.

Hồn bạch dương

Lâu lắm tôi mới có được sự thích thú ngồi trước màn hình nhỏ khi giai điệu trữ tình Nga nồng hậu vang lên. Nỗi hoài niệm về nước Nga xa xôi trỗi dậy trong ký ức? Tôi không tự lý giải nổi điều này. Nhưng hồn tôi có tiếng vi vút của bạch dương là điều có thật.
 
Có thể do từ tấm bé, trong những câu chuyện cha kể, nước Nga trở thành xứ sở của chuyện cổ tích đối với tôi. Có thể tâm hồn khao khát sự êm đềm của tôi từng phiêu lãng qua bốn mùa Nga, qua dòng Vonga kỳ vĩ, qua Hồ Thiên Nga, qua Chiều Mạc-tư-khoa, qua những cánh đồng Nga mênh mông và rừng Nga thu vàng. Ở đó tôi đắm mình trong cảm giác tìm đến sự cứu chuộc. Cũng có thể vừa mới đây thôi tôi xuýt xoa tiếc nuối bởi tưởng gặp lại Lep Tonstoi, Doxtoiepsky, Puskin, Lermontop, Exenhin...
 
Họ vừa hiện lên và đi về phía bên kia mặt trời, nhập vào hồn bạch dương, làm nên một vẻ đẹp Nga diễm lệ và hiển túy. Cứ thế tôi miên man cùng nước Nga và thầm cảm tạ Thượng đế đã ban cho em sự trong suốt đến nhường kia. Trong vô số sự hời hợt, nhếch nhác, trong nỗi thất vọng triền miên về một thế giới cứ nát vụn ra bởi thiếu lòng tin, em bình dị và sang trọng biết bao. Trôi theo các vũ khúc, hồn tôi có tiếng vỗ cánh. Em xua giúp tôi sự chán nản. Và hóa ra cái đẹp chỉ đến và ở lại sau tất cả sự hối lỗi. Em, tâm hồn Nga, là niềm thức tỉnh lớn lao với tương lai.

Tôi hiểu ra điều này bằng tất cả những thăng trầm của đời mình. Và giờ đây, khi có được sự bình an, tôi muốn nói lời cảm ơn nước Nga.

Hà Nội cuối thu, nắng vàng như mật ong. Có thêm hồn bạch dương, đem theo lời cầu nguyện cho cái đẹp, trở thành khoảnh khắc siêu phàm mà chỉ bằng lý trí sẽ không bao giờ tận hưởng hết. Cũng là những dịp hiếm của đời người.

Tạ Duy Anh
;
.
.
.
.
.