Văn phòng SVV Millon & Associés đã ra giá khởi điểm từ 800 đến 1.200 euro cho bức tranh “Chiều tà” (Déclin du jour) của vua Hàm Nghi (1871-1944). Bức sơn dầu 35cm x 46cm, kích thước không lớn, được vua Hàm Nghi vẽ vào năm 1915. Tác phẩm này được trưng bày tại số 5 Avenue d’Eylau, Paris từ ngày 8-11 đến 23-11 và sẽ được chuyển đến khách sạn Drout để bán đấu giá vào ngày 24-11.
Cựu hoàng Hàm Nghi trong ngày cưới. |
Tuy giá tranh không lớn nhưng một số nhà nghiên cứu mỹ thuật Pháp đánh giá cao tác phẩm này vì tác giả của nó là một vị vua.
Theo tài liệu còn được lưu trữ tại Trung tâm Văn khố Pháp tại Aix-en-Provence, sau khi đến Algérie, Vua Hàm Nghi từ chối không chịu học tiếng Pháp. Tuy nhiên, trong thời gian rảnh rỗi ông hay tiêu khiển bằng cách vẽ tranh, vẽ tùy hứng theo ý ông chứ không theo một sự huấn luyện nào cả. Khi tìm hiểu về thời gian vẽ tranh của cựu hoàng triều Nguyễn, nhiều tư liệu đều phải dựa vào tập sách của nhà văn người Nga Sepkina-Kupernhic.
Qua nhận xét này của nữ văn sĩ - một người có tầm hiểu biết nghệ thuật sâu rộng, đã biểu lộ niềm kính trọng lớn lao đối với Hàm Nghi: “Số phận đã khiến ông cũng là người sáng lập nền hội họa hiện đại Việt Nam. Vua Hàm Nghi có thể có vị trí vinh dự không chỉ trong lịch sử của cuộc đấu tranh vì tự do chống lại chủ nghĩa thực dân, mà còn cả trong lịch sử nền nghệ thuật Việt Nam. Không đâu ở châu Á, châu Phi và Nam Mỹ, một cựu hoàng lại có được một vai trò tương tự như vậy trong lịch sử nền văn hóa của dân tộc mình”.
Chiều tà (Déclin du jour), sơn dầu 1915. |
Dáng dấp lạ lẫm, gợi cảm cùng với sự trang nhã và sự bí ẩn của ông đã tạo nên mối thiện cảm lớn lao trong lòng nữ văn sĩ Nga. Và bà cùng với bạn bè của mình đã trở thành khách mời tại nhà ông, nơi mà bên cạnh những bản thảo và nhạc cụ (cả Đông và Tây), bên cạnh các bản nhạc (mà giữa chúng có cả các tác phẩm của nhà soạn nhạc vĩ đại người Nga Mikhain Ivanôvich Glinka), thì thu hút sự chú ý của khách lại là những bức tranh do chính vua Hàm Nghi vẽ, chúng chứng tỏ cho khách thấy tài năng nghệ thuật của ông.
Ở đó còn có chiếc giá vẽ cùng với bản thảo dang dở. Trong biệt thự của vua Hàm Nghi, nữ văn sĩ Nga còn nhìn thấy “những vật quý giá và thiêng liêng như: Những tấm lụa quý treo tường, cùng với những câu danh ngôn của Khổng phu tử được dát bằng vàng trên lụa, những nhạc cụ của đất nước chàng, những cuộn bản thảo, mực và bút trên bàn viết, những chiếc chiếu cói trên nền nhà. Ở một chỗ khác trong nhà là cây đàn dương cầm, chiếc vi-ô-lông, những bản nhạc, giữa chúng tôi tìm thấy Glinka của chúng ta, và giá vẽ cùng với bản thảo dang dở. Trên những chiếc bàn khắp nơi là phác thảo, là tranh của chàng, chúng cho tôi biết rằng trong thân hình nhỏ bé như chiếc ngà voi kia ẩn giấu tâm hồn của một nghệ sĩ lớn”.
Theo chính sử, vào ngày 17-8-1884, vua Hàm Nghi nối ngôi lúc 14 tuổi. Sau vụ thất bại ở kinh thành Huế, Tôn Thất Thuyết đưa vua ra Tân Sở làm Hịch Cần Vương, kêu gọi nhân dân chống Pháp. Vào Ngày 30-10-1888, vua bị Pháp bắt và đưa đi an trí tại biệt thự Gia Long trên khu đồi El Biar cách thủ đô Alger 12 cây số. Ngài sống tại đây cho đến khi qua đời.
Hoàng Đặng