.
BAO GIỜ CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ MIỀN TRUNG PHÁT TRIỂN

Vẫn là câu hỏi khó!

.
Một hội thảo quy mô “Công nghiệp hỗ trợ vùng kinh tế trọng điểm miền Trung” vừa diễn ra tại tỉnh Quảng Ngãi, do Bộ Công thương và địa phương này đồng tổ chức với sự tham gia của gần 100 doanh nghiệp. Hội thảo đã nêu lên thực trạng, tiềm năng và triển vọng phát triển công nghiệp hỗ trợ ( CNHT); về quy hoạch, chiến lược và các giải pháp đề xuất phát triển CNHT tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung Việt Nam.
 
Lựa chọn sản phẩm mũi nhọn - bài toán khó
 
Mô tả ảnh.
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ đạo hội thảo.
 
Nhiều ý kiến cho rằng, hiện tại, CNHT - được hiểu là một lĩnh vực chủ yếu sản xuất ra linh kiện, phụ tùng, giúp các cơ sở sản xuất lớn có nguồn vật tư, các thiết bị để cho ra đời những sản phẩm hoàn chỉnh - của Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế. Đây là một trong những yếu tố dẫn đến nhập siêu và giảm sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Đa số doanh nghiệp sản xuất tại khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung hiện còn ít, việc hình thành và phát triển các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất chế tạo cần được đặt ra là định hướng quan trọng.
 
Công nghiệp miền Trung còn manh nha, mới mẻ; các doanh nghiệp trong và ngoài nước rất quan tâm đầu tư vào vùng kinh tế trọng điểm này. Đây là điều kiện thuận lợi để các địa phương thống nhất lập ra danh sách các sản phẩm CNHT sớm đề xuất Chính phủ có cơ chế ưu đãi, tạo điều kiện cho miền Trung một hành lang pháp lý thuận lợi trong việc hoạch định và tìm ra biện pháp hữu hiệu cho nội hàm về sản phẩm CNHT tại đây.

Bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng cho rằng: “Thực trạng này còn dẫn tới nguy cơ là các doanh nghiệp (DN) lắp ráp, sản xuất sản phẩm cuối cùng có thể rút khỏi thị trường Việt Nam do không có nguồn cung linh kiện, phụ tùng tại chỗ. Điều này càng đòi hỏi ngành CNHT phải nhanh chóng hình thành và phát triển. Tuy nhiên, lựa chọn sản phẩm nào trong danh mục vật liệu, linh kiện... để ưu tiên phát triển thành ngành CNHT lại là một bài toán khó.

Chậm và còn nhiều lúng túng

Ông Bong Jin Cho - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam cho biết: “Chúng tôi đầu tư vào Dung Quất đã 5 năm, nhưng chưa thấy một dấu hiệu nào đổi thay ở vùng đất này cả; chúng tôi thiếu thông tin về các doanh nghiệp trong vùng, chẳng hiểu họ sản xuất gì, họ đang cần gì…, các cơ quan quản lý cũng không nắm được thực trạng của doanh nghiệp thì làm sao chúng ta tìm ra giải pháp cho ngành công nghiệp hỗ trợ?”.

Ông Lê Văn Dũng, Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất, cho rằng, CNHT là nền tảng của ngành công nghiệp chính yếu, cung cấp linh kiện, phụ tùng, nguyên vật liệu… và cũng có thể bao gồm cả những sản phẩm trung gian, những nguyên liệu sơ chế cho ngành công nghiệp sản xuất và tiêu dùng. Nhưng hiện nay, Quảng Ngãi chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển công nghiệp của tỉnh, đây là một trong những nguyên nhân phải nhập các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngoài tỉnh và nhập khẩu từ nước ngoài. Bà Nguyễn Thị Thúy Mai cho biết thêm: Trong quá trình phát triển công nghiệp, nhập khẩu nguyên liệu là một bất lợi rất lớn. Do đó, Việt Nam cần có những thương hiệu mạnh bởi với nguồn nhân lực dồi dào, đây là nơi các nhà đầu tư nước ngoài có thể đặt cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, các DN cần đào tạo tại chỗ nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu công việc.

Bà Hoàng Thị Hồng Nhạn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khải Phát, doanh nghiệp đóng tại KCN Hòa Khánh Đà Nẵng đề nghị, Nhà nước cần hỗ trợ về vốn, đặc biệt tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn của Jica (Nhật Bản) trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cần có chính sách thật cụ thể, không nên nói chung chung như lâu nay… Nhiều hội thảo, các cấp quản lý hứa hẹn nhiều, nhưng sau đó lại chìm vào quên lãng! Các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nên liên kết, phối hợp với nhau để đề xuất với Chính phủ về những khó khăn bức xúc của các doanh nghiệp. Chúng tôi sẵn sàng tài trợ để thiết lập một website chung cho 5 tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm để chúng ta cùng trao đổi thông tin thường xuyên trên diễn đàn này, đặc biệt có tiếng nói chung về ngành CNHT, một vấn đề bức xúc hiện nay ở vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Một đòi hỏi cấp bách

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã sẻ chia với những khó khăn của các địa phương và phân tích một cách có hệ thống về tình hình phát triển công nghiệp trên địa bàn này. Sau khi nghe những tham luận và những ý kiến đóng góp của các đại biểu về ngành  CNHT, ông Trần Tuấn Anh cho rằng, qua hội thảo này, Trung ương sẽ có thêm nhiều dữ liệu, thông tin về những bức xúc hiện nay của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, từ đó sẽ có những chính sách phù hợp, kịp thời nhằm hỗ trợ vùng đất này phát triển cùng hai đầu đất nước, góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.
 
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, vấn đề  CNHT đòi hỏi phải có một quá trình, không nhất thời, làm xổi. Vì thế cách tiếp cận vấn đề này, chúng ta cần phải nhìn nhận như một yếu tố quan trọng mang lại giá trị gia tăng cao trong cạnh tranh và hội nhập. Vai trò trách nhiệm của các chủ thể, chính quyền, doanh nghiệp trong việc hoạch định chiến lược cho ngành CNHT ở vùng kinh tế trọng điểm miền Trung như là một đòi hỏi cấp bách hiện nay.

“Hiện tại Bộ Công thương đang trình Chính phủ phê duyệt quyết định phát triển CNHT, đây là văn bản pháp lý đầu tiên khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong phát triển CNHT. Trong thời gian tới, chúng ta rất cần các chính sách phối hợp hiệu quả ở tầm quốc gia và các địa phương để thúc đẩy ngành công nghiệp này” - Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết trước khi kết thúc hội thảo.
 
Nguyễn Ngọc Hạnh
 
;
.
.
.
.
.