Không đỗ đại khoa, không nhờ thế lực; chỉ bằng thực tài cộng một chút cốt tính Quảng Nam là thẳng thắn, hay cãi và cãi tới nơi, Nguyễn Thành Ý đã trở thành nhà ngoại giao hàng đầu của nước ta trong thế kỷ XIX.
Mộ ông Nguyễn Thành Ý ở xã Điện Phước, huyện Điện Bàn, vừa được gia đình trùng tu. (Ảnh: V.T.L) |
Ông không thuộc gia đình có truyền thống khoa bảng. Cha ông chỉ phụ trách nguồn Ô Da, lãnh chức Thủ hạp, nên thường được gọi là ông Thủ Quyền. Nhưng, gia đình ông lại là gia đình học vấn tiêu biểu của Quảng Nam với danh hiệu “Ngũ tử đăng khoa” vì cả 5 anh em ông đều đỗ đạt - dù không phải là đại khoa - gồm 2 cử nhân là Nguyễn Thành Ý, Nguyễn Tịnh Cung và 3 tú tài là Nguyễn Chánh Tâm, Nguyễn Khắc Thân, Nguyễn Tu Kỷ.
Nguyễn Thành Ý đỗ cử nhân khoa thi Hương năm Quý Mão 1843 tại trường thi Thừa Thiên, được bổ làm một chức quan nhỏ ở kinh đô. Trước một rừng các đại khoa toàn tiến sĩ, phó bảng, lại gặp ông vua coi trọng khoa cử và bằng cấp như Tự Đức thì với học vị cử nhân, Nguyễn Thành Ý khó thể có vai vế xứng đáng và được trọng vọng trong triều. Vậy mà, bằng thực tài, ông đã làm thay đổi cái nhìn của vua Tự Đức cùng nhiều đại quan trong triều lúc đó.
Truyện kể, vua Tự Đức vốn rất xem thường các quan không đỗ đại khoa. Trong một lần tiếp sứ thần của nước Vạn Tượng (nước Lào bây giờ), nhà vua sai các quan làm thơ ca ngợi triều đại thái bình của mình và mối quan hệ tốt đẹp của hai nước. Đọc lần lượt các bài thơ dâng lên, đến bài của Nguyễn Thành Ý, Tự Đức đã phải gật gù tán thưởng: “Trẫm không ngờ người này lại làm thơ hay đến thế!”.
Sau đó, Nguyễn Thành Ý được thăng bổ làm Hộ giá Gia Định, rồi Tuần vũ Vĩnh Long nơi “đầu sóng ngọn gió” lúc bấy giờ. Khi Nam Kỳ rơi vào tay Pháp, ông được triệu về kinh để chuẩn bị ra Bắc lãnh chức Tổng đốc Hải Yên (Hải Dương - Hưng Yên).
Do tự học đến mức nói thông thạo tiếng Pháp, một khả năng hiếm có trong giới quan lại thời bấy giờ, Nguyễn Thành Ý đã sớm được triều đình biệt phái làm công việc ngoại giao. Với “biệt tài tranh cãi” và am tường cách thức đối ngoại, năm 1874, Hồng Lô tự khanh Nguyễn Thành Ý được cử làm Khâm phái kiêm Lãnh sự Việt Nam tại Gia Định với nhiệm vụ thương lượng với Pháp nhằm lấy lại 6 tỉnh Nam Kỳ đã mất.
Đến năm 1877, ông được thăng Quang Lộc tự khanh, lãnh chức Chánh Khâm phái dẫn đầu phái đoàn Việt Nam đem hàng hóa và đặc sản đi dự đấu xảo quốc tế tại Paris. Năm 1879, lại dẫn đoàn học sinh Việt Nam sang học tại Trường Cơ khí Toulon (Pháp). Năm 1880, khi về nước, ông tiếp tục làm Khâm phái kiêm Lãnh sự tại Gia Định. Năm 1881, ông được bổ làm Tuần vũ Bình Định, rồi Tả Thị lang Bộ Hộ ở kinh đô.
Năm 1882, với ý đồ mở rộng chiến tranh ra Bắc, mối quan hệ giữa triều đình Huế và Pháp xấu đi nên một lần nữa vua Tự Đức phải nhờ Nguyễn Thành Ý vào Sài Gòn để tiếp tục đàm phán.
Rồi giặc Pháp chiếm thành Hà Nội, Tổng đốc Hoàng Diệu tuẫn tiết; nghĩa quân ta chặn đánh địch khắp nơi và đã giết đại tá Pháp Henri Riviere ở Cầu Giấy; mối bang giao Việt - Pháp từ đó lại càng căng thẳng! Thêm vào đó, phát hiện Lãnh sự Nguyễn Thành Ý đang âm thầm vận động nhân dân vùng bị chiếm quyên góp để gửi về Triều và ủng hộ các cuộc kháng chiến ở Nam Kỳ, nên giữa năm 1883, Pháp ngang nhiên bãi bỏ Tòa Lãnh sự Việt Nam tại Nam Kỳ và trục xuất Nguyễn Thành Ý cùng cộng sự của ông là Phó Lãnh sự Trần Doãn Khanh ra khỏi thuộc địa của Pháp trong vòng 24 tiếng đồng hồ.
Cuối năm 1883, vua Tự Đức băng hà. Trong khi quan tài nhà vua còn đang quàn tại điện Càn Thành thì Pháp ngang nhiên đưa tàu chiến vào tấn công cửa biển Thuận An, uy hiếp kinh thành Huế. Triều đình lại cử Nguyễn Thành Ý, lúc này đang là Tham tri Bộ Binh cùng với Phạm Như Xương và Nguyễn Trọng Hợp đi thương lượng với tướng Coubert. Người Pháp rất “ngán” nhà ngoại giao người Quảng Nam này nên viện cớ Chính phủ Pháp đã trục xuất ông khỏi Nam Kỳ nên khước từ việc ông cùng ngồi thương thuyết. Cuộc đời ngoại giao của ông vì thế mới phải dừng lại để chuyển sang những trọng trách khác.
Năm 1884, ông được chuyển sang làm Tả Tham tri Bộ Công, rồi Tổng đốc Thanh Nghệ (Thanh Hóa - Nghệ An). Trước khi nghỉ hưu ông được triệu về kinh làm Hiệp biện Đại học sĩ, Phụ đạo đại thần.
Năm 1897, ông mất tại quê nhà.
Ba người Quảng Nam là Nguyễn Thành Ý (1819-1897), Phạm Phú Thứ (1820-1882) và Nguyễn Thuật (1842-1911) đều là những nhà ngoại giao hàng đầu của nước ta dưới triều Nguyễn. (Phạm Phú Thứ là Phó sứ trong Sứ bộ của Phan Thanh Giản sang Pháp chuộc lại các tỉnh Nam Kỳ năm 1863; Nguyễn Thuật từng hai lần tham gia lãnh đạo các Sứ bộ triều đình sang thương nghị với Trung Hoa). Nhưng Nguyễn Thành Ý mới chính là vị Lãnh sự đầu tiên trong lịch sử ngoại giao của nước ta.
Nguyễn Thành Ý là tấm gương tiêu biểu của sĩ phu đất Quảng về tinh thần hiếu học, tự lực và thực tiễn, luôn vươn lên bằng chính tài năng thực tế chứ không bằng hư vị của bằng cấp, khoa bảng.
LÊ THÍ