.

Truyện ngắn: Tóc mai

Thuở nhỏ, ai cũng khen tóc cô Khanh tôi đẹp. Mà công nhận tóc cô nhìn thích thật, khi cả bờ tóc dài đã được buộc bổng hay búi cao, tóc gáy và tóc mai trán và gáy rũ xuống mềm mại mủi lòng. Cha tôi tự hào về em gái lắm lắm, chẳng gì thì cả làng, cả trấn chẳng có ai đẹp bằng cô, gương mặt cô sáng như trăng rằm, tươi nhuần, hiền dịu, chắc chắn sau này sẽ có một cuộc sống sung túc, an nhàn.
 
Người ta bảo nội trong hai chục năm nay, cô tôi là người đẹp trội nhất trấn. Ngày xưa làng Dừa có một cô gái cũng nức tiếng nhưng rồi lấy chồng xa, đời chịu biết bao trầm luân khổ ải, bị chồng ruồng rẫy không biết đã trôi dạt về đâu. Người nhà quê thường có ý nghĩ cậy nhờ cái thế của người thân, lấy cái lộc của người thân làm cái phúc của đại gia đình mình nên cha tôi lại càng hết sức giữ gìn cô. Cô đi đâu xa hay đi chơi đêm với bạn gái trong làng cha đều ngầm cắt cử tôi đi kèm.
 
Quần áo của cô được may bằng thứ lụa tốt, kín đáo, kỹ lưỡng, khéo léo vô cùng. Trong khi tôi là con gái của cha thì bị đối xử như một thằng con trai, từ nhỏ đã bị bỏ vạ vật, ăn đất nằm sương mà lớn. Có lẽ vì tôi mười mấy tuổi mà cao nhồng, đen như củ súng, ăn nói ba láp cà tưng, quần áo mặc tà trước tà sau luộm thuộm. Mỗi lần cha mắng nhiếc tôi vì tật này, lỗi nọ, cô lại đến ngồi sau lưng tôi, an ủi. Cô khen tôi có đôi mắt sáng, lông mày đẹp, chiếc cằm mảnh, tính tình mạnh mẽ, quyết đoán sau này sẽ làm nên chuyện. Mỗi lần như thế, tôi đều gạt tay cô ra. Nhưng rồi tôi cũng chẳng giận cô được lâu. Bởi gương mặt ướt át mềm mại và những lọn tóc mai như những sợi mắt biêng biếc cứ rũ xuống, mủi lòng.

Mỗi khi họ hàng, anh em có kỵ hay cưới hỏi, lễ lạt, cha đều bảo cô và tôi đến giúp. Trong khi tôi chạy lăng xăng như một thằng nào đó, bưng mâm, dọn bàn, thậm chí làm cá, pha thịt, dựng rạp thì cô lại được sung ngay vào đội bưng lễ, tiếp tân nhẹ nhàng. Và đám nào cũng vậy, cô xinh đẹp nổi bật giữa đám đông, làn da trắng hồng, đôi mắt dài đen nháy, mái tóc cặp nửa quý phái, dáng hình thanh thoát lạ kỳ. Lắm đám cưới người ta chỉ tập trung điểm nhìn về cô mà quên mất cô dâu trang điểm sặc sỡ, người quen thì chớ chứ người lạ hỏi rộ lên cô là con cái nhà ai rồi tấm tắc khen ngợi, trong lòng thể nào cũng thầm nghĩ giá mà hỏi được cô cho con, cháu thì nhà sẽ thêm hưng vượng, hiển lộc.

Cô mười tám tuổi, cha tôi vẫn chưa quyết gả cho ai.

- Hôm đi chùa với bà, cô lén xóc quẻ, quẻ nói cô cao số, vất vả, lận đận, cô lo quá, mấy đêm nay không chợp mắt được Tường ạ.

