.

Tản văn: Dừa ơi, nội ơi!

“...Tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ. Dừa ru tôi giấc ngủ tuổi thơ...”. Cũng không biết tự bao giờ bài thơ ấy cứ theo tôi đi suốt cuộc hành trình qua năm tháng đời người. Mỗi khi nhìn thấy hàng dừa đâu đó là tôi lại nhớ đến nội, nhớ đến tuổi thơ nghèo của bao người dân quê tôi lớn lên và gắn bó với cây dừa trước ngõ. Cái dáng gầy còm, lụm khụm trước hiên nhà dưới gốc cây dừa khẳng khiu bên mái nhà tranh liêu xiêu cứ in mãi trong tâm trí tôi.

Quê tôi miền duyên hải, nắng gió bao la lan tỏa giữa những triền cát trắng mênh mông. Mùa hè, nắng như muốn thiêu cháy cả cánh đồng vàng giáp hạt. Bởi vậy, những hàng dừa bao đời cứ bám chặt lấy quê hương giữ đất giữ làng và như để xoa dịu cái nắng oi ả miền Trung. Bất cứ hiên nhà ai ở  quê nội cũng đều có một cây dừa và dưới cây dừa là một lu nước đầy trong vắt. Những lúc về quê cùng ba thăm nội, tôi thường ra đó múc nước rửa mặt và ngắm những bông hoa trắng li ti rụng quanh góc sân.

Thích nhất là được nhìn thấy ba trèo lên cây cao chót vót, hái cho những quả dừa vừa mới lớn căng tròn láng mịn để lấy nước uống giải khát. Những lúc ấy, nội đứng dưới hiên nhà la í a í ới vì sợ ba bị ngã. Tình thương của nội dành cho tôi là những con cào cào, con châu chấu, con ngựa, con rết... làm bằng lá dừa xanh biếc. Nội còn kể tôi nghe những câu chuyện giặc càn qua xóm và những vết sẹo hằn sâu trên thân dừa là những chứng tích của những năm bom Mỹ dội xuống dân làng.

Qua mỗi vết tích là những trận bom ác liệt nhưng dừa vẫn hiên ngang bất khuất lớn lên như những con người dân làng quê nội anh dũng kiên cường bám đất bám làng giữ lấy quê hương. Và cứ như thế, cũng chẳng biết dừa có từ lúc nào, nhưng bao người sinh ra và lớn lên ở quê nội dù đi đâu xa cũng vẫn gắn liền với hình ảnh bóng dừa trước sân. Bao năm đi học xa nhà và ở lại thành phố, giữa bao bộn bề lo toan và sự tất bật của cuộc sống, hình ảnh dừa và nội đôi lúc mờ đi trong tâm trí tôi, nhưng những lúc bắt gặp một bóng dừa nào đó trước khu resort hay trên những con đường ven biển hình ảnh ấy lại dội về mồn một.

Chiều nay nghe nội đau nặng, tôi vội vàng chạy về thăm, chợt phát hiện quê nội không còn những cây dừa ngày xưa đổ bóng trước hiên nhà. Nội móm mém nhai trầu nhìn tôi cười bảo, bây chừ làm gì có nhà ai trồng dừa nữa đâu con. Tôi tiếc đến nao lòng. Nghe đâu, cũng vì nhiều lý do. Có người bị trái dừa rớt trúng đầu qua đời nên một số nhà đã chặt bỏ, có một số thì bị chặt do vướng khi xây nhà, một số cũng bị dời lên thành phố làm cây cảnh cho các quán cà-phê vườn, khu nghỉ mát xa hoa sang trọng, một số khác cùng chung số phận với những ngôi nhà nằm trong diện quy hoạch giải tỏa... Bỗng tôi nghĩ đến một ngày nào, nội tôi về phía bên kia, chắc có lẽ hình bóng cây dừa ngày xưa và nội chỉ còn trong ký ức và đọng lại qua những câu thơ, phải không nội ơi, dừa ơi...

Băng Châu

;
.
.
.
.
.