.

Chợ phố, nỗi niềm kẻ bán - người mua

.
Từ nhiều tuần nay, chỉ cần sà vào chợ, quan sát những người đàn bà ở chợ, dường như đều thấy sự tần ngần trên nét mặt. Hỏi chừng họ một câu về giá cả, tức đều được đáp lời: Mớ mùng tơi, rau muống từ 3.000 - 4.000 đồng giờ đã lên đến 5.000 - 6.000 đồng mà chỉ bằng 2/3 dạo trước. Thịt, cá, dưa mắm, cái gì cũng tăng. Đi chợ mà chẳng biết mua gì cho hợp lý. Vòng đi vòng lại, thấy tiền như rơi rớt đi đâu.
Mô tả ảnh.
Giá cả tăng chóng mặt, làm nhiều người phải đắn đo khi mua bán.
 
Từ vài tháng qua, nhiều bà nội trợ phải đau đầu với bài toán chi tiêu. Thu nhập thực tế tăng nhỏ giọt, giá cả bươn bả mọi đằng, họ chỉ còn cách thật đắn đo trong việc chi tiêu.

Tại chợ Đầu mối Hòa Cường, một số mặt hàng rau, củ, quả tăng nhẹ. Lý giải về việc tăng giá này, chị Lê Thị Phương – chủ một sạp rau cho biết: “Giá rau, củ tăng do vừa rồi mưa lũ liên miên, Quảng Nam, Đà Nẵng không trồng được nên phải nhập rau từ Hà Nội, Đà Lạt, cước phí vận chuyển tăng, giá rau cũng phải tăng theo”.

Ghi nhận tại chợ Đầu mối cho thấy, trong chợ luôn có bảng giá các mặt hàng, giá tăng nhẹ, nhiều mặt hàng giữ nguyên giá như bí đao 3.500 đồng/kg, bí đỏ 6.000 đồng/kg, cà chua 6.000 đồng/kg, cải bẹ 9.000 đồng/kg, khổ qua 3.000 đồng/kg. Bên cạnh việc bán sỉ, các chủ hàng cũng kiêm luôn việc bán lẻ. Thời gian gần đây, nhiều người nội trợ tìm đến chợ Đầu mối để “giải tỏa” cơn khát rau.

Cô Lê Thị Hiểu (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) cho biết, trước đây cô vẫn đi chợ cóc gần nhà nhưng gần đây giá một cái hoa lơ mà lên tới 12.000 đồng. Cả nhà có thói quen ăn rau, giờ ăn ít đi thì thiếu, vì vậy mỗi tuần hai lần cô lại lên chợ Đầu mối để mua đồ ăn cho cả nhà. “Tại đây giá tăng không đáng kể, lại tha hồ lựa rau ngon” - giơ mớ rau cải mới lựa được, cô Hiểu hồ hởi cho biết.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có thời gian như cô Hiểu. Rau củ từ chợ Đầu mối về các chợ cóc, giá tăng một cách rõ rệt. Cô Nguyễn Thị Hải, chủ sạp rau lẻ tại chợ An Khê (quận Thanh Khê) “khó xử” với giá rau: “Trước đó, rau cải lấy vào khoảng 2.000 - 3.000 đồng/mớ, bán ra khoảng 4.000 đồng. Giờ trời lạnh, rau khó trồng, nhiều chủ vườn bỏ mối cho lấy giá cao hơn thì làm sao mà bán rẻ được, vì vậy khách cũng mua giảm hẳn. Mà loại rau này không để lâu được, bị héo, úa là mất vốn như chơi”.

Bên cạnh mặt hàng rau, củ, thịt, cá, dầu, gạo cũng đồng loạt tăng giá. Tại chợ Cồn, dầu Neptune lên tới 38.000 - 40.000 đồng/lít, gạo 13.000 đồng/kg, lúc đỉnh điểm, thịt heo mông lên tới 75.000 đồng/kg, thịt ba chỉ 65.000 đồng/kg, thịt gà vàng 60.000 đồng/kg, gà trắng 45.000 đồng/kg…

Bài toán khó giải

Mô tả ảnh.
Bữa cơm của Thủy Anh chủ yếu là rau, đậu.
 
Những người có thu nhập thấp như công nhân, sinh viên, người mới tìm được việc làm lại càng chật vật bởi sự tăng giá chóng mặt của các mặt hàng thiết yếu. Dạo quanh chợ An Khê (quận Thanh Khê), chị Trần Thị Lan chẳng biết mua gì cho phù hợp, trước đây đi chợ cho hai vợ chồng và đứa con mất khoảng 40.000 ngàn đồng/ngày, bữa ăn vẫn có thịt, cá. Giờ tăng lên 50.000 đồng mà mua chẳng được bao nhiêu.