Cô thầm nói rầu rầu trong buổi tối hai cô cháu nằm hóng mát bên cửa sổ.
Tôi gượng gạo an ủi, trong câu nói dù cố giấu đi vẫn chất chứa sự mỉa mai, tủi thân:

- Với dung mạo của cô, thể nào cũng lấy được người giàu có, tài giỏi. Chẳng phải cô vẫn thường nhận được quà của những người yêu thầm mà không dám nói đấy à? Người cao số, đáng lo, đáng trách là Tường đây này.

Cô tôi vẫn thường nhận được những món quà của ai đó gửi, khi thì chiếc cặp tóc đính đá, khi thì tấm lụa nhã, có cả phấn nhụy, kiềng bạc. Tôi thường vờ không để ý đến chúng nhưng trong lòng phiền muộn, ao ước. Giờ tôi hỗn xược vậy, cô cũng chỉ thở nhẹ, quay mặt vào trong, cái dáng nằm nghiêng chênh vênh, mủi lòng.


Một buổi tối, khi cả nhà quây quần bên chõng, bà và cô chẻ tăm nhỏ bằng dao cau, mẹ sàng gạo còn tôi chong đèn như học bài nhưng thực ra là đọc cuốn tiểu thuyết mới mượn được, cha tôi rít xong điếu thuốc lào, hắng giọng:

- Tôi thấy nhà ông Phúc ở trên trấn cũng được, nhà khéo làm ăn, buôn bán, có của ăn của để, hôm cưới con Thọ, ông Phúc đánh tiếng muốn hỏi cái Khanh cho thằng Trầm nhà ấy. Bà với mẹ cái Tường xem thế nào?

Tôi hóng được câu chuyện, nghe nói cha sắp gả cô đi, tôi bỗng thấy buồn hiu. Tôi biết nhà ông Phúc. Nhà này có tiệm vàng trên trấn, giàu có, phong lưu lắm. Nhà tôi với nhà ông Phúc coi như một trời một vực. Cô tôi mà được về nhà ấy làm dâu, nói như người ta là chuột sa chĩnh gạo. Nhưng còn Trầm. Anh ta cùng lắm chỉ hơn cô tôi vài tuổi, ra dáng công tử, đẹp mã, hào hoa. Cô tôi với Trầm, khác nào một bên là nàng Melanin hiền dịu, thánh thiện, một bên là gã Red Butler gian manh, đào hoa. Trầm chưa làm việc gì tai tiếng nhưng trong mắt tôi, anh ta vẫn có vẻ gì rờn rợn. Bỗng nhiên tôi thấy lo lắng cho cô Khanh. Nghe cha tôi nói, cô chỉ lặng lẽ cúi đầu, tay vẫn thoăn thoắt chẻ tăm. Về khuya, cô ôm tôi chặt hơn, bầu ngực ấm thổn thức hoài không dứt.

Trong đám cưới xa hoa cô tôi rực rỡ như tiên nữ, chú rể cao lớn, đẹp đẽ mừng như bắt được vàng. Bà nội và cha mẹ tôi hồ hởi, tự hào. Chỉ mắt cô buồn như sông. Tôi không ra vui, không ra buồn. Tôi chỉ nghĩ lấy được chồng giàu, chồng đẹp mà không vui thì như đánh mất tâm hồn mình. Ấy vậy mà sau đám cưới, trong ngày lại mặt họ ngoại, cô tôi về cùng chồng, gương mặt hồng hào, thần sắc tươi tắn. Cha tôi mừng lắm, mổ gà làm mấy mâm thịnh soạn mời họ hàng.
 
Trong bữa cơm, cô chú ngỏ ý xin cha cho tôi lên ở cùng. Tôi đi học trên trấn mỗi ngày đạp xe ngót nghét hai mươi cây số, giờ được trọ học trong nhà cô chú thì còn gì hơn. Nhưng cha tôi lưỡng lự, chắc vì ông ngại cô tôi mới về nhà chồng mà có tôi lên ở cùng sợ mang tiếng đèo bòng hay vì có lẽ ông muốn tôi ở nhà để dễ bề quản lý, cô Khanh tôi, dù sao cũng quá dễ dãi và chiều chuộng tôi quá. Tôi chưa kịp mừng đã vội lo. Nhưng thật bất ngờ, cha tôi đồng ý. Nhưng ông phán một câu khiến lòng tôi đau như cắt “Cho mày lên ở với cô để lây chút tiếng thơm, lây chút nữ tính cho dễ bề lấy chồng”.

