.

Những phụ nữ nhảy tàu

.
Những người đàn bà sống dọc đường ray xe lửa, gần ga Kim Liên (Liên Chiểu, Đà Nẵng) hầu như chỉ có độc một nghề: Nhảy tàu buôn bán hàng rong. Họ nhảy như một kẻ đi săn chộp được con mồi béo bở chỉ sau một cú nhả tên, nhưng cũng có khi chính họ lại bị trọng thương bởi mũi tên đó. Cuộc kiếm ăn diễn ra chóng vánh từ đoạn ga Kim Liên đến ga Lăng Cô.

Diễn viên hành động chào thua

Mô tả ảnh.
Ngóng tàu... Ảnh: Thu Hoa
Ngày nào cũng vậy, cứ đến 7giờ15’ và 10giờ30’, thời điểm có hai chuyến tàu Bắc Nam TN2 và SE6 chạy qua, cũng là lúc làm ăn của những người đàn bà chuyên nhảy tàu. “Mấy tàu khác không có đường lẻn vô trong để bán hàng”, đó là lý do để họ chỉ nhảy hai đợt mỗi ngày, không thể nhiều hơn.

Trời vừa ló sáng, cả xóm đã chộn rộn “ra ga”. Hàng hóa chuẩn bị mang lên tàu là các loại tượng đá Non Nước, vòng kiềng lưu niệm và mè xửng, khô mực được đựng trong một túi vải màu đen. Cẩn thận gói chiếc điện thoại di động vào bao ni-lông trước khi nhét túi, chị Năm (tổ 14, phường Hòa Hiệp Bắc) phân trần: “Khỏi bị thấm nước. Mặc áo mưa thì vướng víu”. Mưa tầm tã suốt nhiều ngày qua, cũng chẳng hề ngăn bước chân họ thôi một ngày kiếm sống.

Sáng nay, ngoài chị Năm còn có mười mấy chị em nữa cùng đợi tàu. Nhà chị Nguyễn Thị Gái (tổ 14, Hòa Hiệp Bắc), quận Liên Chiểu là nơi dễ quan sát đèn báo hiệu nên trở thành điểm tập kết “theo dõi tình hình”. Họ chỉ cần ngồi nhà chị Gái, nhìn đèn đỏ biết tàu dừng, đèn xanh biết tàu thông. Nếu đèn xanh, coi như a-lê-hấp, hồn ai nấy giữ vọt thẳng ra… cầu Nam Ô. “Tàu qua cầu hồi mô cũng chạy chậm hơn mấy chỗ khác. Rứa mới nhảy được”, các chị cho biết.

“Tàu thông!”, có tiếng hô. Cả nhóm đang ngồi tán chuyện nhà chị Gái đứng bật dậy chạy tán loạn. Một đội xe ôm chực sẵn cách đó không xa. Những người này không trực tiếp tham gia nhảy tàu, nhưng sự tập trung không hề thua kém. Hai chị ngồi lên một xe, giá 5.000 đồng/chuyến. Cánh xe ôm phải chạy làm sao để những người đàn bà này đến cầu sớm hơn tàu vài phút. Nếu không có tài nghệ lạng lách và nắm bắt địa hình, khả năng làm các chị trễ tàu là cái chắc. Chúng tôi biết điều này, do hôm ấy đã làm xe ôm bất đắc dĩ khiến mấy chị méo mặt.

nhay-tau4.jpg
Và… nhảy. Ảnh: Thu Hoa
 
Từ phía xa, đầu tàu lù lù xuất hiện. Hàng chục ánh mắt dáo dác tìm điểm nhảy. Như đã biết nhiệm vụ, bà Trần Thị Mai, bán nước dưới chân cầu Nam Ô, bỏ quán đi xách túi hàng giúp các chị. “Để mấy đứa rảnh tay vịn”, nói rồi bà Mai xoa xoa đôi bàn tay ra vẻ ớn lạnh: “Ước chi ngày mô tàu cũng dừng để mấy đứa đứng dưới bán, khỏi nhảy như ri”.

Chứng kiến những người đàn bà  phi thân vào đoàn tàu, cỡ các cascadeur thứ thiệt cũng phải bái phục. Bấm đốt ngón chân vào đôi dép nhựa, mười mấy chị lần lượt lao thẳng vào thân tàu, một tay bám vào bất kể cái gì có thể, một tay với lấy túi hàng từ phía bà Mai. Sau khi “yên vị”, họ len dần lên… nóc và đợi. “Nằm trên nớ nghe ngóng tình hình, canh chừng bảo vệ. Khách có người cũng tội lắm. Thấy mình khổ, họ đẩy giúp cửa sổ cho vô”, tiếng các chị cùng với đoàn tàu dần khuất về phía xa.

