.

Một quyển sách, nhiều kỷ lục

.
Cuối tháng 9 vừa qua, cuốn Địa chí Quảng Nam-Đà Nẵng (QN-ĐN) dày gần 1.850 trang, khổ 16x24cm (chưa kể gần 200 trang hình ảnh minh họa) đã được phát hành. Công trình biên soạn công phu suốt “một con giáp” này đã cung cấp cho bạn đọc những hiểu biết chính xác về đặc điểm tự nhiên, lịch sử, kinh tế, văn hóa... trong quá khứ và hiện tại của một vùng đất.

Mô tả ảnh.
Đồng chí Trần Thọ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng tặng hoa và cảm ơn hai vị đồng chủ biên bộ sách.
 
“Thời Chămpa có một ngôi đền thờ tượng rắn thần Nagar bằng sa thạch. Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn viết vào thế kỷ XVIII ghi “Ba xứ Phường Tây, Thu Bồn và Vực Rắn đều là đại đồng điền của hai phủ Thăng Hoa và Điện  Bàn”. Do việc thay đổi của dòng chảy sông nơi đây (về sau có tên là sông Bà Rén), đền thờ bị đất lở cuốn trôi mất tích. Theo cách gọi dân gian, đền thờ “Bà thần Rắn” không còn, chỉ lưu lại địa danh “Bà Rắn” để chỉ xứ đất này. Người dân xứ Quảng phát âm không phân biệt âm ă và âm e. Do đó, Bà Rắn đã đọc thành Bà Rén”.

Những tồn nghi lâu nay về một số địa danh trên vùng đất  QN-ĐN như Bà Rén đã được sách Địa chí QN-ĐN giải thích đầy thuyết phục ở mục Địa danh trong phần thứ sáu Phụ lục. Phần này dày gần 570 trang, cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin hữu ích qua các chủ đề: Niên biểu; Sự kiện đáng nhớ; Nhân vật; Địa danh; Văn hóa Sa Huỳnh trên đất Quảng Nam; Văn hóa Chămpa trên đất Quảng Nam; Thắng cảnh và di tích; Ca dao đất Quảng (tuyển).

Nhà nghiên cứu Thạch Phương (cùng với nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An là đồng chủ biên bộ sách) cho rằng, việc cập nhật địa danh trong Địa chí QN-ĐN có khi chưa đầy đủ, nhưng so với những quyển địa chí mà ông đã xuất bản, thì đây là bộ địa chí được biên soạn công phu, khoa học và đầy trách nhiệm hơn cả. Điều này cũng dễ hiểu. Ông đã viết sách cho nhiều địa phương, nhưng chính mảnh đất quê nhà thì vẫn chưa có một công trình nào tầm cỡ. Mười hai năm trước, khi nhận lời mời của lãnh đạo tỉnh QN-ĐN hồi đó để viết địa chí cho chính quê hương mình, ông nghĩ, thế là đã đến lúc trả được món nợ thiêng liêng cho nơi chôn nhau cắt rốn.

Mô tả ảnh.
Địa chí QN-ĐN là bộ địa chí dày và nặng nhất.
 
Lúc sinh thời, Giáo sư Hoàng Châu Ký thấy sách lâu ra quá, từng vỗ vai ông dặn dò: “Cậu đừng cầu toàn quá, tuổi cũng đã cao rồi, lỡ có mệnh hệ gì...”. Ông thì nghĩ, quyển sách đi qua suốt 7 thế kỷ trên một vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa đáng nể trong lòng đất nước thì không thể làm xong một sớm một chiều. Sau khi Địa chí QN-ĐN ra đời, hai vị đồng chủ biên đã mang sách đến đặt trên bàn thờ Giáo sư Hoàng Châu Ký và Nhà văn Nguyễn Văn Xuân, thắp nén nhang tưởng nhớ hai thành viên ban biên soạn đã đi vào cõi vĩnh hằng, không chờ đến ngày thấy đóng góp tâm huyết của mình được trải lên trang giấy.

Địa chí QN-ĐN chỉ in 4.000 bản (tỉnh Quảng Nam 3.000 bản, thành phố Đà Nẵng 1.000 bản), nhiều người gọi điện thoại hỏi sách, hai vị đồng chủ biên không khỏi lúng túng. Nhà nghiên cứu Thạch Phương cho biết, thành phố Hồ Chí Minh có 8 triệu dân thì có đến nửa triệu là người QN-ĐN, bà con xa quê nghe tin địa chí về đất mẹ đã in rồi, nóng lòng muốn sở hữu một cuốn. Không chỉ để tra cứu đơn thuần mà còn giúp cho con cháu xa quê hiểu được truyền thống văn hóa, lịch sử quê nhà.

Địa chí QN-ĐN có 6 phần: Địa lý; Lịch sử; Kinh tế; Văn hóa-Xã hội; Tổng luận; Phụ lục. Trong đó, phần thứ tư, Văn hóa-Xã hội, là phần trọng tâm của sách, gồm 8 chương: Phong tục tập quán - Lễ hội; Tín ngưỡng - Tôn giáo; Ẩm thực - Trang phục - Nhà ở; Văn học; Nghệ thuật hát bội; Báo chí - Xuất bản; Giáo dục và đào tạo; Y tế.
Hôm rồi, anh em hành nghề báo chí đồng hương QN-ĐN ở thành phố Hồ Chí Minh về thăm quê. Cầm Địa chí QN-ĐN trên tay, ai cũng “cảm thấy nằng nặng” với cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nói về sách địa chí đây có lẽ là quyển sách nhiều “kỷ lục”. Nặng nhất, hơn 2,5kg. Dày nhất, trên 2.000 trang. Lịch sử được phản ánh dài nhất, 7 thế kỷ. Thời gian làm sách lâu nhất, 12 năm. Đội ngũ biên soạn đông nhất, 18 thành viên ban biên soạn và 72 cộng tác viên...

Điều đặc biệt chưa thấy địa chí nào có, đó là Địa chí QN-ĐN ghi chép cho những hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, được xem là “Bách khoa toàn thư” về tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Chuyện này có nhắc trong Lời nói đầu của sách: “Việc chia tách về mặt hành chính là do yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Tuy nhiên, về mặt lịch sử và truyền thống văn hóa, về tình cảm thì xưa nay và lâu dài về sau con người xứ Quảng vẫn luôn là một”.

VĂN THÀNH LÊ
;
.
.
.
.
.