Nhà chồng cô tôi đẹp thật. Nhà mái bằng hơi cũ nhưng bên trong mát rượi, sạch như lau như ly, thứ gì cũng có. Mẹ chồng cô mất từ lâu, nhà có một bà giúp việc mà mấy ngày đầu tôi phải tự nhắc mình quen với việc tự nhắc nhở mình bà là một bà giúp việc chứ không phải là một mệnh phụ quyền quý. Bởi bà quá đẹp, vẻ đẹp của một người phụ nữ đứng tuổi từng có thời xuân sắc huy hoàng.
 
Sắc mặt bà tươi nhuận, đằm thắm, dáng vẻ đầy đặn, nhanh nhẹn. Bà luôn buộc khăn trùm đầu bất kể trời nóng hay lạnh. Tôi càng ngạc nhiên hơn khi nhìn thấy bức ảnh thờ của mẹ chồng cô tôi. Vẻ khắc nghiệt và khô khỏng trên gương mặt bà trái ngược với vẻ đẹp lực lưỡng và nổi trội của chú Trầm. Tôi nghĩ nếu chú là con trai bà Ngân giúp việc thì có lẽ hợp nhãn hơn, nếu bà già thêm mười tuổi.

Cứ cách một đêm, cô lại sang ngủ với tôi. Cô ngủ say và hơi thở nhẹ một cách an lành. Một lần về quê, tôi kể cho bà nội nghe chuyện của cô, không hiểu sao cha tôi biết được. Cũng không biết ông nói gì mà từ dạo đó không còn thấy cô nửa đêm lại ôm gối sang giường tôi. Một buổi chiều hè, khi cô bưng bát chè đỗ đến bên bàn học cho tôi, bất giác, tôi ngước lên nhìn. Và tôi nhận ra gương mặt cô tôi đã không còn tươi tắn, thanh thản như trước nữa. Tóc mai của cô cũng không còn đâm xuống đầy sức sống như xưa. Và cũng từ lâu lắm, cô ít chuyện trò, ít cười nói. Gần hai năm trôi qua, thư nào cha mẹ gửi lên trấn cho tôi cũng hỏi đến chuyện cô Khanh đã có “dấu hiệu” nào chưa. Tôi thấy cô chú vẫn thế, vẫn hằng ngày lên tiệm vàng, chú vẫn quan tâm tôi một cách chừng mực. Cha mẹ tôi gửi tiền ăn cho tôi, chú nhất quyết không cầm, ban đầu chú bảo tôi cố gắng học giỏi sau này còn dạy học cho các con chú, sau này, tôi không còn thấy chú nhắc đến chuyện đó nữa.


Tôi vào thành phố học đại học cũng là lúc cô tôi không còn thiết tha gì với việc buôn bán nữa. Cô lui về mở một tiệm may nhỏ và thường về nhà cha mẹ tôi hơn. Một năm đi xa, khi gặp lại tôi không còn nhận ra cô nữa, cô hao mòn, tóc rụng đi nhiều, đôi mắt vô hồn mênh mang và cũng buộc khăn trùm đầu như bà Ngân. Cô hỏi tôi, giọng nói vẫn dịu dàng như những ngày nào:

- Tường về đấy hả cháu? Cô đã bảo mà, Tường càng lớn càng duyên. Chỉ tóc mai là không đẹp lắm, nhưng như thế lại hóa hay đấy. Cháu xem này.
Cô Khanh mở chéo khăn, để lộ vầng trán đẹp, rồi lật tóc gáy cho tôi xem. Không còn những lọn tóc rũ xuống mủi lòng nữa, tóc mai của cô giờ mọc ra cụt ngủn, khô cằn.