Xóm nhảy tàu

Thừa biết tai nạn có thể xảy đến bất cứ lúc nào, nhưng hiện có rất nhiều chị em quanh khu vực ga Kim Liên vẫn ngày ngày kiếm sống bằng nghề này. Cao điểm có thể có đến 30 chị cùng nhảy một lúc. Người mới làm cũng ngót nghét 5 năm. Còn lại hầu hết đều có thâm niên 20, 30 năm. Có người lớn lên tại đây, “nối nghề” của gia đình. Có người từ phương xa về làm dâu rồi gia nhập đội nhảy tàu lúc nào không hay. Gia đình chị Gái (52 tuổi) với 7 con người lại gần như không thể làm gì khác ngoài nhảy tàu, bởi lý do “mù lý lịch”. Hộ khẩu, chứng minh nhân dân bị thất lạc ở vùng kinh tế mới, những người con gái chỉ biết theo mẹ nhảy tàu. Mấy đứa con trai, ngoài mùa làm phụ hồ xây dựng cũng bám tàu kiếm ăn.

Cỡ U50 đã được phong lão làng. Riêng cụ Chung được ưu tiên đứng… ngoài bảng xếp hạng. Đã ngoài 80 tuổi, lưng còng sát đất nhưng ngày nào cụ Chung (tổ 6) cũng tay xách, nách mang lỉnh kỉnh đồ đạc ra ga. Các chị chạy, cụ cũng… chạy theo cách của mình. Các chị mong tàu thông, bởi nhảy tàu tuy cực nhưng khả năng bán được nhiều hơn, còn cụ mong tàu dừng mới có thể kiếm chút đỉnh.

Bán ngày nào, các chị mua hàng ngày nấy theo hình thức lời ăn, vốn trả lại. Ông Nguyễn Minh (tổ 19, phường Hòa Hiệp Bắc) là đầu nậu của cánh bán hàng rong trên tàu. Vài ngày, ông Minh lại ghé xóm này một lần để bỏ hàng. Theo ông Minh, mỗi món hàng (chủ yếu là đồ đá), ông chỉ lấy giá chênh lệch 1 nghìn đồng so với giá gốc. Các chị mặc cả được với khách bao nhiêu thì tùy. Ế ẩm, ăn luôn cả vốn là thường. Lắc đầu ngao ngán, ông Minh nói: “Mấy chị ở đây khổ lắm. Có người không trả được nợ, trốn mất dạng luôn”.

Ở cái xóm nhảy tàu này, ngoài chuyện tàu dừng, tàu thông, thì “bốc nóng” cũng là chuyện được các chị rỉ rả suốt ngày. Chị Trần Thị Tạo, 40 tuổi nói: “Phải bốc đứng, bốc ngồi mới bù qua, đắp lại cho những ngày bán không ra. Bốc của người ta 1 triệu đồng, mỗi ngày góp 30 nghìn. Không trả kịp để lãi mẹ đẻ lãi con, nợ nần chưa bao giờ dứt”.

Mô tả ảnh.
Tạm thời “yên vị” trên nóc tàu. Ảnh: Ngọc Đoan
 
Bán bát máu, ăn bát cơm

Chỉ vào chỗ cánh tay và khớp chân gãy, chị Hồ Thị Mai (41 tuổi) kể: “Tôi bị rớt tại Lăng Cô vào ngày 20 tháng giêng vừa rồi. Tỉnh lại mới biết mình còn sống. Từ nớ tới chừ cứ nghe tiếng tàu là hú hồn, hú vía”. Sau tai nạn đó, chị Mai quyết định bỏ nghề, chuyển qua… bỏ hàng cho những người khác nhảy.

Không phải ai cũng nhanh chóng tự thay đổi ngành nghề khi đã hoàn hồn như chị Mai. Họ tự biết mình đang “bán bát máu, ăn bát cơm”, mà vẫn lao đi bất chấp sự sống. Bà Đặng Thị Chín, dì ruột chị Tạo đã chết vì điện giật từ trên nóc tàu. “Thấy dì va phải đường dây điện nhưng tôi không thể cứu”, vẫn còn nguyên nỗi sợ hãi, chị Tạo cho biết. Chị Tạo lơ nghề vài bữa rồi lại nhảy tiếp cho đến tận bây giờ đã là… 10 năm sau sự cố đau thương ấy.

Muốn chụp được tấm hình phản ảnh thực trạng chị em bu bám tàu bán hàng rong để minh họa cho bài viết, nhưng trong lòng lại cầu mong các chị đừng nhảy. Đó là tâm trạng của chúng tôi trong những ngày lui tới nơi này.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Hòa Hiệp Bắc khẳng định:

Việc các chị tham gia nhảy tàu buôn bán hàng rong xảy ra tại địa phương từ lâu nay và đã có nhiều sự cố đáng tiếc. UBND phường đã họp các chị lại, yêu cầu cam kết không tiếp tục mua bán hàng rong trên tàu; đồng thời, tạo điều kiện cho các chị vào buôn bán ở chợ. Tuy nhiên, dù đa số chị em muốn chuyển đổi ngành nghề nhưng lại lo sợ thất bại. Hơn nữa, muốn chuyển qua nghề khác phải có vốn, nhưng hiện nay chỉ có người nghèo mới được vay từ nguồn của Ngân hàng Chính sách xã hội, còn các đối tượng cận nghèo thì chưa được vay. 

Thêm một thông tin chúng tôi vừa nhận được, Công ty TNHH Thủy sản Bắc Đẩu (Thọ Quang) đã liên hệ với Hội Phụ nữ phường với ý định tiếp nhận 100 chị vào làm việc ngay trong tháng này.

 
Phóng sự của Toàn Vân
;
.
.
.
.
.