Đại lễ đã đi qua hơn 1 tháng, nhưng còn để lại nhiều dư âm. Những điều nổi cộm, ai cũng dễ thấy như giao thông ùn tắc chưa từng thấy, rào chắn trên nhiều phố lớn, phố bé đến nỗi nhiều người đi chơi không về nổi nhà mình. Giữ xe, ăn uống, quán xá, chợ búa… giá cả leo thang từng ngày, xe ôm thách đố giá cả, nhà nghỉ mặc sức chặt chém. Sau những đêm hội, cây lá tả tơi, giấy thải đầy bãi cỏ, lối đi… Nhưng đó cũng chỉ là một góc nhìn.
Còn một phía khác, thầm lặng, ít người để ý, đã tạo nên vẻ đẹp bình dị của cuộc sống. Không ít chị em làm vệ sinh đường phố, suốt cả đêm khuya kẽo kẹt chiếc xe rác. Có những bác bảo vệ, trật tự viên khối phố, tuổi đã cao nhưng vẫn sát cánh cùng anh em Công an khu vực, lặng lẽ tuần tra. Bến xe, ga tàu đêm hôm vẫn hiện diện những thanh niên tình nguyện. Họ cũng “trực chiến” 24/24 giờ, chẳng khác gì lực lượng an ninh.
Không ồn ào, quảng bá tưng bừng. Những việc làm tử tế, thầm lặng ấy đã đọng lại ấn tượng khó quên về một Hà Nội chu đáo, hiếu khách, thanh lịch.
Bạn tôi đã từng sống, học hành ở Hà Nội nhiều năm. Chiến tranh, anh vào chiến trường và bây giờ anh cùng vợ con sinh sống ở thành phố Quảng Ngãi. Để đón chào Đại lễ, anh ra Hà Nội rất sớm, cũng là dịp để thăm lại bạn bè cũ. Mỗi một lần vòng quanh Hà Nội về, anh lại có thêm đôi ba chuyện kể.
- Người ta cứ đồn, giá gửi xe đâu đó những 30 ngàn, 50 ngàn rồi 70 ngàn… không biết có thực vậy không. Còn tôi gửi xe chỉ đúng... 3.000 đồng, không hơn không kém. Có trả hơn, bác giữ xe cũng không chịu lấy. Bác ấy lúng túng có mỗi chuyện: Không sẵn tiền lẻ, kịp trả cho khách.
Chuyện anh kể như… chuyện ngày thường ở huyện, vậy mà tôi đem lòng hồ nghi. Bởi chính tôi đã hai ngày nay liên tục gửi xe với giá 30 ngàn rồi. Con tôi, mang chiếc xe phân khối lớn, dắt vào bãi bị mấy anh chàng ở Mỹ Đình nhất quyết đẩy ra vì… hầm hố quá. Lấy nhiều tiền của khách, báo chí bêu cho, mà lấy dưới 5 chục thì… thôi, đi gửi chỗ khác cho chúng tôi đỡ mang tiếng. Thời buổi này, nước lên bèo lên. Có mấy ai ngu ngơ, không tranh thủ Đại lễ mà làm suất ăn theo.
Thực ra, trong những ngày đại lễ, đâu đó tôi có gặp một vài quán xá không tăng giá. Gần Văn Miếu, tôi thường ghé vào uống một đôi chén trà, nước mía ở một quán giải khát. Hôm diễn ra Đại lễ, chen chúc không nổi với xe cộ, tôi sà vào quán quen. Hóa ra bác chủ quầy nước mía cũng chỉ lấy 8.000 đồng như mọi ngày. Bác vừa gạn nước vào cốc, vừa tỏ bày, “người mua nhiều gấp đôi, gấp ba ngày thường là lãi lắm rồi, tham mà làm chi”. Cũng gần nhà tôi, trên đường Văn Cao, một quán bún riêu, bún ốc vỉa hè. Ngày thường, một tô 10 ngàn, ngày lễ là 11 ngàn. Cô chủ quầy đon đả, “cho có không khí ngày lễ một chút chứ, các bác nhỉ”. Đấy là lúc nói vui, còn với khách có tuổi, cô lại phân bua, “nơi giao bún tăng giá, mình đành nhích lên chút đỉnh, bác thông cảm...”.
Điểm giữ xe 3.000 của bạn tôi, hiện diện trên phố Nhà Thờ, cạnh hồ Hoàn Kiếm, một trung tâm lớn của 10 ngày lễ hội. Khi cầm chiếc vé nhỏ xíu, trả tiền 3.000 tôi không khỏi tần ngần. Trong nét mặt khắc khổ của người trông giữ xe, khó biết bác đang vui hay đang nghĩ ngợi điều gì. Bác nói:
- Có việc để kiếm sống là phúc lắm rồi. Tôi có lấy của khách hơn tiền ngày thường, cũng không giàu lên được.
Những người giữ xe quanh khu vực Nhà Thờ, Nhà Chung không biết có theo gương bác già trên phố đó không, nhưng giá giữ xe trong khu vực này quả mềm hơn nhiều nơi khác. Mấy anh giữ xe “nghiệp dư”, theo mùa vụ chỉ mời chào 10 ngàn một đầu xe.
Hôm tiễn người bạn Quảng Ngãi về xứ, tôi cảm thấy đôi chút nhẹ lòng. Chỉ một điểm giữ xe nho nhỏ ấy thôi, cũng kịp giữ lại trong anh một dư âm đẹp về Hà Nội sau những ngày tưng bừng hội lễ.
Nguyên Phước