- Ông thầy đó bảo cắt tóc mai sẽ thay đổi được số mệnh. Tường xem, cô cắt đến nỗi như thế này mà sao vẫn không thể có con được.

Cô khóc lặng đi. Và lần đầu tiên trong ngần ấy năm tôi ôm lấy cô. Bờ vai cô mảnh dẻ, tóc cô vẫn thơm mùi dầu dừa nhưng những ngón tay cô tôi lại có mùi thuốc lá, cô tôi đã nghiện thuốc lá tự bao giờ.
Mùa hè năm ấy một chuyện động trời xảy ra làm cả làng, cả trấn sững sờ. Sau bốn năm lấy cô tôi mà không thể có con, chú Trầm công khai cưới người đàn bà khác làm vợ. Đau đớn hơn người đó chính là bà Ngân, người đàn bà hơn bốn mươi tuổi lâu nay vẫn giúp việc trong nhà cô chú tôi. Trước ngày cưới, tôi lên dọn đồ và máy may chở về làng cho cô tôi, tôi nhìn thấy bà Ngân đã bỏ khăn trùm đầu. Tóc mai bà thật đẹp, đẹp như tóc cô tôi những ngày còn con gái. Bụng bà đã lùm lùm sau lần áo. Cô và tôi chạm mặt chú Trầm ngoài cổng, chú gầy và râu tóc lởm chởm, chú chỉ nhìn tôi hồi lâu rồi lặng lẽ bước vào nhà. Rất nhiều đêm trong kỳ nghỉ hè đó, tôi thường ngủ ngoài tiệm may với cô, nửa đêm thức giấc đều thấy điếu thuốc trên tay cô lập lòe.

Một ngày đông giá lạnh, cha điện tôi về gấp. Khi tôi về đến nhà, người ta đã quàn cô Khanh tôi ở một mái che bên góc sân. Người ta tìm thấy cô tôi nằm lặng trên đồi thông cùng những chai thuốc sâu lăn lóc. Người ta bảo cô tôi uất kết chết bờ chết bụi không được vào nhà, tôi hét lên, giọng đầy nước mắt:

- Cô chết rồi mà vẫn phải bắt nằm giữa sương giá. Các người không thấy có tội à?

Rất nhiều người tiễn cô tôi ra đồng. Có cả chú Trầm liêu xiêu trong những dáng người trẻ trai lực lưỡng. Nhà vãn việc, cha trao cho tôi một lá thư “…Tường còn nhớ những món quà khi xưa cô thường được một người giấu mặt gửi cho không? Cô cứ ôm mãi mối tình câm với người đó. Mãi sau này khi chú Trầm bỏ cô, cô mới biết người đó không ai khác mà chính là chồng cô. Được sống bên Tường và chú Trầm là những ngày hạnh phúc nhất đời cô. Giá cô đừng nghiện thuốc lá, đừng cắt tóc mai thì đời cô đã không khổ hạnh thế này…”.

 
Tám năm qua.
Ngày tôi đưa anh về quê, ngang qua quãng bờ sông rẽ lên trấn, chiếc xe cánh dơi của anh băng qua, tôi nhìn thấy một người kích điện trên sông, vụt hiện gương mặt khi xưa của chú Trầm.

Làng Dừa gái đẹp đâu bì
Tóc mai mắt ướt núi quỳ mây sa

Câu thơ ai đó ngâm nga theo gió bay vào cửa kính ô-tô. Anh vuốt tóc tôi “Em là con gái làng Dừa phải không? Con gái làng Dừa thì tóc mai phải đẹp chứ?”. Tôi nói khẽ trong vô thức “Cô Khanh bảo Tường có duyên ngầm, còn cô, lên chùa lần đầu đã rút phải quẻ “anh hoa phát tiết ra ngoài...”.

Đầu tháng 7-2010

Võ Thị Hà
;
.
.
.
.
.