.

“Mình là đàn ông...”

.
Đã có 8 câu lạc bộ (CLB) thảo luận nhóm về phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) ra đời tại các trường Đại học và THPT trên toàn thành phố từ tháng 9 đến nay, nhằm nâng cao kỹ năng về bình đẳng giới và phòng, chống BLGĐ cho học sinh, sinh viên. Đặc biệt, những người tham gia sinh hoạt đều là nam giới.

Mô tả ảnh.
Những hiểu biết về giới và bình đẳng giới sẽ giúp bạn trẻ xây dựng được mẫu hình người đàn ông lý tưởng cho mình.
 
Học cách chia sẻ

Vui vẻ, cởi mở, chân thành nhưng không kém phần nghiêm túc là những gì chúng tôi cảm nhận được khi tham gia buổi sinh hoạt của CLB “Tôi và chúng ta” tại Trường THPT Hoàng Hoa Thám, quận Sơn Trà. Những buổi sinh hoạt định kỳ của CLB chỉ xoay quanh các vấn đề: Giới và bình đẳng giới, quản lý sự tức giận, xác định các chuẩn mực nam giới, nhận diện bạo lực và phân biệt các dạng bạo lực, cũng như kế hoạch hành động, phòng chống BLGĐ, mối quan hệ giữa nam tính và bạo lực... Cô giáo Nguyễn Thị Phương Lam, Bí thư Đoàn trường chia sẻ: “Ở mỗi buổi sinh hoạt, chúng tôi thường đặt ra cho học sinh những câu hỏi thiết thực như: Bạn đã làm gì trong tuần qua? Ngày tồi tệ nhất mà bạn đã từng gặp? Lần khóc gần đây nhất của bạn? Giây phút bạn cảm thấy hạnh phúc nhất?... Qua đó, các thành viên sẽ học cách lắng nghe và chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn của mình và của người khác”.

Cũng tại buổi sinh hoạt này, khi được hỏi “Lần khóc gần đây nhất của bạn là khi nào?”, nhóm trưởng Phan Trọng Hoan, học sinh lớp 11/7 tâm sự, từ nhỏ bạn đã sống thiếu thốn tình thương của ba bởi ba đi làm ăn xa, mấy năm mới trở về. Vì thế, tình cảm Hoan dành cho ba không được mặn mà. Hoan chỉ thật sự nhận ra tình cảm của mình khi ba qua đời. Từ đó đến nay, lòng Hoan luôn mang một niềm ray rứt. Rồi một hôm, trên đường đi học, bạn tình cờ nghe được một người cha nói với con mình: “Con muốn ăn gì không, ba đi mua?”. Nghe câu nói ấy, tình cảm dành cho người cha quá cố bỗng ùa về, Hoan đã bật khóc ngon lành vì xúc động. Anh Đỗ Lê Vũ, cán bộ Ban Thanh thiếu nhi-Trường học, Thành Đoàn Đà Nẵng, phụ trách chung các CLB kể rằng, trong buổi sinh hoạt, có bạn đã hỏi chúng tôi: “Có lần cãi nhau, em đã tát bạn gái, đó có phải hành vi bạo lực và sau này là BLGĐ không?”.

Theo giáo viên Phương Lam, mục đích hoạt động của CLB là tạo ra một môi trường lành mạnh, an toàn, giúp các thành viên tìm thấy sự tự tin, cùng nhau sẻ chia về nỗi bất hạnh của người phụ nữ. Nội dung sinh hoạt sẽ tác động đến tình cảm và nhận thức, thay đổi hành vi của học sinh nam. Ngoài ra, CLB còn là nơi mà học sinh được chia sẻ, tư vấn những băn khoăn, vướng mắc trong cuộc sống, những vấn đề về giới, cũng như các khúc mắc trong mối quan hệ với thầy cô, bố mẹ và bạn bè…

Mô tả ảnh.
Học sinh, sinh viên tìm thấy nguồn chia sẻ, động viên rất lớn khi có thể nói lên tâm sự của mình trước đám đông.
 
Xây dựng mẫu người đàn ông lý tưởng

Từ khi thành lập đến nay, 8 CLB tại các Trường THPT Hoàng Hoa Thám, Lê Quý Đôn, Phan Châu Trinh, Nguyễn Thượng Hiền, ĐH Thể dục-Thể thao, ĐH Duy Tân đã tổ chức hơn 30 buổi sinh hoạt cho các thành viên, tạo không gian cởi mở để các bạn chia sẻ những hiểu biết của mình về giới. Tại buổi sinh hoạt của CLB Bạn và Tôi, Trường ĐH Thể dục-Thể thao Đà Nẵng, bạn Nguyễn Gia Thuận, thành viên CLB bộc bạch: “Do các thành viên CLB đều là nam giới, nên chúng tôi dễ dàng hơn khi nói lên những ưu, khuyết điểm của mình, kể cả chia sẻ những điều trước đây chưa từng kể với ai. Qua đó, tôi dần nhận ra mẫu người đàn ông lý tưởng trong mắt các bạn gái là lấy yêu thương, tôn trọng, sẵn sàng chia sẻ với vợ con làm nguyên tắc sống”.

Theo anh Vũ, nhờ chia sẻ cởi mở, mỗi người đã có cái nhìn đúng đắn và chuẩn xác hơn về vấn đề bạo lực trong gia đình. Họ hiểu được những hành động có thể gây tổn thương sâu sắc đến tâm hồn của người khác, dù nhỏ. “Cho các bạn trẻ thấy được trách nhiệm của mình trong việc tham gia phòng chống BLGĐ và xây dựng gia đình hạnh phúc trong tương lai” là mục tiêu chung mà chương trình hướng đến. “Việc thành lập và duy trì sinh hoạt của các CLB như vậy là  vô cùng cần thiết, trong tình hình việc hướng dẫn kỹ năng sống, thái độ ứng xử văn hóa, công tác tư vấn cho học sinh chưa được coi trọng đúng mức”, ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo TP. Đà Nẵng nhận xét.

Trên thực tế, nhiều bạn trẻ đôi lúc cảm thấy mình như bị bỏ rơi bởi thiếu sự chia sẻ, can thiệp, giúp đỡ ngay từ ban đầu trong những tình huống nan giải. Hoàn cảnh ấy có thể đưa đẩy họ tới sự vô cảm, bị kẻ xấu lôi kéo, lợi dụng, bạo lực. Sự có mặt của các CLB về phòng, chống BLGĐ trong học đường đã giúp học sinh, sinh viên tìm được tiếng nói chung.

Huỳnh Lê
;
.
.
.
.
.