bắt với tư thế khúm núm, nên chọn vị trí đứng bắt tay cho phù hợp với địa vị và nhân cách của mình. Không bắt tay hai người cùng một lúc. Khi bắt tay, nên nhìn vào mắt người mình bắt tay, nếu không, dễ gây nên hiểu lầm là kẻ cả và trịch thượng. Không nên đứng trên thềm cao chìa tay bắt tay người đang bước lên mà phải đợi khách bước lên ngang hàng với mình rồi mới bắt tay. Khi đang ngồi mà có khách tới làm quen thì nên đứng dậy bắt tay.

Với người chưa quen biết, ta không nên chủ động giơ tay, nên chờ giới thiệu để làm quen rồi mới bắt tay. Dù có quen biết cũng không chủ động bắt tay người có cương vị cao hơn mình, nhất là đối với phụ nữ.

Về mùa đông, khi bắt tay, nếu nam giới đeo găng tay thì phải tháo găng tay ra. Không nên một tay đút trong túi áo, túi quần, còn một tay bắt tay khách.

Cần chủ động bắt tay nếu ta là chủ nhà đứng đón khách, chủ trì cuộc chiêu đãi, hội thảo, ký kết hay ở cương vị cao, có tuổi hơn khách. Nếu ta trẻ hơn khách hoặc gặp khách có cương vị cao, có tuổi hoặc phụ nữ thì nên cúi đầu chào, nếu khách đưa tay ra thì hãy bắt tay khách.

Tùy từng trường hợp và hoàn cảnh, chúng ta chọn hình thức bắt tay cho thích hợp. Nhiều khách ở châu Á, người phụ nữ khi chào khách quý thường chỉ chắp tay trước ngực và cúi đầu chào, ta phải đáp lễ cho phù hợp với tập quán của họ.

Trong tiếp xúc xã giao, phụ nữ hay dè dặt trong việc chào hỏi và bắt tay nam giới, nhất là đối với những người lạ. Vì thế, khi gặp nhau nam giới bao giờ cũng chào hỏi nữ giới trước, nếu là quen thân thì nên bắt tay, còn không, chỉ nên nghiêng mình và mỉm cười xã giao là đủ. Thông thường người phụ nữ chủ động chìa tay cho nam giới bắt. Song đối với những người cao tuổi có chức sắc trong các tôn giáo, phụ nữ chỉ cần nghiêng mình chào trước, nếu các vị khách này chủ động bắt tay thì dịu dàng đưa tay ra đón lấy.

Nếu người phụ nữ cùng với chồng chủ trì một cuộc tiếp xúc chiêu đãi thì cần phải chủ động bắt tay khách với thái độ niềm nở và chân thành, nhất là đối với khách nước ngoài.

Trong phòng khách hoặc ở chỗ đông người, phụ nữ có thể ngồi trên ghế và chỉ cần gật đầu, mỉm cười chào nam giới. Đối với người lãnh đạo cao cấp và có tuổi thì phải đứng dậy và chờ người ta đưa tay cho mình bắt. Về mùa đông, phụ nữ đeo găng tay không cần tháo găng tay.

Tập quán ôm hôn thường diễn ra ở nơi đón, tiễn những người quen biết thân thiết hoặc cùng lứa tuổi. Lúc đó người ta thường ôm hôn và kề má vào nhau hoặc ôm hôn và quàng tay lên cổ nhau.

Tập quán hôn tay không diễn ra ở ngoài đường phố, ở nơi công cộng mà chỉ diễn ra ở nơi đón tiếp khách sang trọng, ở các cuộc gặp gỡ thân thích. Ở trong phòng chiêu đãi cấp cao, người ta có thể hôn tay các quý bà có cương vị. Khi được các quý bà chìa tay cho mình hôn thì phải cúi xuống và đặt nhẹ môi mình vào mu bàn tay của người phụ nữ. Tập quán này chỉ áp dụng khi mới đến và ra về.

Tập quán ôm hôn và hôn tay không phổ biến (nhất là ở Việt Nam), phải tùy từng nơi, tùy hoàn cảnh mà áp dụng. Nếu áp dụng không đúng nơi, đúng lúc, đúng đối tượng thì cử chỉ này sẽ trở nên kệch cỡm.

PHI TUÂN (tổng hợp)
;
.
.
.
.
.