Từ Nghệ An vào làm công nhân khu công nghiệp Hòa Khánh, lương hằng tháng của vợ chồng chị Hồ Thị Vy được gần 3 triệu. Hằng ngày, chị cũng phải đau đầu với bài toán tiền nhà trọ, tiền học của con, tiền ăn uống của cả gia đình: “Giá cả cứ tăng thế này, năm hết Tết đến, không biết có đủ tiền mà về quê không nữa” - chị Vy nói.

Gần 10 năm làm công nhân may, chị Nguyễn Thị Nhân, quê Quảng Nam, có cách tránh “bão giá” của riêng mình. Chị ở khu lưu trú dành cho công nhân. Khi công ty có tăng ca thì chị lại… mừng, vì “Tăng ca để không phải chi tiêu nhiều. Thực ra, bữa cơm công nhân cũng chẳng ngon lành gì, nhưng giờ đi ăn ngoài, đĩa cơm bụi cũng phải 15.000 đồng. Buổi nào tăng ca thì ăn hai bữa tại công ty luôn, ở thì không mất tiền, như thế mới có đồng ra đồng vào”.

Mới ra trường hồi tháng 5-2010, đi làm chưa được bao lâu, Lê Khánh Duy cũng đau đầu với các khoản chi tiêu hằng tháng. “Đi làm cả ngày nên mình chỉ nấu ăn buổi tối, hôm đầu tháng vừa đổi bình gas, giá gas tăng từ 320.000 lên 360.000 đồng cho bình 12kg mà thấy bần thần”. Tiền nhà, tiền điện, tiền nước, xăng xe, điện thoại… đã ngốn sạch số lương 2 triệu ít ỏi, “mang tiếng đã đi làm nhưng hằng tháng vẫn xin trợ cấp từ bố mẹ, chẳng khác gì hồi sinh viên cả”.

Hầu hết sinh viên xa nhà trên địa bàn thành phố cũng cùng tâm trạng. Thủy Anh, quê Nghệ An, sinh viên năm thứ 4 Đại học Kiến trúc cho biết: “Em với bạn, trước chỉ cần 30.000 đồng là đủ cho cả ngày, giờ lên tới 45.000 đồng mà nhìn đi nhìn lại toàn thấy rau với đậu. Chẳng lẽ cứ gọi điện về xin tiền bố mẹ, em chọn cách đi làm thêm, từ bán hàng, đến gia sư”.
Không riêng sinh viên, công nhân mà nhiều gia đình công chức, viên chức sống dựa vào đồng lương cũng mệt nhoài với bài toán chi tiêu. Chị Nguyễn Thị Trâm Oanh (Sơn Trà) không biết phải xoay xở thế nào: Lâu nay không dám mua sắm gì cho mình, lúc nào cũng phải tính toán chi tiêu để không thiếu trước hụt sau.  Mình có lương ổn định mà còn thế này, không biết những người lao động tự do còn khổ đến đâu. Thôi thì ráng “khéo co thì ấm”.

Lựa chọn mua sắm tại siêu thị cũng là cách để tiết kiệm chi tiêu. Chị Thảo Ly (Cẩm Lệ) cho biết: “Giá thực phẩm ở siêu thị tương đối hợp lý, giá niêm yết, không phải mặc cả, cái nào hợp túi tiền thì mua. Ngoài ra, Big C cũng thường xuyên có các chương trình khuyến mãi, giảm giá, hoặc có đồ tặng kèm, tranh thủ những đợt này cũng tiết kiệm được chi tiêu”. 

Trước tình hình giá cả tăng đến chóng mặt như thế, chị Đỗ Thị Thu Hương, Giám đốc Công ty TNHH Tân Hưng - Chi nhánh miền Trung chia sẻ: “Cứ với đà tăng giá này, lương của anh chị em nhân viên không đủ trong sinh hoạt hằng ngày, vì thế, ngoài lương, công ty còn tạo điều kiện để anh chị em có phần trăm hoa hồng từ các hợp đồng sản phẩm. Nhờ đó, thu nhập hằng tháng cũng tăng thêm ít nhiều”. Tuy nhiên, không phải công ty, đơn vị nào cũng có điều kiện để nhân viên của mình có thêm thu nhập như thế.

Vấn đề tăng lương - tăng giá, muôn thuở, vẫn là bài toán khó giải của các bà nội trợ.

Thu Hà
;
.
.
.
.
.